“Ơn Đảng, ơn Bách khoa Hà Nội, tôi có ngày hôm nay!”

Thứ năm - 01/02/2024 21:40
Đồng chí Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư Thường trực điều hành Đảng bộ đại học - trân trọng trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và tặng hoa chúc mừng đồng chí Trần Gia Mỹ. Ảnh: CCDK
Đồng chí Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư Thường trực điều hành Đảng bộ đại học - trân trọng trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và tặng hoa chúc mừng đồng chí Trần Gia Mỹ. Ảnh: CCDK
Đây là chia sẻ xúc động của đồng chí Trần Gia Mỹ - Đảng viên chi bộ Năng lượng Nhiệt 2, Đại học Bách khoa Hà Nội – khi vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (tháng 10/2023). Nhìn lại quá trình công tác và phấn đấu, đồng chí Trần Gia Mỹ rất vinh dự và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, của Đại học Bách khoa Hà Nội, rèn luyện để trở thành con người vừa hồng, vừa chuyên.

Trong 45 năm công tác của PGS. Trần Gia Mỹ có 5 năm quân ngũ và 40 năm công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội. PGS. Trần Gia Mỹ trưởng thành từ người lính, làm chuyên môn; giữ các cương vị Bí thư chi bộ, Phó Bí thư Đảng ủy của Viện; Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, nay tách thành Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh và Khoa Năng lượng Nhiệt, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tri ân Người Bách khoa đầu tiên tác thành sự nghiệp

Những năm 70, ước mơ được học Đại học Bách khoa Hà Nội của chàng thanh niên Nghệ An -Trần Gia Mỹ được một Người Bách khoa nổi tiếng hiện thực hóa!

Đồng chí Mỹ bồi hồi nhớ lại: “Những năm 1969 trở về trước, phải xét lý lịch để được học đại học, đi nước ngoài. Nhưng lúc GS. Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông chủ trương vào ĐH, đi du học phải qua thi tuyển. Tôi tốt nghiệp trung học năm 1971, ghi nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu xét lý lịch chắc tôi… trượt! Nhờ bác Tạ Quang Bửu mà tôi thi đỗ Bách khoa Hà Nội và được gửi đi du học ở Liên Xô. Những bước đi chập chững vào đời của tôi là do Người Bách khoa Tạ Quang Bửu tác thành!”.
 
tsp 9817
Vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (10/2023), đồng chí Trần Gia Mỹ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: CCDK
Thế hệ đồng chí Trần Gia Mỹ sinh ra khi đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Lớn lên, chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom đạn đau thương, hình ảnh các chú bộ đội – những Đảng viên anh dũng chiến đấu, hy sinh trên các trận địa pháo ở Nghệ An đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cậu học sinh Trần Gia Mỹ lúc bấy giờ. Nhiều anh em trang lứa với đồng chí Trần Gia Mỹ phải rời ghế nhà trường để lên đường ra mặt trận, một số  đã hy sinh trên chiến trường chống Mỹ.

Khoảng thời gian đó, đồng chí Trần Gia Mỹ được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đi học tập tại nước ngoài để xây dựng đất nước. “Chúng tôi đã rất cố gắng rèn luyện, học tập, xứng đáng với lòng tin của Đảng, xứng đáng với những anh em đồng trang lứa đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Từ Liên Xô trở về, năm 1978, chàng thanh niên Trần Gia Mỹ chính thức công tác  tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1979 diễn ra chiến tranh biên giới, thầy giáo Trần Gia Mỹ và một số cán bộ Bách khoa Hà Nội được gọi nhập ngũ, sau đấy được đưa lên Học viện Kỹ thuật Quân sự, tập luyện điều lệnh trong 3 tháng. Từ tháng 9/ 1979, thầy Mỹ được phân công làm giảng viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Là một người nghiêm túc, chấp hành kỷ luật, công tác trong môi trường quân đội được 3 năm, thầy Trần Gia Mỹ được bồi dưỡng cảm tình Đảng. Bày tỏ niềm vinh dự được tin tưởng nhưng thầy Mỹ cũng thẳng thắn trao đổi với các đồng đội: Hiện chuyên môn của tôi đang được sử dụng tại đơn vị còn hạn chế, lên lớp giảng nhưng bản chất là phụ trợ cho ngành khác. Tôi có mong muốn được làm việc ở cơ sở có thể phát huy chuyên môn. Tôi xin trao đổi trước với anh em, nếu tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau lại xin đi thì mọi người đừng nghĩ tôi là người cơ hội.

“Thật may, lãnh đạo Học viện và đa số anh em trong chi bộ hiểu và cảm ơn sự thẳng thắn của tôi” – thầy giáo Trần Gia Mỹ kể lại.

Tháng 4/1983, thầy giáo Trần Gia Mỹ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho đến giờ, ông vẫn nhớ mãi suy nghĩ của mình hôm đó: “Hô 3 tiếng Xin thề trước lá cờ Đảng, tôi cảm thấy thật vinh dự và tự hào, cảm thấy mình có trọng trách hơn ngoài việc phải làm tốt công việc chuyên môn. Là Đảng viên, phải gương mẫu hơn, phải là đầu tàu. Lời hứa với Đảng, với bản thân khi đó đến giờ tôi vẫn nghiêm túc thực hiện!”

Năm 1984, đồng chí Trần Gia Mỹ trở về Bộ môn Lò Luyện kim (sau được nhập vào Khoa Kỹ thuật Nhiệt), Đại học Bách khoa Hà Nội.
3
PGS. Trần Gia Mỹ cùng các đồng nghiệp và sinh viên đội văn nghệ Viện KHCN Nhiệt lạnh (20/11/2008)
Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi

Trong suốt 40 năm là Đảng viên, nhìn lại những dấu mốc trong cuộc đời, đồng chí Trần Gia Mỹ cô gọn lại trong 2 từ: Tự hào và Hạnh phúc! 

Thởi điểm về Bách khoa Hà Nội công tác, gia tài của thầy giáo Trần Gia Mỹ là những cuốn sách mua từ hồi du học Liên Xô. Bạn bè đồng môn đều đã yên bề gia thất, chuẩn bị làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Thầy Trần Gia Mỹ cũng có chút... “nóng lòng”!

“Thời tôi có câu “1000 lời nói không bằng làn khói “Star” (xe máy Star của Đức)”. Tôi là người không thích nói nhiều, cũng không có “làn khói” nào cả. Bố vợ tôi trước làm ở BTC Thành ủy Hà Nội, không hiểu bằng cách nào cụ điều tra ra được tôi là đảng viên, giảng viên ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Cụ nói với con gái: “Vừa là Đảng viên, vừa là giảng viên Bách khoa – Vừa hồng vừa chuyên. Không việc gì phải suy nghĩ, giữ lấy cho tôi!”. Thật may mắn, tôi có một gia đình hạnh phúc” – Thầy Trần Gia Mỹ vui vẻ kể. 
2
Gia đình hạnh phúc viên mãn của PGS. Trần Gia Mỹ
Có một kỷ niệm về nghề mà thầy Trần Gia Mỹ không bao giờ quên, đó là lời từ chối tiếp các sinh viên lớp học tại chức đến thăm!

Chuyện là một buổi tối, đang đi thể dục, thầy Mỹ gặp một nhóm sinh viên, tay cầm túi quà xin được vào chơi với thầy. Thầy Mỹ cảm ơn học trò: “Các em gửi quà, coi như thầy nhận rồi và nhờ các em dùng hộ thầy nhé”.

Sinh viên nhất quyết xin vào nhà thầy chơi, sau thầy phải thật lòng chia sẻ: “Bây giờ thầy nhận cái túi quà (trong có phong bì) của các em, khi các em ra về, hình ảnh của thầy trong các em sẽ rơi xuống đất! Nếu sau này các em không còn học ở trường, nhớ tới thầy, tặng cái gì thầy cũng không từ chối!”. Nói xong, thầy Trần Gia Mỹ tiếp tục cung đường thể dục của mình.

Bẵng đi 1 - 2 năm, thầy Mỹ ngồi quán cà phê với một vài người bạn, có hai bạn trẻ từ cuối phòng đến chỗ thầy chào và hóm hỉnh giới thiệu: “Hồi trước, thầy dạy chúng em môn Kỹ thuật nhiệt. Lớp em đã đến nhà thầy mà không được thầy tiếp đấy ạ. Nay chúng em xin phép được mời thầy và các thầy đi cùng cà phê!”. Hôm đó, thầy Mỹ đã rất vui vẻ nhận lời hai học trò cũ.

“Tôi nghĩ nhiều việc cũng nhỏ thôi nhưng phải luôn giữ mình để thấy thanh thản. Khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, mình phải có trách nghiệm và lương tâm. Lương tâm của một nhà giáo, lương tâm của một nhà khoa học và tư cách người Đảng viên - Làm gì cũng phải trong sáng, gương mẫu!” ” – Đảng viên, nhà giáo Trần Gia Mỹ bày tỏ.
1
PGS.  Trần Gia Mỹ và các sinh viên lớp Kỹ thuật Nhiệt K63 
Sinh hoạt đảng tại Chi bộ Viện Nhiệt lạnh, đồng chí Trần Gia Mỹ có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển Đảng, trực tiếp thẩm định và bồi dưỡng các Đảng viên, đặc biệt là Đảng viên trẻ. Quan điểm của đồng chí Mỹ: Cấp ủy cần để tâm, không làm hình thức, luôn tạo điều kiện và ủng hộ các bạn trẻ có nguyện vọng chính đáng về chuyên môn và tư tưởng chính trị. Ngày chia tay chi bộ, đồng chí Trần Gia Mỹ cảm thấy tự hào khi 100% các thành viên của chi bộ là tiến sỹ.

Hồi tưởng lại quá trình học tập, công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước kia, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Trần Gia Mỹ luôn tự hào về ngôi trường ông đã gắn bó cả cuộc đời. Đồng chí Trần Gia Mỹ cho rằng đóng góp của bản thân đối với sự phát triển của Đại học, của Đảng bộ Đại học là rất nhỏ bé so với những gì ông nhận được, đó là sự ủng hộ, giúp đỡ của tổ chức Đảng các cấp. 

“Nhờ Đảng, nhờ Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi có được ngày hôm nay. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn muốn được học tại Bách khoa, dạy tại Bách khoa, làm Người Bách khoa. Chúng tôi tin tưởng vào sự đoàn kết của các đảng viên, cán bộ, sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ban Giám đốc để Đại học Bách khoa Hà Nội kế thừa truyền thống, phát huy thế mạnh, đạt được những thành công đột phá trong thời gian tới: Trở thành Đại học Quốc gia, lọt top 100 các trường ĐH châu Á.” – đồng chí Trần Gia Mỹ tin tưởng.
 
Gia Hân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây