Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 07/02/2025 20:06
Sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa Hà Nội tại Triển lãm Sinh viên NCKH năm học 2023 - 2024. Ảnh: Dĩnh Khiêm
Với sứ mạng phát triển con người, đào tạo nhân lực CLC, NCKH, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang đẩy mạnh đào tạo, phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cùng đó, duy trì, định hướng đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế xã hội đất nước.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực CLC trong kỷ nguyên số
Ngày 4/12/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng các Chương trình đào tạo (CTĐT), nâng chất, tăng lượng nguồn nhân lực CLC ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi. Vi mạch thu phát không dây do ĐHBK Hà Nội nghiên cứu thiết kế
Như ngành công nghiệp bán dẫn, Đại học Bách khoa Hà Nội có PTN nghiên cứu bán dẫn và làm chip từ 1978 với sự giúp đỡ của Hà Lan, đã có truyền thống đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và kỹ sư vật liệu điện tử bán dẫn từ trước năm 2000 trong các ngành/ đơn vị như Vật lý Kỹ thuật, Điện tử Viễn thông và Khoa học vật liệu/ITIMS.
Theo PGS. Nguyễn Đức Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/ Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/ Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.
Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo ra nguồn nhân lực lĩnh vực chip bán dẫn, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo và đang đẩy mạnh các CTĐT trong toàn chuỗi bán dẫn là thiết kế chip, chế tạo bán dẫn, đóng gói kiểm thử ở bậc cử nhân, kỹ sư chuyên sâu và sau đại học. Hàng năm đã đào tạo được khoảng 250 cử nhân/kỹ sư chuyên ngành và gần 3000 cử nhân/kỹ sư liên ngành sẵn sàng tham gia ngành công nghiệp bán dẫn; đẩy mạnh NCKH, ĐMST kết hợp đào tạo SĐH với số lượng 150 học viên/năm.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn, năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Các chương trình này tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.
Nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ngành gần, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.
Song song với đó, Bách khoa Hà Nội hiện có một loạt CTĐT “hot”, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội như: Tích trữ chuyển đổi năng lượng, Công nghệ thông minh, Big Data, AI, IoT, Cơ điện tử... Nguồn nhân lực CLC của Bách khoa đào tạo ra đóng góp rất nhiều vào phát triển CNH - HĐH đất nước. Bộ sưu tập thời trang “Whisper” của nhóm sinh viên K63 và K64, Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu, ĐHBK Hà NộiGóp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước
Theo PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, với 65 CTĐT, song song với việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Đại học Bách khoa Hà Nội còn duy trì các ngành kỹ thuật nền tảng đất nước cần nhưng xã hội ít nhân lực, những ngành cần thiết cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tuyển đủ, thậm chí là vượt chỉ tiêu dự kiến những ngành học này.
Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam từ năm 1956 đến nay. Một số thời điểm, đặc biệt trong và sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may cho nghỉ việc nhiều nhân viên do sản xuất kinh doanh và xuất khẩu bị ngưng trệ đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người học và số lượng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang Bách khoa vẫn duy trì phát triển, thu hút người học với CTĐT theo chuẩn quốc tế và các học bổng của ĐH, doanh nghiệp.
Các sinh viên Dệt May - Da giầy và Thời trang Bách khoa sau khi tốt nghiệp không chỉ làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam mà còn có thể phát triển sự nghiệp trong môi trường quốc tế, được doanh nghiệp quốc tế trải thảm đỏ săn đón. Ông Fujimoto Tetsuya - Trưởng đại diện Văn phòng Toray Industries HongKong tại Hà Nội đánh giá rất cao chất lượng đào tạo của Khoa Dệt May – Da giầy và Thời trang, đồng thời chia sẻ: Chúng tôi mong tuyển dụng những sinh viên đang học tập tại Khoa làm việc tại Tập đoàn Toray. Giảng viên, sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường, Trường Hoá và Khoa học sự sống, ĐHBK Hà Nội tại Triển lãm sản phẩm Sinh viên NCKH năm học 2022 - 2023
Còn ngành Kỹ thuật Môi trường của Đại học Bách khoa Hà Nội là ngành học về các kỹ thuật kiểm soát và công cụ quản lý môi trường; công nghệ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải thông qua các biện pháp Lý - Hóa - Sinh học. Trong bức tranh chung tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, có thời điểm công tác tuyển sinh ngành Kỹ thuật Môi trường còn gặp nhiều khó khăn khi chưa nhận được sự quan tâm và hiểu rõ về ngành của phụ huynh, học sinh.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại các trường phổ thông, tư vấn tuyển sinh trực tuyến, lên các chiến lược truyền thông, chia sẻ thông tin nhằm định hướng cho thí sinh hiểu về ngành học, CTĐT, cơ hội việc làm. Cùng đó, thực hiện kiểm định CTĐT theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến hành lấy ý kiến của các bên liên quan như CSV, doanh nghiệp, chuyên gia. Từ đó, đổi mới CTĐT, cập nhật kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành, áp dụng học phần công nghệ cao, thực tập doanh nghiệp... vào CTĐT để sinh viên Kỹ thuật Môi trường sau khi ra trường có thể làm việc và đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Kết quả, Bách khoa Hà Nội đã tuyển sinh được nhiều học sinh tài năng học ngành Kỹ thuật Môi trường, đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư sáng tạo các giải pháp quản lý góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ sự phát triển bền vững.
Có thể thấy, Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ chú trọng chất lượng đầu vào và quy mô tuyển sinh mà còn chú trọng tuyển những ngành cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước, chung tay cùng Chính phủ và các ban/ngành tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.