Cô giáo dạy tiếng Anh bằng bản đồ khái niệm

Thứ ba - 06/02/2024 02:00
Cô giáo dạy tiếng Anh bằng bản đồ khái niệm
Vốn là dân khối A, NCS. Trịnh Thị Ánh Hằng – Trưởng bộ môn Tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật, Viện Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội - đã đưa ra quyết định bất ngờ khi chọn theo đuổi con đường Sư phạm. Luôn nỗ lực tìm kiếm các phương pháp giảng dạy và học tiếng Anh theo tư duy logic, NCS. Ánh Hằng đã phát triển một phương pháp học độc đáo dựa trên bản đồ khái niệm.

Học Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, chị Ánh Hằng lựa chọn theo đuổi con đường trở thành giảng viên tiếng Anh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Với cách dạy độc đáo, mang tính khoa học cao, hệ thống bài tập chặt chẽ, cách truyền đạt dễ hiểu, quan tâm tận tình đến sinh viên, cô giáo Ánh Hằng được học trò hết mực yêu quý.

Ngã rẽ sự nghiệp và mối nhân duyên với Bách khoa

Chị Ánh Hằng kể: Ngay từ bé, chị đã đam mê môn Toán. Mỗi khi được bố dẫn đi qua cổng Parabol của Đại học Bách khoa Hà Nội, chị luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập để thi đỗ vào ngôi trường danh giá này.
Chị Ánh Hằng bên những học trò thân yêu

Đến bậc THPT, nữ sinh Ánh Hằng xuất sắc lập “cú đúp” ngoạn mục: Đỗ thủ khoa chuyên Toán tỉnh Hoàng Liên Sơn, đỗ Trường THPT chuyên ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Khi đó, cô gái vùng núi Yên Bái đã suy nghĩ mãi: Chọn Toán hay Ngoại ngữ? Và chị quyết định thử sức mình, chọn học chuyên ngữ với mong muốn trải nghiệm “chốn phồn hoa” ở Thủ đô. Điều này cũng có phần đồng thuận từ gia đình với mong muốn con gái lựa chọn nghề giáo để bớt vất vả. 

Giai đoạn đầu học chuyên ngữ, chị gặp khó khăn với môn tiếng Anh do chuyển đổi từ tư duy “khoa học tự nhiên” sang tư duy “ngôn ngữ”. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và kiên trì, chị Ánh Hằng đã vượt qua khó khăn này.

Tốt nghiệp đại học, có cơ hội làm giảng viên ĐHBK Hà Nội, chị Ánh Hằng “nắm bắt” ngay. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được “dụng võ” ngoại ngữ Tiếng Anh, vừa có thể tiếp nối đam mê các môn khoa học tự nhiên tại ngôi trường Kỹ thuật ĐHBK Hà Nội.

“Đây là một “cơ duyên” tuyệt vời. Tôi được tiếp xúc với các sinh viên tài năng, được học hỏi chính các em và hàng ngày trau dồi tiếng Anh Khoa học kỹ thuật.” – Chị Hằng hứng thú chia sẻ.
Niềm vui của chị Ánh Hằng nhân ngày 20/10

Học tiếng Anh theo bản đồ khái niệm

Khi bắt đầu công tác tại Bách khoa Hà Nội, chị Ánh Hằng phải “mày mò” nhiều kiến thức chuyên ngành để có thể giảng dạy cho các sinh viên. Trong quá trình dạy, chị nhận thấy nhiều cách học cần phải điều chỉnh và cải thiện hơn. Chị Hằng luôn trăn trở và nỗ lực để tìm ra “bí kíp” giúp sinh viên đào sâu kiến thức. Vì một số trường hợp, các câu hỏi kèm theo bài đọc và bài nghe không đủ đánh giá độ hiểu bài của sinh viên.

Trong một lần trao đổi với thầy Phạm Thanh Dương, giảng viên tiếng Anh chuyên ngành Điện - Điện tử, chị Hằng đã được giới thiệu về bản đồ khái niệm - phương pháp học mới hỗ trợ tư duy vô cùng hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Chị cảm thấy rất tâm đắc và đào sâu nghiên cứu áp dựng bản đồ khái niệm trong dạy – học tiếng Anh. Khi tư duy phát triển, khả năng làm việc hiệu quả trong mọi lĩnh vực cũng sẽ tăng lên.

Chị Hằng nhận ra việc ứng dụng bản đồ khái niệm khi học tiếng Anh sẽ giúp sinh viên rút ngắn bài đọc, chuyển đổi toàn bộ nội dung văn bản thành dạng sơ đồ có tính kết nối. Mỗi khi “lướt” lại
bản đồ, sinh viên có thể “bắt gọn” được các ý chính của bài học. Và khi nhìn vào sơ đồ, giảng viên cũng có thể đánh giá liệu sinh viên có hiểu “bản chất” bài học hay không.

“Nhiều hôm dạy đến 12h mới xong nhưng các bạn sinh viên vẫn muốn tôi nhận xét bài tập. Vậy là cô trò say sưa bàn luận quên cả thời gian. Tôi cảm thấy rất vui vì mình là người truyền cảm hứng cho sinh viên, chia sẻ với các đồng nghiệp sử dụng bản đồ khái niệm không chỉ trong môn học tiếng Anh mà áp dụng với hầu hết các môn học khác” – Chị Ánh Hằng cho biết.
Chị Ánh Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội
Khoảnh khắc hạnh phúc với nghề giáo

Công tác tại ĐHBK Hà Nội mang lại cho chị Ánh Hằng nhiều niềm vui: Sinh viên giỏi, ngoan, biết suy nghĩ đến tương lai; Môi trường làm việc khoa học, luôn truyền cảm hứng cho các giảng viên tự nâng cao kiến thức, lãnh đạo tâm lý, đồng nghiệp chia sẻ...

Đặc biệt là các đồng nghiệp - những Người Bách khoa nhiệt huyết, là tấm gương cho chị Hằng hoàn thiện bản thân. Chị rất khâm phục một người đồng nghiệp dù đang thời gian bầu bì mệt mỏi nhưng luôn tươi cười, sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ giảng giải tỉ mỉ cho sinh viên. Điều này đã mang lại cho chị Hằng nhiều kinh nghiệm và tinh thần tận tâm trong giảng dạy.

Với các sinh viên, chị Ánh Hằng vừa là cô giáo tràn đầy năng lượng, vừa là “bạn tâm giao”. Gần gũi, lắng nghe các bạn trẻ, sinh viên luôn tìm cô giáo Hằng “thủ thỉ”, tâm sự những khúc mắc tận sâu đáy lòng. Hành trình giảng dạy của chị Hằng có rất nhiều kỷ niệm thú vị. Trong đó có một câu chuyện đặc biệt về một nam sinh viên từ Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Mỗi đầu kỳ học, chị sẽ thông báo về việc trao thưởng cho 3 bạn có thành tích xuất sắc. Ban đầu nam sinh viên còn nhút nhát và tiếng Anh chưa bằng các bạn trong lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị Hằng nhận thấy bạn đã có sự tiến bộ đáng kể, dù điểm số chưa cao.

Trong năm học đó, chị Hằng không chỉ tặng quà cho 3 người có thành tích cao nhất, mà còn mở thêm “giải mở rộng” cho sinh viên có thành tích nỗ lực đặc biệt. Khi nhận được phần thưởng, nam sinh đã không kìm được cảm xúc và bật khóc, điều này đã làm xúc động cả cô và trò - một khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ.

Bẵng đi một thời gian, chị Hằng nhận được một cuộc điện thoại “lạ” hỏi chị có nhớ người gọi là ai không. Chị Hằng chợt nghĩ đến cậu sinh viên nhút nhát Học viện Kỹ thuật Quân sự ngày nào. “Khi tôi nhắc đến tên, đầu dây bên kia, bạn sinh viên oà khóc. Cảm nhận được tình cảm của học trò, tôi cũng bất giác khóc theo. Hạnh phúc nghề giáo chính là khoảnh khắc đấy!” - Kể lại câu chuyện, mắt cô giáo Hằng cũng bất giác đỏ hoe.

Hiện chị Ánh Hằng và một cựu sinh viên BKHN đang nghiên cứu, phát triển một ứng dụng giúp sinh viên học tiếng Anh thông qua việc sử dụng bản đồ khái niệm, được thiết kế dưới dạng một trò chơi trên điện thoại di động. Với ý tưởng này, chị mong muốn tạo ra một trải nghiệm học tiếng Anh thú vị, dễ chịu và hỗ trợ sinh viên phát triển tư duy sâu sắc.
 
Ảnh: NVCC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây