Ngày 28/09/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ “Ra mắt sản phẩm và khánh thành không gian làm việc của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số” tại tầng 6, tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu.
Khánh thành không gian làm việc của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số
Cùng với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số được ban hành đã hoàn thiện tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số theo 03 trụ cột tại Việt Nam.
Thành lập Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số thể hiện quyết tâm của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nói chung, và lĩnh vực tài chính, kinh tế số, và xã hội số nói riêng.
Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số được thành lập với hai mục đích: Tạo ra một sân chơi gắn kết các nhà nghiên cứu, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội; có thể mở rộng ra các trường, đơn vị khác trong khu vực miền Bắc; Tạo ra các sản phẩm tri thức cao, tận dụng tối đa các sức mạnh về khoa học công nghệ của các nhà khoa học, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, áp dụng vào lĩnh vực tài chính, kinh tế số và xã hội số.
Việc thành lập Trung tâm hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số và xã hội số của Chính phủ, trong đó hướng tới xây dựng các giải pháp công nghệ, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia có uy tín và tầm ảnh hưởng trong nước và khu vực.
Sứ mệnh của trung tâm là trở thành đơn vị nghiên cứu và phát triển hàng đầu cả nước và trong khu vực, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế số và xã hội số của Việt Nam. Tầm nhìn của trung tâm là trở thành “Doanh nghiệp Nghiên cứu và Phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội” sản xuất các sản phẩm và dịch vụ “Made in HUST” trong lĩnh vực kinh tế số.
Nhận dịp này, Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi lễ Khánh thành không gian làm việc, đồng thời khai trương phòng nghiên cứu hợp tác với Oraichain Labs. Buổi lễ cũng công bố triển khai ứng dụng rộng rãi hai sản phẩm số của Trung tâm (gồm hệ thống ký số nội bộ và hệ thống xác thực bằng cấp ứng dụng công nghệ chuỗi khối - Blockchain) tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại buổi lễ ngày 28/9.
Tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu: “Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục là đơn vị tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Thời điểm hiện nay là cơ hội vàng của việc phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Đây là thời cơ, Đại học Bách khoa Hà Nội cần sự kiên trì và nhiệt huyết, nắm bắt cơ hội đang đến.
Với phương châm trong toàn bộ Đại học “Một Bách khoa: Trách nhiệm, Sáng tạo, Xuất sắc” vì vậy, sự ra đời của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số trong năm 2023 và lễ ra mắt sản phẩm “Chữ kí số và Xác thực bằng cấp sử dụng công nghệ Blockchain” đánh dấu quyết tâm của Đại học Bách khoa Hà Nội về phát triển nghiên cứu để tạo ra sản phẩm sáng tạo”.
Theo Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, với tầm nhìn và triển vọng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, trung tâm Công nghệ và Kinh tế số được kì vọng sẽ đóng góp xứng đáng với sản phẩm ứng dụng công nghệ số cho kinh tế đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Cũng tại buổi lễ, Thượng tướng - PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, chia sẻ về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, trong đó có công nghệ và kinh tế số. Theo ông, việc thành lập không gian làm việc của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số là việc làm có ý nghĩa lớn, có thể kết nối các cơ quan, ban ngành.
Thượng tướng - PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, phát biểu tại buổi lễ ngày 28/9.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Ba anh em nhà tôi đều học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Phải nói đây là nguồn đào tạo cán bộ tốt nhất Việt Nam. Bách khoa Hà Nội là nơi cung cấp nguồn nhân lực chính cho sự phát triển kinh tế số. Rất mong các sản phẩm của Trung tâm sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động chuyển đổi số nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng”.
Một lần nữa, ông Trần Minh Tuấn khẳng định: “Bách khoa Hà Nội luôn trong trái tim tôi, là niềm tự hào của những người con trong gia đình chúng tôi”.
Ra mắt hai sản phẩm của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số
Tại sự kiện, Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số ra mắt hai sản phẩm “Hệ thống ký số nội bộ - BSign & Hệ thống tạo, xác thực chứng nhận, bằng cấp sử dụng công nghệ ký số và Blockchain - B4E”. Các sản phẩm này đánh dấu quyết tâm của Trung tâm trong phát triển nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có hàm lượng tri thức và sáng tạo cao.
Thực tế, hai sản phẩm đã được ứng dụng tại Bách khoa Hà Nội. Cụ thể, thầy cô ký số thông qua ứng dụng BSign và Đại học cũng cấp giấy chứng nhận cho các khóa học ngắn hạn khi học viên Bách khoa Hà Nội tham gia.
PGS Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số nhấn mạnh: “Mong rằng những sản phẩm này sẽ mang lại giá trị cốt lõi cho Trung tâm. Đây là những sản phẩm làm tại Bách khoa Hà Nội, những sản phẩm “made by HUST””.
Lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số và Oraichain Labs
Được biết, Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số được thành lập tháng 12/2022 và chính thức hoạt động vào cuối tháng 1/2023. Trung tâm được Công ty cổ phần RikkeiSoft và Công ty cổ phần Oraichain Labs tài trợ gói chỉnh trang không gian làm việc tại tầng 6, tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu. Không gian làm việc hiện đại này hứa hẹn sẽ tạo ra môi trường thân thiện, thúc đẩy hiệu quả các công việc chuyên môn cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên làm việc tại Trung tâm.
Công ty Cổ phần Oraichain Labs là đơn vị nghiên cứu và phát triển chuỗi khối Oraichain và hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo phi tập trung. Oraichain là nền tảng blockchain đi tiên phong trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng an toàn và bảo mật cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) thông qua việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hợp đồng thông minh (smart contracts).
Đại diện Công ty cổ phần Oraichain Labs và Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 28/9.
Tại buổi lễ, đại diện Công ty cổ phần Oraichain Labs và Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Trong thỏa thuận này, hai bên cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ và thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, công nghệ tiềm năng; phối hợp thương mại hoá các sản phẩm, công nghệ đã đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính, kinh tế số nhằm thúc đẩy xã hội số.
Hai bên cũng nhất trí hợp tác, trao đổi thông tin về các hoạt động khoa học công nghệ, hội thảo khoa học, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn; phát huy mọi nguồn lực nhằm phát huy uy tín, vị thế trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm của hai bên.
Đồng thời, hai đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi và mời các cán bộ của bên đối tác tham gia giảng dạy và hướng dẫn học viên và người lao động, cũng như tiếp nhận thực tập viên tới làm việc thực tế tại Trung Tâm Công nghệ và Kinh tế số hoặc Oraichain Labs.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Oraichain Labs phát biểu tại buổi lễ: “Các bạn sinh viên làm việc tại trung tâm có gặp bất cứ khó khăn gì hay có yêu cầu giúp đỡ, chúng tôi, bằng khả năng của mình, sẽ hỗ trợ, tài trợ giúp các bạn giải quyết các vấn đề đó. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ sớm thành công, không mất đến 17 năm vất vả như những gì chúng tôi đã từng trải qua”.
Lễ kết nạp Câu lạc bộ (CLB) sinh viên Tài chính và Công nghệ vào mạng lưới CLB Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số của Thành Đoàn
Cũng trong ngày hôm nay, CLB Sinh viên Tài chính và Công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội được kết nạp vào mạng lưới CLB Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số của Thành Đoàn (Hub Network).
CLB Sinh viên Tài chính và Công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội được kết nạp vào mạng lưới CLB Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số của Thành Đoàn (Hub Network) ngày 28/9.
Hub Network là mạng lưới các CLB về Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số được thành lập ngày 29/09/2021 và chính thức ra mắt ngày 07/01/2022. Hiện Hub Network bao gồm 26 CLB thuộc 25 trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô hơn 1600 thành viên. Với sứ mệnh phát triển các CLB thành viên, phát triển phong trào khởi nghiệp Hub Network sẽ là nơi chia sẻ kiến thức, ươm mầm tài năng, các dự án, cơ hội việc làm trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
CLB BK Fintech - CLB Tài chính và Công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào là một đơn vị hoạt động dưới sự bảo trợ về chuyên môn của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (BK Fintech) cùng với sự quản lý từ Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội. Câu lạc bộ tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực tài chính và kinh tế số. CLB BK Fintech có các hợp tác với các chuyên gia và các doanh nghiệp có uy tín để xây dựng, phát triển và áp dụng các giải pháp vào công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cũng tạo cơ hội đào tạo và nâng cao năng lực cho sinh viên và nhân viên trong lĩnh vực Fintech.
CLB Tài chính và Công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội tuy là một CLB có thời gian hoạt động chưa dài, nhưng đã chứng minh được sự nhiệt huyết, sức lan tỏa của CLB đến với các bạn sinh viên trong cộng đồng Khởi nghiệp nói chung và lĩnh vực Fintech nói riêng qua các hoạt động của CLB. Với tiêu chí kết nối cộng đồng, lan tỏa tinh thần khởi nghiêp, Mạng lưới CLB Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Việt Nam quyết định kết nạp CLB Tài chính và Công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội là một thành viên chính thức của mạng lưới.
Một số hình ảnh của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số:
Hạ San
Ảnh: Duy Thành