Trong không khí hân hoan chào mừng 92 năm kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 -20/10/2022), ngày 19/10, Đại học Bách khoa Hà Nội đón tiếp hơn 20 nữ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học tới dự Tọa đàm “Nữ trí thức và Đổi mới sáng tạo”.
Trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo luôn là chủ đề nóng hổi trên nhiều phương tiện truyền thông, trên mọi lĩnh vực và ở mọi đơn vị ở các cấp khác nhau. Đổi mới sáng tạo trong các trường đại học giúp đào tạo nguồn nhân lực tương lai có đủ tầm để kiến tạo thay đổi tích cực cho xã hội.
Phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ trí thức nói riêng luôn năng động sáng tạo trong công tác, được tôn vinh trong xã hội. Trong thời đại 4.0, Vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo ngày càng được khẳng định: các nữ trí thức không chỉ có khả năng vận dụng tri thức trong khoa học, kỹ thuật và đời sống mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra tri thức, thậm chí trong những lĩnh vực hết sức mới mẻ và phức tạp như trí tuệ nhân tạo.
Tọa đàm “Nữ trí thức và Đổi mới sáng tạo” hy vọng phác họa một bức tranh rõ nét về nữ trí thức với tinh thần đổi mới sáng tạo tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội để thấy được vai trò tích cực và quan trọng của đội ngũ nữ trí thức đối với sự phát triển của các trường đại học.
Tọa đàm hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm của các nữ lãnh đạo về các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong mợi hoạt động như: Quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác đối ngoại và khởi nghiệp từ nhiều đơn vị khác nhau.
Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia Tọa đàm cùng các nữ trí thức ngày 19/10. Ảnh: Tuấn Vũ
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Nhà trường mong muốn tạo ra sự kết nối với tất cả các trường đại học”.
Tuân theo các nhiệm vụ đặt ra bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nhiệm vụ kết nối sức mạnh của nhiều nhà giáo từ các trường Đại học khác nhau, Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ hợp tác Nhà trường – doanh nghiệp, hợp tác quốc tế mà còn nâng cao hợp tác giữa các trường để cùng nhau có được những nhóm nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo, bài giảng, …
Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò của các nữ trí thức, nữ cán bộ, giảng viên và các nữ lãnh đạo ngành giáo dục đối với quá trình đổi mới sáng tạo trong trường đại học và sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
“Chủ đề “Nữ trí thức và Đổi mới sáng tạo” rất hay và thiết thực, là sự kết hợp giữa 2 nội dung rất mạnh: Nữ trí thức và Đổi mới sáng tạo. Hy vọng các thầy cô sẽ học hỏi được nhiều điều mới tại tọa đàm này”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Vũ
Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc vườn ươm BK Holdings, Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - BK Fund, thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định: Mô hình BK Holdings là môi trường cho sinh viên khởi nghiệp và nữ trí thức. Đặc biệt, các nữ trí thức cũng đóng góp tích cực trong các hoạt động khoa học công nghệ của BK Holdings. Ông Hiệp cũng giới thiệu về một số nhà khoa học nữ rất thành công trong thành lập spin off thông qua hệ thống Đại học Bách khoa Hà Nội, tri ân các chị em đã đóng góp cho nền khoa học nước nhà.
Các nữ trí thức chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm ngày 19/10. Ảnh: Tuấn Vũ
PGS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, cũng chia sẻ về cuộc thi Sáng tạo trẻ - một cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong các em sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ. Cuộc thi do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, không chỉ giới hạn trong Trường mà còn cho sinh viên các trường đại học khác. Đây là cầu nối cho sinh viên các trường thêm gắn kết, cùngnghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Đại diện chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng, đã giới thiệu tới tọa đàm một số hoạt động của chi hội với mong muốn kết nối, sẻ chia và lan tỏa tinh thần cầu thị, đổi mới sáng tạo tới những nữ lãnh đạo trong ngành giáo dục.
GS. TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân phát biểu tại Tọa đàm: “Tọa đàm này là cơ hội để chúng ta cùng chia sẻ, giao lưu và học hỏi. Những bài trình bày về sự sáng tạo, đổi mới của Đại học Bách khoa Hà Nội rất giá trị. Chúng tôi mong muốn liên kết với Bách khoa Hà Nội để học hỏi mô hình của Trường, kết nối và phát triển chủ đề “Nữ trí thức và Đổi mới sáng tạo””.
Hạ San
Tác giả: Trần Thu Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn