Doanh nhân “Tuấn Austdoor”: “Bách khoa gọi, tôi luôn trả lời!”

Thứ tư - 16/10/2024 21:50
Doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor
Doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor
Bồi hồi kể lại những kỷ niệm đẹp với bạn bè, thầy cô Bách khoa Hà Nội, doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor, CSV K32 ngành Hóa - Thực phẩm – cũng tâm sự về ngày đầu khởi nghiệp với bản lĩnh được rèn giũa dưới mái trường đại học xưa. Xuyên suốt câu chuyện là tình cảm trân trọng, yêu mến với Bách khoa Hà Nội, như lời anh khẳng định: “Bách khoa gọi, tôi luôn trả lời!”

Học Bách khoa, vừa có kiến thức, vừa có bao kỷ niệm đẹp!

Ngày đầu nhập học, cậu thanh niên Ninh Bình - Dương Quốc Tuấn tròn 18 tuổi, một mình lên Thủ đô với tâm trạng vừa run, vừa háo hức. Vì phương tiện giao thông còn hạn chế, không có sẵn tàu hay xe khách, anh Tuấn phải vẫy xe tải chở gỗ dọc đường xin đi nhờ cho kịp nhập học.

“Bước chân vào cổng Bách khoa, cảm xúc lâng lâng khó tả lắm!”. Anh Tuấn say sưa kể về những bữa cơm phiếu tại bếp ăn tập thể, hôm nào “sang” thì mạnh tay chi vài trăm đồng mua mấy ổ bánh mì ăn “đổi gió", hay những buổi lê la trà đá cổng trường “buôn dưa” sau giờ học... Hồi ức năm 1987 sống động hiện về trong tâm trí chàng sinh viên Bách khoa.

Lên năm 2, các bạn trong lớp đã quen thân thường tổ chức các chuyến đi chơi cuối tuần. Anh Tuấn được giao nhiệm vụ mượn máy ảnh, cả hội góp tiền mua phim để chuẩn bị “ra lò” những bức ảnh để đời. Có lần lớp đi tham quan núi Côn Sơn (Hải Dương), các bạn gái thích lắm, tạo dáng chụp vèo hết 2 cuộn phim. Ấy vậy mà mấy anh em luống cuống tay chân thế nào tháo bung phim làm cháy sáng hết. Vụ đó làm hội con trai bị các “sắn Bách khoa” giận mất mấy tuần!
 
z5058555121711 d4623e0b777544b158aa9731a8dda705
Anh Dương Quốc Tuấn (thứ hai từ trái qua, hàng đứng) cùng các bạn tham gia một bữa tiệc sinh viên
Còn có kỷ niệm anh Tuấn cùng hội bạn thân đạp xe hơn 1 tiếng về Bắc Ninh ăn cưới. Mùa hè oi bức, mấy thanh niên rủ nhau cởi hết áo cho vào túi ni lông buộc vào xe cho đỡ ngấm mồ hôi. Đến đám cưới lôi ra mặc vừa thơm, vừa bảnh!

Thấm thoát thoi đưa, chàng kỹ sư Hóa thực phẩm tốt nghiệp ra trường, “đầu quân” cho Nhà máy Bia Chùa Bộc, làm được 3 năm thì chuyển sang công tác tại Nhà máy Đường Lam Sơn. Thời gian đó anh vừa đi làm, vừa quay lại Bách khoa Hà Nội học cao học, sau được thầy Bùi Thiện Ngộ giới thiệu tham gia dạy thêm các lớp sản xuất đường ở Tuyên Quang, Phú Thọ... Dù vất vả, khoảng thời gian này đã giúp anh Tuấn tôi luyện thêm bản lĩnh cho hành trình khởi nghiệp sau này. 

Bản lĩnh khởi nghiệp của những chàng trai kỹ thuật

Làm đúng ngành một thời gian, CSV Bách khoa Hà Nội tìm hướng phát triển khác tại một công ty máy in phun.

Năm 2002, trong một chuyến công tác tại Úc, anh Dương Quốc Tuấn bị thu hút bởi loại cửa cuốn hiện đại, chạy êm ru của khách sạn, khác hẳn với loại cửa nặng nề, kêu kèn kẹt ở Việt Nam. “Máu” tò mò của dân kỹ thuật đã thôi thúc anh Tuấn phải tìm hiểu cách vận hành. Dò số điện thoại nhà sản xuất in sau cửa, anh gọi trực tiếp trao đổi với “chính chủ”. Con trai ông chủ nghe điện thoại của anh Tuấn, sau khi trao đổi thông suốt đã đề nghị anh đến tham quan nhà máy.
 
314678447 544722880997294 5305654600717360316 n
Anh Dương Quốc Tuấn trong sự kiện BK Investor Network 2022. Ảnh: BK Fund
Sau chuyến đi đó, anh Tuấn nhập 2 bộ cửa cuốn mẫu mới nhất về tự lắp cho nhà mình để tiện mày mò, nghiên cứu sản phẩm.

“Về Việt Nam, tôi nghĩ mình phải lập công ty, không làm bia, làm đường, máy in gì nữa! Cứ nung nấu như vậy, sau 1 năm, tôi bắt đầu khởi nghiệp!”

Năm 2003, anh Dương Quốc Tuấn cùng 2 người bạn cùng lớp là anh Nguyễn Viết Lịch, anh Phan Thanh Hoài (K32 ĐHBK Hà Nội), em trai Dương Thạch Nguyên (K35 ĐHBK Hà Nội)  và 2 người bạn khác - quyết định thành lập công ty. Đó chính là sự ra đời của Tập đoàn Austdoor – Thương hiệu cửa cuốn hàng đầu Việt Nam ngày nay.

Những ngày đầu khởi nghiệp là thời kỳ muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là về thủ tục pháp lý, mấy anh em kỹ thuật lần đầu làm kinh tế, chưa rõ phải đăng ký doanh nghiệp ở đâu, thủ tục ra sao, lên Sở Kế hoạch và Đầu tư cả chục lần mới xong được “phần móng”.

Sau đó các anh phải lo khâu tiếp thị bán hàng. Khi ấy, anh Tuấn trực tiếp “lâm trận”, tuyển thêm 6 nhân viên kinh doanh, mỗi ngày đi tiếp thị trực tiếp về sản phẩm rồi quay về báo cáo phản hồi của khách hàng, từ đó xác định tệp khách tiềm năng để bán.

Đến khi doanh nghiệp đã có chỗ đứng, muốn mở rộng hơn phải “cân não” phân bố dòng tiền. Quy mô nhân viên tăng lên lại gặp vấn đề về công tác quản lý, phải đi học hỏi nhiều nơi, thử nghiệm nhiều lần mới tìm ra mô hình quản lý nhân sự phù hợp, góp phần có Austdoor thành công ngày hôm nay, để người sáng lập có nickname kèm luôn tên công ty: “Tuấn Austdoor”!

Anh Tuấn khẳng định, 5 năm rèn giũa ở Bách khoa Hà Nội đã giúp những chàng kỹ sư trong quản trị các vấn đề kỹ thuật, vận hành, cải tiến sản phẩm dựa trên những quy chuẩn chất lượng tốt nhất. Song, kiến thức về kinh doanh, quản trị của các anh vẫn còn nhiều thiếu sót.

“Chúng tôi vừa làm, vừa học, phải trả nhiều cái giá rất đắt để vượt qua khó khăn, tích lũy lại thành các bài học kinh nghiệm.” – Anh Tuấn chia sẻ về cách điều hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Bách khoa gọi – Tôi luôn trả lời!”

CSV K32 Bách khoa Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho mái trường xưa. Dù bận rộn nhưng mỗi khi có sự kiện “Bách khoa ngày trở về” hay các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, anh Tuấn luôn sắp xếp có mặt.

“Bách khoa gọi - Tôi luôn trả lời!” – Doanh nhân Dương Quốc Tuấn khẳng định tình cảm của mình dành cho Bách khoa Hà Nội.
 
img 4991 jpg ong duong quoc tuan chu tich hdqt kiem ceo cua tap doan austdoor 1
Doanh nhân “Tuấn Austdoor” phát biểu tại sự kiện BK Investor Network 2023. Ảnh: BK Fund
Từ kinh nghiệm của người anh đi trước, anh Tuấn khích lệ sinh viên nếu có đam mê về lĩnh vực gì thì nên tập trung tích lũy kiến thức phục vụ cho lĩnh vực ấy khi ngồi trên ghế nhà trường. Nên đi học thêm để bổ trợ kiến thức về kinh doanh, kế toán trước khi khởi nghiệp.

“Khi đã có nền tảng vững chắc, các bạn cứ mạnh dạn khởi nghiệp! Chỉ có cố gắng hết sức thực hiện mục tiêu mới không phải hối hận về sau!”

Trong con mắt doanh nhân Dương Quốc Tuấn, so với thế hệ các anh ngày trước, sinh viên bây giờ có rất nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ làm chủ doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên Bách khoa Hà Nội có năng lực và tư duy tốt, thích ứng công việc nhanh chóng. Doanh nghiệp của anh luôn mở rộng cánh cửa cho những sinh viên tài năng, tạo cơ hội để đàn em Bách khoa Hà Nội phát triển, thăng tiến.

Với những nỗ lực của CSV Dương Quốc Tuấn và rất nhiều CSV Bách khoa Hà Nội, sợi dây liên kết giữa các thế hệ sinh viên Bách khoa sẽ luôn được gìn giữ, phát huy, để tạo nên cộng đồng người Bách khoa yêu thương, đùm bọc và đoàn kết!
 
BÁCH KHOA HÀ NỘI NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TÔI
 
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn...”

"Tôi xin được mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để nói lên tình cảm của mình đối với mái trường Bách khoa Hà Nội, một phần kí ức, một phần tâm hồn trong tôi.

Có thể lúc đầu xa nhà, đến với môi trường đại học lạ lẫm thì đó chỉ là "nơi đất ở". Nhưng khi mái trường thân yêu đã gắn bó với chúng ta, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành thì nơi ấy chính là nơi nuôi dưỡng nên tâm hồn chúng ta.

Tôi luôn biết ơn và tự hào khi là người Bách khoa!”

 
Doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor, CSV K32 ngành Hóa Thực phẩm

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây