“Với tầm nhìn trở thành một đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, chúng tôi đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong Trường”, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.
"Block 71”, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo theo mô hình Singapore, là sự kết hợp giữa sự hỗ trợ của chính phủ, doanh nghiệp Singtel và trường Đại học Quốc gia Singapore. Block 71 là nhà của hơn 700 start-up, vườn ươm công nghệ và các chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp. Đây là dự án đã ươm tạo ra 65% những start-up thành công nhất của Singapore.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần sự kết hợp ba bên giữa Chính phủ, Đại học và Doanh nghiệp – đây là kết luận quan trọng được rút ra tại buổi hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam” đồng tổ chức bởi Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các trường đại học đóng vai trò trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, qua ba sứ mệnh: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu - chuyển giao tri thức; và thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Với sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội.
Những năm gần đây, đại học sáng nghiệp hay đại học định hướng đổi mới sáng tạo đang trở thành xu hướng mới tại Việt Nam.
“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xác định đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2021-2025”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tại buổi hội thảo ngày 25/3/2022
Bách khoa Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm ‘Make in Bách khoa Hà Nội’ trong một số lĩnh vực then chốt, đặc biệt là Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, Năng lượng & Môi trường bền vững, Vật liệu mới, Khoa học và Công nghệ Sức khỏe.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Bách khoa Hà Nội đang được xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Theo TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings, trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường hợp độc đáo trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ ý tưởng với các nghiên cứu chuyên sâu, đến các hoạt động ươm tạo, tăng tốc và cuối cùng là hỗ trợ thương mại hóa thông qua quỹ đầu tư BK Fund.
BK Fund là quỹ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam được thành lập theo Nghị định 38 về Đầu tư cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Quỹ có sự tham gia và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp lớn nhằm ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của cán bộ, sinh viên và cựu sinh viên Trường.
Năm 2021, 12 dự án đưa sáng chế ra thị trường thông qua chương trình Lab2Market, một dự án ươm tạo được thiết kế nhằm hướng tới đối tượng là các nhà nghiên cứu trong trường Đại học nhưng thiếu kinh nghiệm về kinh doanh, tài chính trong quá trình thương mại hóa sản phẩm.
Nhà trường cũng chú trọng nâng cao vị thế thương hiệu Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động thúc đẩy nội bộ và hợp tác đối ngoại.
Các Trường, Viện chuyên ngành được khuyến khích thành lập các Trung tâm Đổi mới sáng tạo của từng đơn vị. Bách khoa Hà Nội cũng hợp tác chặt chẽ cùng các doanh nghiệp lớn tổ chức các cuộc thi và chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo cho sinh viên như cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa, cuộc thi Techstart 2022...
Năm 2021, Bách khoa Hà Nội nhận giải thưởng Đổi mới sáng tạo của tổ chức uy tín Clarivate và vinh danh top 1 Ngôi sao sáng chế IPSTAR khối trường Đại học của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bách khoa Hà Nội là trường đại học duy nhất của Việt Nam được tổ chức Clarivate trao giải thưởng đổi mới sáng tạo hai năm liên tiếp vào năm 2020 và 2021.
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn