Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 07/03/2023 06:13
Dự án “Đổi mới khoa học và công nghệ cao su thiên nhiên vì chu trình carbon toàn cầu” hướng tới nâng cao tính an toàn, độ hoàn thiện của sản phẩm cao su cũng như thúc đẩy tiến trình thay thế cao su tổng hợp bằng cao su thiên nhiên.
Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), cùng một số công ty Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất cao su, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) đã tổ chức Lễ khởi động dự án “Đổi mới khoa học và công nghệ cao su thiên nhiên vì chu trình carbon toàn cầu (INBERBON Project)” vào ngày 6-7/3/2023.
Tại buổi lễ, các nhà nghiên cứu khoa học đã trao đổi quan điểm nghiên cứu cùng những thành quả đạt được về cao su thiên nhiên - nguyên liệu xanh. Trong khuôn khổ sự kiên, các nhà nghiên cứu cũng tham quan một nhà máy sản xuất cao su của Việt Nam để hiểu rõ hơn về tình hình ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ kết nối được các chuyên gia từ các bên để mang lại kết quả sớm nhất cho dự án và hơn nữa để có thể sớm triển khai được các ứng dụng công nghiệp”.
Dự án này được JICA và JST hỗ trợ, triển khai từ ngày 10/2/2023 và sẽ kéo dài trong 5 năm. INBERBON hướng tới phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất cao su thiên nhiên không chứa protein tại Việt Nam, nhằm mở rộng phạm vi sử dụng cao su thiên nhiên thông qua đăng ký Tiêu chuẩn ISO và cải thiện quy trình sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam.
Các nghiên cứu thuộc khuôn khổ Dự án sẽ tập trung vào nguồn tài nguyên sinh học bền vững của cao su thiên nhiên và nhằm mục đích xây dựng nền tảng công nghiệp mới cho nguyên liệu này. Trong giai đoạn ban đầu, dự án sẽ phát triển công nghệ sản xuất hàng loạt cao su thiên nhiên không chứa protein (0,005% khối lượng), đồng thời đẩy mạnh hoạt động đăng ký bằng sáng chế sở hữu trí tuệ liên quan và tiêu chuẩn hoá quốc tế công nghệ này. Nguyên liệu cao su thiên nhiên không chứa protein sau đó sẽ được dùng trong sản xuất bánh xe ô tô, dây đàn hồi...
Dự án cũng tập trung hoạt động tiêu chuẩn hoá công nghệ phân huỷ sinh học cao su thiên nhiên cũng như phát triển công nghệ xử lý nước thải hoà hợp với môi trường, từ đó hình thành ngành cao su thiên nhiên thay thế ngành cao su tổng hợp truyền thống, cũng như các ngành bảo tồn môi trường liên quan. Thông qua những nỗ lực trên, việc thay thế cao su tổng hợp có nguồn gốc hoá thạch bằng cao su thiên nhiên trong sản xuất xe ô tô có thể góp phần giảm lượng phát thải khí CO2 trong tương lai.
Quản lý Dự án phía Việt Nam - PGS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học cho biết nghiên cứu giảm hàm lượng protein trong nhựa cao su nhằm giảm kích ứng trên da, đồng thời cải thiện độ bền cơ tính và độ đàn hồi của cao su. Trong những năm đầu, trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ, sau đó dự kiến sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam để đưa sản phẩm vào thực tế.
“Thông qua dự án, các nhà khoa học có thêm cơ sở vật chất để tập trung nghiên cứu công nghệ mới và đào tạo sau đại học.” Được biết, 2 trong số 3 nghiên cứu sinh của dự án được gửi sang đào tạo tại Nhật Bản đã quay về Bách khoa để tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực này. PGS. Nghĩa cũng khẳng định, INBERBON sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác đối ngoại giữa hai bên để mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời tăng cường ứng dụng thực tế và tìm kiếm những dự án mới.
Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu hợp tác với Đại học Công nghệ Nagaoka từ năm 1999. Bách khoa từng trao đổi 200 sinh viên và gần 10 nhân viên tới NUT trong các năm qua. Hai bên đã cùng phát triển chương trình đào tạo liên kết và thành lập Công viên công nghệ GIGAKU tại Bách khoa Hà Nội.