Phân tích kinh doanh – Ngành học “quyến rũ” của ĐH Bách khoa Hà Nội

Thứ năm - 01/02/2024 07:46
TS. Hà Thị Thư Trang (thứ 2 từ phải sang) cùng các sinh viên CTTT Phân tích kinh doanh, Viện Kinh tế và Quản lý. Ảnh: Duy Thành
TS. Hà Thị Thư Trang (thứ 2 từ phải sang) cùng các sinh viên CTTT Phân tích kinh doanh, Viện Kinh tế và Quản lý. Ảnh: Duy Thành
Tờ báo nổi tiếng Harvard Business Review từng chia sẻ một góc nhìn thú vị về lĩnh vực khoa học dữ liệu: Đây là công việc quyến rũ nhất thế kỷ 21. Phân tích kinh doanh, quá trình xử lý và phân tích dữ liệu để đáp ứng nhu cầu và mục đích của doanh nghiệp - ngành học “hot” ở Viện Kinh tế và Quản lý, ĐHBK Hà Nội - đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy lộ trình kiến thiết nền kinh tế số.  

Với mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2025 và tăng lên 30% vào năm 2030, Chính phủ xác định đây là một trong những trụ cột tất yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ việc đẩy mạnh “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết.  

Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Chính phủ, ĐHBK Hà Nội đã và đang có những bước đi vững chắc để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phân tích dữ liệu, trong lĩnh vực kinh tế một cách bền vững.

Công nghệ hóa nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp
Gần 10 năm trước, một bức ảnh về những em nhỏ châu Phi hào hứng sử dụng Ipad được lan truyền rộng rãi trên mạng, khiến mọi người hứng thú về “tính dễ sử dụng” của một sản phẩm công nghệ. 

“Tôi cho rằng đây nên là mục đích cuối cùng của công nghệ: Một sản phẩm phải thân thiện với người dùng để tất cả mọi người có thể sử dụng thành thạo những tính năng cơ bản của sản phẩm đó”, TS. Hà Thị Thư Trang, Giám đốc Chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh, Viện KT&QL cho biết. 

Tại Việt Nam, khi các công ty phần mềm phát triển ứng dụng cho ngân hàng thương mại cổ phần, doanh nghiệp nhận ra cần một vị trí công việc có kiến thức cả về kinh tế và kỹ thuật để điều phối thông tin giữa khách hàng và đội ngũ CNTT. Trước đây, khi đội ngũ lập trình viên làm việc trực tiếp với khách hàng, sản phẩm cuối cùng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế để đem lại những trải nghiệm tối ưu, bởi họ thiếu những kỹ năng cần thiết để hiểu thị hiếu khách hàng và xu hướng thị trường. 

Nếu sử dụng một sản phẩm công nghệ như các app internet banking, ví điện tử... và cảm thấy thật tiện dụng, đẹp mắt, đó là bởi nhóm phát triển sản phẩm có một chuyên viên phân tích kinh doanh giỏi. Những chuyên viên này, cầu nối giữa đội ngũ kỹ sư phần mềm và khách hàng, chính là những người truyền tải thông điệp của khách hàng dưới ngôn ngữ của công nghệ.

Phân tích kinh doanh được ra đời như một xu hướng tất yếu khi vai trò của CNTT ngày càng quan trọng và rõ rệt trong các hoạt động vận hành của doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Theo một nghiên cứu gần đây về phân tích kinh doanh và dữ liệu lớn toàn cầu, thị trường này được định giá 225,3 tỷ đô vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 665,7 tỷ đô vào năm 2033, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép là 11,6% từ năm 2024 đến năm 2033. 

Dữ liệu là “huyết thống” trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Với nguồn dữ liệu dồi dào, hoạt động phân tích dữ liệu càng phức tạp. Tuy nhiên, một điều quan trọng không kém là trình bày những phân tích ấy một cách trực quan, dễ hiểu, để người đọc có thể nắm bắt được các thông tin nhanh, hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định trong kinh doanh. Đây chính là điểm khác biết của sinh viên tốt nghiệp Phân tích kinh doanh so với người học thuần Kinh tế hay Kỹ thuật, bởi người theo học chương trình này có những kỹ năng tổng hợp ở cả hai ngành.

Khối Kinh tế và Kỹ thuật “nắm tay nhau thật chặt”! 
Cách đây 5 năm, đa số chuyên viên phân tích kinh doanh làm nghề trái ngành học. Năm 2019, Bách khoa Hà Nội là một trong 3 đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai chương trình đào tạo này trên toàn quốc. 

Điểm đặc biệt và ưu việt nhất khiến chương trình Phân tích kinh doanh của Viện Kinh tế và Quản lý nổi bật hơn chính là việc tận dụng được lợi thế của một trường công nghệ hàng đầu khi kết hợp việc đào tạo chuyên môn với Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Khoa Toán - Tin của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng, một sinh viên theo học Phân tích kinh doanh của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có nền tảng toán và công nghệ vững chắc hơn. Trên thực tế, trong chương trình đào tạo, hàm lượng tín chỉ toán, công nghệ thông tin được giảng dạy bởi các chuyên gia Toán-Tin và CNTT chiếm khoảng 40% tỷ trọng cùng với 60% nội dung về kinh tế. 

Bên cạnh những kiến thức ngành đặc thù của kinh tế - kinh doanh, người học được làm quen với những môn học về dữ liệu và toán được điều chỉnh dành riêng cho sinh viên khối kinh tế. Đặc biệt, khối kiến thức về Toán đại cương cũng được chú trọng, đảm bảo người học có kiến thức nền tảng chắc chắn, dễ dàng phát triển theo các hướng chuyên sâu khác trong cả lĩnh vực công nghệ và kinh tế.

Cơ hội sinh viên tốt nghiệp ngành Phân tích kinh doanh Bách khoa Hà Nội vươn tầm thế giới
Lâm Thị Ánh, sinh viên K65 Viện Kinh tế và Quản lý, chia sẻ bản thân đã được rèn luyện nhiều kỹ năng về tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, quản lý rủi ro và xử lý phân tích vấn đề “như một chuyên gia BA thực thụ”. Trong quá trình học, Ánh được các thầy cô hướng dẫn nhiều cuộc thi quốc tế. “Mỗi cuộc thi là sân chơi mà ở đó tôi có thể tiếp cận gần nhất với các bài toán thực tế, bên cạnh việc mở rộng các mối quan hệ cá nhân để hỗ trợ cho công việc sau này”.
 
Lâm Thị Ánh (thứ 2 từ phải sang) cùng các sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý trong cuộc thi HSBC Business Case
Công việc đầu ra của CTĐT không chỉ gói gọn ở vị trí chuyên viên phân tích kinh doanh, nghiệp vụ, mà người tốt nghiệp có thể làm ở các bộ phận khác có định hướng dữ liệu bởi bất kỳ ngành nào cũng đều có hệ cơ sở dữ liệu cần xử lý để tìm hiểu, dự báo, tối ưu hoá quy trình nào đó. 

Ví dụ, để một chiến dịch marketing hiệu quả cần những phân tích chính xác dựa trên cơ sở dữ liệu về khách hàng và hành vi người tiêu dùng. Hay trong hoạt động tài chính, các chuyên viên cần thường xuyên phân tích dữ liệu để đánh giá rủi ro của các khoản đầu tư, phân tích tình hình sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp. 

Năm 2023 là khóa tốt nghiệp đầu tiên của CTĐT này. Trong số các sinh viên ra trường đợt này, 80% sinh viên có việc làm theo đúng ngành dữ liệu. Một số sinh viên học sâu hơn về công nghệ thông tin để trở thành các  kỹ sư dữ liệu hoặc nhà khoa học dữ liệu. 

Nhu cầu nhân lực cho ngành phân tích kinh doanh là rất lớn và được dự kiến sẽ còn tăng trong tương lai gần bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành. Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực này, các chuyên viên có thể tiếp tục trở thành Quản lý dự án hoặc Quản lý sản phẩm bởi BA là công việc có định hướng gần nhất với vị trí này. 

“Chỉ hiểu sai một chi tiết nhỏ trong yêu cầu của khách hàng cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm cuối cùng”, TS. Thư Trang nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên viên phân tích kinh doanh trong vai trò thấu hiểu khách hàng. Ở một tầm cao hơn, những chuyên viên Phân tích kinh doanh lâu năm nhiều kinh nghiệm còn là người dẫn dắt và tạo xu hướng, hiểu được khách hàng sẽ cần gì trong tương lai.  

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng liên kết doanh nghiệp để đảm bảo tính thiết thực của CTĐT. Sinh viên không chỉ có được thực tập tại các doanh nghiệp trong nước mà còn có cơ hội thực tập tại Singapore theo thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore. “Tôi hi vọng được chứng kiến sinh viên Phân tích kinh doanh của Đại học Bách khoa Hà Nội tỏa sáng không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế”, TS. Thư Trang bày tỏ kỳ vọng.

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây