Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 04/08/2023 05:13
Dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với ô tô thế hệ mới tại Việt Nam được triển khai với mục tiêu chứng minh hiệu quả xăng E5 với xe hybrid trong cắt giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông.
Hội thảo “Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hòa các-bon” ngày 3/8/2023 được đồng tổ chức bởi Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn truyền tải thông điệp về các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải thông qua Dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông tại Việt Nam được thực hiện bởi các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội cùng đối tác doanh nghiệp và các hoạt động giảm CO2 khác.
Cuộc cách mạng bảo vệ môi trường
Tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
“Đây là một cuộc cách mạng”, PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí nhận định, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng và giao thông của Việt Nam đang sử dụng công nghệ tương đối cũ.
Trong buổi tọa đàm, ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ góc nhìn toàn diện và lộ trình của Việt Nam về các phương thức phát triển giải pháp giảm phát thải trong ngành ô tô. Ông cho biết, từ năm 2022-2030 sẽ thúc đẩy lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng điện mở rộng và hướng tới 100% sử dụng nguyên liệu xăng sinh học E5. Từ năm 2050, 100% phương tiện cơ giới đường bộ cả nước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.
Theo số liệu cung cấp bởi Deloitte tại buổi hội thảo, các phương tiện giao thông đường bộ chiếm khoảng 16-17% lượng khí thải ra môi trường và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng khí thải CO2 không ngừng tăng trong suốt 2 thập kỷ qua. Mặc dù mục tiêu cuối cùng là giống nhau - trung hòa khí thải Các-bon, mỗi quốc gia có cách thức tiếp cận vấn đề khác nhau. Việc chuyển dịch sang xu hướng xe điện trên toàn cầu diễn ra với tốc độ khác nhau tại mỗi thị trường. Hầu hết trên các quốc gia, xe lai điện nhận được nhiều quan tâm hơn xe ô tô điện.
Theo PGS. Nguyễn Việt Dũng, sử dụng xe lai điện và nguyên liệu sinh học là phương pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay trong giai đoạn chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Ông cho biết thêm, Việt Nam chưa thể chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vì 2 lý do: một là, nguồn điện trong nước chưa đáp ứng đủ; hai là, quá trình sản xuất phần lớn nguồn điện ở Việt Nam hiện nay sử dụng nguyên liệu hóa thạch. “Đương nhiên, việc sử dụng xe điện sẽ có nhiều ý nghĩa hơn trong tương lai khi Việt Nam dần chuyển dịch sản xuất điện theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo”.
Đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong tiến trình giảm phát thải nhà kính, Đại học Bách khoa Hà Nội, đại học hàng đầu về kỹ thuật cả nước, cũng tham gia nghiên cứu trong các quá trình tối ưu công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ và chuyển dịch năng lượng... Có thể kể đến các nghiên cứu sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu sinh học, năng lượng tái tạo trong công nghiệp hóa chất, luyện kim, vật liệu, cơ khí, điện – điện tử...
Một nghiên cứu khoa học mang hơi thở cuộc sống
Dự án kết hợp với công ty Toyota để nghiên cứu hiệu quả xe hybrid từ năm 2020, khi hãng xe Nhật Bản này chính thức giới thiệu mẫu xe sử dụng công nghệ xăng lai điện tại Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Trường Cơ khí ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Toyota Việt Nam và Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn về dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với ô tô thế hệ mới tại Việt Nam với mục tiêu chứng minh hiệu quả xăng E5 với xe hybrid trong cắt giảm phát thải.
Trường Cơ khí thực hiện nghiên cứu, theo dõi, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với ô tô thế hệ mới, bao gồm xe ô tô động cơ đốt trong (ICE) và ô tô sử dụng động cơ xăng lai điện (HEV) về các yếu tố: Tiêu thụ nhiên liệu, Mức độ phát thải và Điều kiện sử dụng thực tế. Trong dự án, nhóm nghiên cứu sử dụng 3 loại xăng: xăng E5, xăng E10 và xăng RON 95. Đặc biệt, các phương tiện và nguyên liệu xăng sử dụng trong dự án đạt tiêu chuẩn cao Euro 5, với dòng xăng E5 hiện chưa có mặt trên thị trường, và xăng RON 95 là dòng nhập khẩu với số lượng hạn chế.
Được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và trên đường thực tế (đường nội đô, đường quốc lộ và cao tốc), với khung giờ cao điểm và thấp điểm từ ngày 16/03/2023 đến ngày 10/07/2023, dự án đưa đến một vài kết quả thử nghiệm quan trọng trong giai đoạn 1.
Về tiêu thụ nhiên liệu, trong điều kiện nội đô cao điểm, xăng sinh học giúp xe lai điện giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu nếu so với xăng thông thường. Xe hybrid cho hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn xe động cơ đốt trong ở cả 3 loại xăng. Hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu của xăng sinh học thay đổi theo vận tốc và mức cản ở bánh xe.
Về mức độ phát thải, trong nhiều điều kiện hoạt động với cả 3 loại xăng, xe lai điện cho hiệu quả cắt giảm CO2 tốt hơn xe đốt trong, lớn nhất là 61% trong điều kiện nội đô. Xe HEV cho hiệu quả cắt giảm khí độc hại rõ rệt so với xe ICE với cả 3 loại xăng, lớn nhất giảm 27% khí HC và 48% khí CO.
Về vận hành, sử dụng xăng sinh học không ảnh hưởng đến vận hành của xe.
Theo số liệu từ nghiên cứu, việc sử dụng xe hybrid cùng nguyên liệu sinh học (tính cả vòng đời sản xuất ra nguyên liệu) có thể giảm lượng phát thải xuống 43% so với xe động cơ đốt trong. Đây là minh chứng rõ nét về giải pháp giảm phát thải bền vững trong lĩnh vực giao thông phù hợp với điều kiện và lộ trình của Việt Nam.
Tại thời điểm này, dự án chỉ tập trung vào việc đánh giá hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và phát thải nhà kính nhưng trong tương lai sẽ mở rộng đánh giá về ảnh hưởng của xăng đến chất lượng động cơ.
Sinh viên trong ngành kỹ thuật ô tô là các thành viên chính tham gia và trải nghiệm công nghệ mới nhất tiệm cận với thế giới ngay trên giảng đường. Các bạn sinh viên từ năm 3 đến năm 5 được phân bố với công việc phù hợp trong dự án dưới sự giám sát của các thầy cô.
Tại buổi hội thảo, ông Nakano Keita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đối tác của Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Toyota Việt Nam không ngừng nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô, cùng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ đã đề ra”.
Theo PGS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ thuật ô tô, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều rất cần thiết. “Nghiên cứu này thể hiện hơi thở cuộc sống bởi nó phục vụ trực tiếp nhu cầu doanh nghiệp và ngành ô tô hiện nay”, ông khẳng định hỗ trợ của doanh nghiệp tạo điều kiện để các sinh viên và nhà nghiên cứu được tiếp xúc với những trang thiết bị và công nghệ mới nhất, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội.