Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 21/04/2023 05:19
Ký kết giữa hai đại học lớn là sự cam kết cho tương lai: Hợp tác bền chặt, bền vững, liên kết tạo nên sức mạnh để cũng hướng tới những sứ mệnh lớn hơn của đất nước.
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học và quốc tế hóa vào ngày 20/4/2023. Nội dung hợp tác giữa hai đại học sẽ được triển khai trong giai đoạn 5 năm, bao gồm 4 trọng tâm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
‘Liên kết tạo nên sức mạnh’
“Chúng ta đã có quá trình hợp tác gắn bó lâu dài, đồng hành trong suốt chặng đường gần 50 năm qua”, PGS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu trong buổi lễ ký kết giữa hai đại học lớn của đất nước.
Ông cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội là đại học có bề dày truyền thống và danh tiếng hàng đầu Việt Nam. Theo ông, Bách khoa Hà Nội cũng là nơi đào tạo các cán bộ cao cấp của đất nước, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật hàng đầu đất nước. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều đóng góp cho sự ra đời và phát triển của Đại học Đà Nẵng từ những ngày đầu thành lập khi chi viện các cán bộ lãnh đạo, giảng viên nòng cốt để đặt những viên gạch đầu tiên cho sự thành lập và phát triển của Nhà trường.
Đến nay, nhiều bộ môn, khoa đào tạo giữa hai đại học vẫn liên tục hợp tác trong sinh hoạt chuyên môn. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên cho Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Hai bên tiếp tục có những hợp tác gắn bó trong khối 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện sự tin tưởng khi hai bên ký kết hợp tác. “Với quá khứ hào hùng, hiện tại vững vàng, chúng ta cần cố gắng vươn lên, cạnh tranh lành mạnh với xu hướng phát triển của thế giới. Tôi tin khi các đại học Việt Nam liên kết với nhau sẽ tạo nên sức mạnh, để chia sẻ kinh nghiệm, bài học, cùng nhau bước nhanh, xây dựng sứ mệnh lớn hơn, phục vụ phát triển của đất nước.”
Hướng tới hợp tác toàn diện
Theo Thỏa thuận Hợp tác giữa hai bên, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Nẵng sẽ cùng hợp tác trong 4 nội dung trọng tâm.
Về tuyển sinh và đào tạo, hai bên phối hợp, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của khối giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi đánh giá tư duy được phối hợp tổ chức và sử dụng để xét tuyển đại học. Đặc biệt, hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi sinh viên giữa các đơn vị đào trong học tập, thực tập và khai thác cơ sở dữ liệu, tài liệu số phục vụ các mục đích chung về tuyển sinh và đào tạo.
Về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, hai bên hợp tác thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, đánh giá ngoài và chia sẻ kinh nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các buổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm tọa đàm, hội nghị, và đào tạo cán bộ về quản lý chất lượng và xây dựng chính sách, hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục sẽ được triển khai thường xuyên giữa hai bên.
Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hai đại học cùng hợp tác trong các ngành/lĩnh vực mũi nhọn: Lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, công nghệ giáo dục; Lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới (vật liệu nano, graphene, kim loại chuyển tiếp họ dichalcogenides…) ứng dụng trong cảm biến môi trường, an toàn thực phẩm, sinh học…; Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chế biến thủy sản; Triển khai kinh tế tuần hoàn trong chế biến thủy sản…
Đồng thời, hai bên cùng phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học, xây dựng chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường công bố quốc tế. Về chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hai đại học sẽ cùng hiện thực hóa ý tưởng thành các hoạt động khởi nghiệp và giải quyết các bài toán khoa học công nghệ, tư vấn chính sách theo đặt hàng của các doanh nghiệp và địa phương.
Về quốc tế hóa, các hoạt động hợp tác bao gồm trao đổi sinh viên quốc tế/chương trình quốc tế; xây dựng và chia sẻ mạng lưới học giả/chuyên gia quốc tế; phối hợp hoạt động trong các Mạng lưới, Hiệp hội quốc tế mà hai bên là thành viên để tăng cường hoạt động hợp tác, phát triển quốc tế hóa.
Buổi lễ ký kết hợp tác giữa hai đại học mang nhiều ý nghĩa lớn trong việc tiên phong đổi mới để bắt kịp xu hướng tăng cường hợp tác trong giáo dục trên thế giới. Liên kết này không chỉ đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước.