Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 07/02/2024 20:00
Hồi mới về Bách khoa Hà Nội, giao tiếp đầu tiên tại cơ quan của thầy giáo 9X Trần Văn Quốc là với các bác bảo vệ, giải thích mình là cán bộ, không phải sinh viên để gửi xe vào chỗ dành cho cán bộ! Nội dung “xóa bỏ hoài nghi” này được lặp lại với những lớp học thầy Quốc dạy buổi đầu tiên, nhưng tâm thế… oai hơn: Xin giới thiệu, tôi là giảng viên lớp các em sáng nay!
Anh Trần Văn Quốc sinh năm 1990, là CSV Bách khoa chương trình Kỹ sư tài năng ngành Cơ điện tử. Tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội năm 2013, anh lần lượt nhận nhận học bổng toàn phần học cao học, làm nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sỹ tại Hàn Quốc. Từ 9/2022 đến nay, anh Trần Văn Quốc là Trưởng phòng nghiên cứu Động lực học và Điều khiển Đa tác tử, giảng viên bộ môn Cơ học ứng dụng, Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội. TS. Trần Văn Quốc tham gia Ban biên tập một tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục SCIE Q2.
Về Bách khoa, về với gia đình!
Khuôn mặt và phong cách trẻ trung, TS. Quốc hay bị mọi người nhầm là sinh viên! Khi mới bước lên giảng đường, các sinh viên trong lớp hay thờ ơ nhìn lướt qua anh, không đứng dậy chào. Anh Quốc thường dành thời gian giới thiệu về bản thân trước khi “vào bài”, để sinh viên hiểu, tin tưởng trình độ chuyên môn của thầy giáo trẻ, tập trung nghe giảng, tương tác với thầy.
Với TS. Trần Văn Quốc, làm giảng viên ở Bách khoa Hà Nội là một cơ duyên. Trước khi trở về Bách khoa Hà Nội, anh từng làm trợ giảng cho giáo sư, đứng lớp, chấm điểm cho sinh viên quốc tế. Lúc đó, anh Quốc tự đặt cho mình câu hỏi, có lẽ cũng chính là câu trả lời: “Tại sao không về Bách khoa truyền lại những gì đã học cho thế hệ sau?”.
Quyết là làm, từ bỏ mức lương cao, từ bỏ môi trường làm việc chuẩn quốc tế, TS. Trần Văn Quốc quay về Bách khoa, về lại đúng khoa anh đã từng học thời đại học. Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội, lãnh đạo Trường Cơ khí, các thầy/cô giáo xưa - giờ là đồng nghiệp - cởi mở, thân thiện chào đón anh. “Tôi như trở về gia đình vậy. Có lẽ đây chính là lý do tôi chọn gắn bó với Bách khoa Hà Nội”.
Thời gian đầu, anh Quốc dự một số lớp của các đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Các thầy/cô giáo trong bộ môn như PGS. Nguyễn Quang Hoàng, TS. Thái Phương Thảo, TS. Nguyễn Thái Minh Tuấn… rất nhiệt tình giúp đỡ thầy giáo trẻ, góp ý TS. Quốc nên chia nhỏ nội dung giảng dạy như thế nào, tốc độ dạy phù hợp để sinh viên hiểu bài mà không bị “cháy” giáo án, trong quá trình tương tác với sinh viên thì giảng ra sao… Những chắt chiu quý giá trong nghề đều được các thầy/cô đi trước truyền lại cho anh Quốc.
Buổi dạy đầu tiên ở Bách khoa: Chào sinh viên cũng… run!
TS. Trần Văn Quốc chuẩn bị rất chu đáo cho buổi dạy đầu tiên ở Bách khoa Hà Nội. Anh mua sách kỹ năng thuyết trình trước đám đông, đọc kỹ để sẵn sàng tâm thế khi vào lớp đứng ở đâu để chào sinh viên, sau đó đứng giữa bảng để dễ dàng tương tác, tay không giấu ra đằng sau, sinh viên ít thì gom lại để tăng hiệu năng giảng dạy, làm kịch bản giảng dạy… đến cả câu chào sinh viên cũng cẩn thận… ghi ra giấy!
Thực tế, buổi đầu tiên dạy học, thấy bao đôi mắt chăm chú nhìn mình, vừa chào sinh viên, thầy giáo Trần Văn Quốc vừa… run, gần như không cười được! May sao khi “vào bài”, chia sẻ với sinh viên những nội dung mình dày công chuẩn bị, anh Quốc dần trấn tĩnh. Tiết dạy đầy cảm xúc đó đã “mở hàng” nhiều tiết học sau này của anh với đầy ắp những niềm vui, nụ cười, thầy trò trao đổi kiến thức trân trọng, thân tình như những người bạn.
Sau một kỳ học, TS. Quốc rất vui khi nhận được các tin nhắn của sinh viên bày tỏ lòng biết ơn sự tận tâm của thầy giáo đã giúp các em hiểu bài hơn, có thêm cảm hứng để học sâu về chuyên môn. Chưa có kinh nghiệm bằng các thầy/cô giáo trong bộ môn, nhưng TS. Quốc tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết tuổi trẻ truyền “lửa” cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu, để các bạn trẻ có thể mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới, sau đó quay về Bách khoa cống hiến – như anh!
Nghiên cứu điều khiển đa tác tử
Bên cạnh công việc giảng dạy, TS. Trần Văn Quốc tiếp tục hướng nghiên cứu của mình – Điều khiển đa tác tử. Tại Hàn Quốc, thầy giáo hướng dẫn anh - GS. Hyo-Sung Ahn - là một trong những chuyên gia nổi tiếng thế giới về lĩnh vực này.
Theo TS. Trần Văn Quốc, nghiên cứu điều khiển đa tác tử xuất phát từ cảm hứng trong tự nhiên: Đàn chim di cư bay theo hình chữ V, đàn cá dưới nước khi tránh động vật săn mồi bơi theo bầy đàn để tăng hiệu suất tránh bị bắt… Nghiên cứu này có tính ứng dụng lớn, như hệ thống đa tác tử mô phỏng giao thông đô thị, biểu diễn hàng trăm drone trên bầu trời…
Gần đây, TS. Trần Văn Quốc và các cộng sự nghiên cứu điều khiển cho những robot thực hành chạy dưới sàn di chuyển cùng nhau. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng trong vận chuyển, di chuyển theo đội hình. Cùng đó, anh Quốc nghiên cứu điều khiển bầy đàn cho tàu thủy. TS. Quốc đã có gần 40 công trình đăng trên các tạp chí và tập san các hội nghị quốc tế lớn, trong đó 14 bài báo Q1 và 1 bài báo Q2 về hướng nghiên cứu này.
Tại BKHN, TS. Quốc mong muốn triển khai thêm các ứng dụng của điều khiển đa tác tử như điều khiển bám sát, đuổi theo, bao vây, bắt/bắn hạ mục tiêu, và ứng dụng học máy vào điều khiển bầy đàn. “Chúng tôi luôn cập nhật thông tin, tìm hướng đi mới cho nghiên cứu đa tác tử”. TS. Quốc chia sẻ.
Hiện các chuyên gia đánh giá các thầy/cô giáo ĐHBK Hà Nội, trong đó có TS. Trần Văn Quốc là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh trong nghiên cứu đa tác tử tại Việt Nam.
Tháng 9/2022, TS. Trần Văn Quốc trở về Việt Nam, tháng 12/2022, nhân dự Hội nghị, GS. Hyo-Sung Ahn đến Việt Nam thăm anh Quốc và một học trò thầy từng hướng dẫn đang công tác tại Trường Điện – Điện tử. Trò chuyện, giao lưu với lãnh đạo và các thầy cô giáo BKHN, chuyên gia Hàn Quốc trân trọng dành lời khen ngợi: “ĐHBK Hà Nội rất uy tín, sinh viên, giảng viên của Đại học rất giỏi. Chúng tôi tin tưởng chất lượng đào tạo của Nhà trường, chỉ nhận hướng dẫn sinh viên Bách khoa!”
TS. Trần Văn Quốc xúc động chia sẻ: “Lời khen của thầy giáo Hàn Quốc khiến tôi cảm thấy thầy đang khen đại gia đình lớn và những người thân của mình. Lúc đó, trong tôi dâng lên cảm xúc tự hào, yêu mến ngôi trường mình gắn bó!”.