Bách khoa cùng DAAD lan toả kinh nghiệm về Quốc tế hoá giáo dục

Thứ hai - 19/12/2022 22:21
Ông Stefan – Hase Bergen – Giám đốc Văn phòng khu vực Hà Nội của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đoàn cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội
Ông Stefan – Hase Bergen – Giám đốc Văn phòng khu vực Hà Nội của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đoàn cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội
Hội thảo là một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi các bài học thiết thực từ các trường đại học trong và ngoài nước, giúp đẩy mạnh công tác quốc tế hóa giáo dục đại học.

Tiếp nối thành công của Hội thảo năm 2020 về chủ đề "Xây dựng chiến lược quốc tế hoá – Thực tiễn tại các Trường đại học Việt Nam và CHLB Đức”, trong 2 ngày từ 1 đến 2 tháng 12 tại Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng Cơ quan Trao đổi Hàn Lâm Đức (DAAD) để tổ chức Hội thảo thứ hai về “Thực hiện quốc tế hoá giáo dục đại học ở Đức và Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức ngày, quy tụ gần 50 trường ĐH tại khắp ba miền của Việt Nam và Lào với hơn 90 khách mời trong nước và quốc tế tham dự.
 
Picture1
Toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo
Khác với Hội thảo đầu tiên tập trung vào lý thuyết và kinh nghiệm xây dựng chiến lược, Hội thảo 2022 chia sẻ những yếu tố cần thiết và cách thức triển khai hoạt động nâng cao hiệu quả thực hiện quốc tế hoá. Đây là những kinh nghiệm hữu ích đặc biệt với các đơn vị chức năng liên quan chính như Phòng/Ban hợp tác quốc tế, các đơn vị quản lý đào tạo nói chung và đào tạo quốc tế nói riêng…

Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ về cấu trúc, nguồn lực của bộ phận phụ trách hợp tác quốc tế để thực hiện hiệu quả các hoạt động quốc tế hoá, trong đó có kinh nghiệm kết nối giữa các bộ phận này với các giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại các khoa viện.

Đại diện từ các trường đại học công lập và tư thục của Việt Nam cũng chia sẻ một số hoạt động quốc tế hoá tiêu biểu tại đơn vị của mình như nâng cao chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng và phát triển các chương trình liên kết nước ngoài, triển khai các dự án nâng cao năng lực, thúc đẩy trao đổi sinh viên.

Tại phiên thảo luận bàn tròn theo nhóm, các chủ đề được trao đổi bao gồm: Mục tiêu và cấu trúc của Ban hợp tác quốc tế; Các vấn đề về nguồn lực (tài chính và nhân sự); Sự phối hợp giữa Ban hợp tác quốc tế và Khoa/Viện; Các tiêu chí về Quốc tế hoá và Triển khai hợp tác với các đối tác.  
 
Picture2
TS. Andrea Menn – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học ứng dụng Jade – CHLB Đức chủ trì nhóm trong phiên thảo luận
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – PGS. Huỳnh Đăng Chính cho rằng hậu đại dịch là thời điểm phù hợp để các hoạt động quốc tế hoá trong các trường đại học diễn biến mạnh mẽ trở lại: “Là trường đại học về khoa học và công nghệ đứng đầu Việt Nam với nhiều công tác quốc tế hoá đang được triển khai mạnh mẽ, Đại học Bách khoa Hà Nội hân hạnh được đồng hành cùng DAAD tạo nên một không gian kết nối hiệu quả để các trường đại học Đức và Việt Nam cùng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực này.”

Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của đơn vị hợp tác quốc tế trong mỗi trường đại học là rất cần thiết và quan trọng, bởi đây là cầu nối giữa các các đơn vị trong trường với các đối tác ngoài trường, đồng thời là đơn vị giúp cho các hoạt động hợp tác được vận hành trơn tru.

Hội thảo kết thúc đã đúc kết ra một số yếu tố cần thiết để có thể đẩy mạnh công tác quốc tế hóa giáo dục đại học.

Nguồn lực đầy đủ về nhân sự và tài chính cho phòng Hợp tác quốc tế, sự ủng hộ của Lãnh đạo các cấp và động lực thực hiện quốc tế hóa từ các cán bộ, giảng viên tại từng đơn vị, khoa viện là cực kỳ cần thiết để tạo ra môi trường giảng dạy, nghiên cứu quốc tế và thúc đẩy các nhiệm vụ quốc tế hóa.

Bên cạnh đó, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, và ngôn ngữ tiếng anh là những điều kiện cơ bản cần thiết cho sự hợp tác bền vững với các đối tác quốc tế. Chỉ số hiệu suất chính (KPI) sẽ hỗ trợ đánh giá sự thành công của những giải pháp thực hiện quốc tế hóa.

Các cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng cần nắm bắt được kỳ vọng của sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế khi đến Việt Nam, có sự tin tưởng và phong cách giao tiếp thân thiện để vượt qua các rào cản về khác biệt văn hóa.

Quốc tế hóa giáo dục đại học là một xu thế tất yếu trong phát triển giáo dục đại học để cho ra đời nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức, kỹ năng theo chuẩn mực quốc tế và năng lực làm việc trong môi trường đa văn hóa. Hội thảo cũng đưa ra kết luận, quốc tế hóa là nhiệm vụ xuyên suốt trên tất cả các mặt của một trường đại học.

EAO-HUST
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây