Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 10/05/2023 06:04
“Dự án SAHEP vừa là động lực, vừa là điểm nhấn trong giai đoạn phát triển tự chủ đại học của Nhà trường thời gian vừa qua”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát Ngân hàng Thế giới.
Đoàn Giám sát Ngân hàng Thế giới (World Bank) đang có buổi làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội về Dự án SAHEP - Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học từ ngày 8-19/5/2023. Trong khuôn khổ chuyến làm việc, hai bên cùng trao đổi về hạng mục công trình toà nhà C7 và các phòng thí nghiệm, công tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu và tăng cường tự chủ Đại học, quản lý tài chính.
Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ 155 triệu đô nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án, đồng thời tăng cường hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam. Bách khoa Hà Nội tham gia dự án từ năm 2018, tập trung xây dựng các phòng làm việc và nghiên cứu tại toà nhà C7 và cung cấp trang thiết bị hiện đại cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu và 15 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo thuộc các lĩnh vực mũi nhọn: Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học vật liệu.
Theo đại diện từ Ngân hàng Thế giới, dự án có hai thành công lớn: Một là, không phát sinh vấn đề liên quan đến an toàn lao động, môi trường và an sinh xã hội; hai là, với tiến trình và kế hoạch hiện nay, dự án sẽ hoàn thiện và kết thúc theo đúng kế hoạch đề ra vào cuối tháng 6/2023.
Trong báo cáo dự án của TS. Nguyễn Tiến Cương, Phó Trưởng ban SAHEP, các trang thiết bị trong các Phòng thí nghiệm thuộc dự án đã sẵn sàng để giảng viên, sinh viên khai thác sử dụng, đảm bảo tính hiệu quả trong thời gian bảo hành, bảo trì thiết bị. Việc xây dựng tòa nhà C7 về cơ bản đã hoàn tất, chuẩn bị cho quá trình nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chứng chỉ môi trường và chất lượng công trình sẽ diễn ra từ giữa tháng 5.
Dự án không ghi nhận bất kỳ tai nạn lao động, cháy nổ hay khiếu kiện về công tác triển khai, môi trường và an sinh xã hội. Quá trình vận chuyển thiết bị hay vật liệu vào khu công trình được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt khi Bách khoa Hà Nội là môi trường đặc thù với số lượng sinh viên, cán bộ lớn.
Ông Micheal Drabble, Chuyên gia Giáo dục cao cấp của World Bank cảm thấy vui mừng khi được lắng nghe những câu chuyện và chia sẻ về tầm ảnh hưởng tích cực mà các Phòng thí nghiệm trong dự án mang lại, đặc biệt đối với hai trường mới thành lập: Trường Vật liệu và Trường Hoá và Khoa học sự sống. Trong lần làm việc này, Đoàn Giám sát cũng đi tham quan toà nhà C7 và các Phòng thí nghiệm mới thuộc dự án SAHEP được tạm đặt tại Thư viện Tạ Quang Bửu và toà nhà C10.
PGS. Lê Thái Hùng, đại diện Trường Vật liệu, cho biết các thiết bị trong 8 phòng thí nghiệm thuộc Trường giúp đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả nghiên cứu. Khối ngành Vật liệu từng nhận được hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới cho trang thiết bị phòng thí nghiệm từ năm 2006, song các thiết bị đến nay không còn mới và cập nhật. Khi thống nhất các đơn vị liên quan thành Trường Vật liệu, nhiều dự án, hợp tác được triển khai. “Công bố khoa học của các nhà nghiên cứu của Trường Vật liệu đã tăng 1-1.5 bài báo ISI/Scopus trên mỗi cán bộ. Đây là con số khá ấn tượng”, PGS. Hùng nói.
Theo PGS. Tạ Ngọc Dũng, Trường Hóa và Khoa học sự sống được thụ hưởng 4 phòng thí nghiệm trong dự án, bao gồm 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu về vật liệu polime, xúc tác môi trường và ceramics và 1 phòng thí nghiệm đào tạo về mô phỏng vật liệu. Ông cho biết, hỗ trợ từ dự án SAHEP giúp các nhà khoa học của Trường Hóa và Khoa học sự sống chủ động hơn trong nghiên cứu. Nhiều đơn vị chia sẻ Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên có những thiết bị tiên tiến như vậy, và hi vọng có thể tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trong nghiên cứu khoa học.
Trong gần 6 năm thực hiện dự án, Bách khoa Hà Nội thu nhận nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý dự án, hỗ trợ quá trình tự chủ toàn diện và bền vững. “Những kết quả Bách khoa Hà Nội đạt được hôm nay có một phần lớn góp sức của dự án SAHEP”, Giám đốc đại học khẳng định dự án SAHEP là tiền đề để Nhà trường xây dựng các dự án tiếp theo phù hợp với định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thể hiện cam kết thực hiện tốt dự án trong giai đoạn còn lại và sẵn sàng cùng Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Thế giới chia sẻ bài học kinh nghiệm trong tự chủ để đóng góp cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.