Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 03/08/2023 21:55
Ngày 3/8/2023, tại Học viện Viettel, trong khuôn khổ khóa tập huấn các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội, diễn giả TS. Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã có bài thuyết trình rất truyền cảm hứng, thu hút sự quan tâm, trao đổi của các cán bộ quản lý Bách khoa Hà Nội.
TS. Phạm Đình Đoàn là Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, CSV K27 Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Hiện ông là Chủ tịch Quỹ BK Fund, Phó Chủ tịch Mạng lưới CSV, thành viên Hội đồng đại học Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2022, ông được vinh danh Tốp 10 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam vì có nhiều đóng góp về kinh tế và xã hội. Trong gần 30 năm lập nghiệp, ông luôn theo đuổi triết lý kinh doanh “3 chữ win”: Lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của đối tác phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Trong khóa tập huấn cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023, TS. Phạm Đình Đoàn thuyết trình về chủ đề ”Quản trị chiến lược trong tự chủ đại học và tư duy đột phá để phát triển”, tập trung vào 4 nhóm vấn đề với những gợi mở cụ thể.
Thổi bùng khát vọng phát triển
Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động, xuyên suốt bài phân tích, bàn luận để trong tiến trình tự chủ đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, diễn giả Phạm Đình Đoàn luôn nhấn mạnh: Nếu không thực sự có khát vọng, thì mọi vấn đề chỉ là bàn luận cho vui!
Theo đó, các thầy/cô, lãnh đạo đại học phải bùng cháy khát vọng phát triển, lan tới từng sinh viên, phụ huynh, CSV. Có khát vọng, mục tiêu, thay đổi/cải tiến gì cũng sẽ được sinh viên, phụ huynh, xã hội, chính phủ… ủng hộ.
Đại học Bách khoa Hà Nội nên tận dụng, khai thác hết được những tài sản đang có. Trên thương trường, các doanh nghiệp mua bán sáp nhập với mục tiêu mua quá khứ/mua tương lai.
Khát vọng là tương lai, nếu thể hiện rõ khát vọng phát triển đột phá tầm khu vực, tầm châu lục, các giảng viên, sinh viên, cán bộ, nhà tài trợ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nguyện lòng mua tương lai cho chính họ, mua tương lai để cống hiến cho Bách khoa Hà Nội.
Xây dựng chiến lược thể hiện khát vọng mãnh liệt vươn lên
Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tham khảo thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn xây dựng chiến lược thể hiện rõ khát vọng vươn lên, cụ thể: Là ĐH số 1 châu Á về khoa học kỹ thuật, đạt mục tiêu này trong 1-2 năm nữa.
Cùng đó, các trường thuộc cũng phải là số 1 trong các nhóm ngành, lĩnh vực nghiên cứu của mình. Lãnh đạo các trường thuộc phải quyết tâm, cháy bỏng khát vọng vươn lên, tự hào đóng góp cho vị trí số 1 của toàn đại học.
Đại học Bách khoa Hà Nội cần “nhấn” vào sự khác biệt ở những thế mạnh, đào tạo tinh hoa; Có những tuyên ngôn, sứ mệnh thể hiện rõ khát vọng vươn lên để ai đã, đang và sẽ học Đại học Bách khoa cũng cảm tự hào, lan tỏa khát vọng mãnh liệt này.
Con người - trọng tâm trong xây dựng chiến lược
Người Bách khoa là tài sản quý báu nhất của Nhà trường. Triết lý cốt lõi của Đại học Bách khoa Hà Nội là “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học là trung tâm”.
Con người là yếu tố chủ chốt trong xây dựng chiến lược phát triển đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện các thầy/cô Bách khoa Hà Nội đang làm sứ mệnh đáp ứng các giá trị vô hình và hữu hình, hướng tới mục tiêu trở thành đại học kỹ thuật công nghệ số 1 Đông Nam Á và châu Á.
Nên có hình dung rõ nét về con đường sự nghiệp của giảng viên, đặc biệt là các giảng viên chủ chốt ở các trường. Ít nhất họ sẽ nhìn thấy rõ con đường đi của mình để cố gắng từng ngày, tối thiểu là đạt điều kiện về KPI, sau đó vươn lên các vị trí cao hơn. Đây chính là khát vọng của từng cá nhân. Từ đó sẽ hòa chung cùng khát vọng phát triển của toàn đại học. Những giá trị vô hình sẽ trở thành hữu hình.
Trong con mắt của người làm kinh doanh, giá trị của các thầy/cô giáo Bách khoa không dưới 1 triệu USD. Nhà trường đang sở hữu nhiều tỷ USD! Đây là nguồn lực lớn để Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá.
Với sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang phát huy tối đa khả năng tầm nhìn rộng mở, khả năng thích nghi, tự học, tự nghiên cứu… của sinh viên. Tính độc lập và sáng tạo của sinh viên Bách khoa rất cao. Những CSV Bách khoa khi ra lập nghiệp đều rất cẩn trọng trong các quyết định nhưng tự tin tính toán hướng đi của mình.
“Do” và “think”, kêu gọi sự chung sức chung tay của mạng lưới CSV
Khi đã thể hiện rõ tầm nhìn, khát vọng phát triển đột phá, Bách khoa Hà Nội sẽ dễ dàng kêu gọi hỗ trợ, đặc biệt từ phía mạng lưới CSV Bách khoa – những người luôn tự hào về thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khâu tiếp cận CSV cần trên nền tảng định hướng, tính khả thi và thể hiện khát vọng phát triển của đại học. “Thực đơn” chào hàng với CSV ở từng vị trí khác nhau phải khác nhau. Với số lượng khổng lồ CSV Bách khoa, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có một nguồn lực tài chính quý giá để triển khai bước đi trong chiến lược phát triển của mình.
Trong “địa bàn” của mình, bộ phận hợp tác đối ngoại phải nhìn ra trước vấn đề, đề xuất được lên lãnh đạo đại học để cho kết quả là hợp tác chặt chẽ với mạng lưới CSV. Tất cả các bộ phận không chỉ “do” mà còn cả “think”, tư vấn, hoạch định kế hoạch kết nối CSV, các tổ chức quốc tế hiệu quả.
PGS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội – bày tỏ lời cảm ơn BTC lớp học vì đã mời các diễn giả là những người có rất nhiều trải nghiệm. Nghe các diễn giả thuyết trình, thầy Tùng cảm thấy rất thú vị, bổ ích khi nhận thấy những việc mình đang làm “khớp” vào những câu chuyện, bài học kinh nghiệm diễn giả chia sẻ.