Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 30/01/2025 20:06
Tháng 12/2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ. Bước chuyển này đã tạo cơ hội để Nhà trường tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, phát huy sức mạnh của đội ngũ giảng viên và các đơn vị chuyên môn, đúng theo chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Chính phủ.
Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa”.
Mô hình tổ chức Tinh - Gọn - Hiệu quả
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tự chủ ĐH là tiền đề để chuyển đổi mô hình quản trị, điều hành, tổ chức lại bộ máy. PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Năm học 2023 - 2024 là năm học đầu tiên Nhà trường thực hiện vai trò là Đại học Bách khoa Hà Nội theo Quyết định 1512/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành việc tái cấu trúc mô hình tổ chức, chuyển đổi sang mô hình ĐH, với 40 đơn vị thuộc/trực thuộc gồm: 6 Trường, 4 Khoa quản ngành, 3 Khoa đại cương, 6 Viện nghiên cứu, 12 đơn vị hành chính tập trung, 8 đơn vị dịch vụ - hỗ trợ và 1 công ty.
Hiện Đảng và Chính phủ đang chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhìn vào Đại học Bách khoa Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Nhà trường đã hoàn thành việc tái cấu trúc các đơn vị theo mô hình ĐH với cơ cấu quản lý 3 cấp: Cấp ĐH, cấp trường và cấp khoa. So với năm 2016, số đơn vị cấp 2 giảm 37,5%, số đơn vị cấp 3 giảm 67,7%. So với năm 2021, số đơn vị cấp 2 giảm 11%, số đơn vị cấp 3 giảm 53,6%. Có thể khẳng định, quá trình tái cấu trúc, hoàn thiện mô hình tổ chức Đại học Bách khoa Hà Nội với phương châm tinh, gọn, hiệu quả theo chủ trương của Đảng, Chính phủ đã thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt thành công bước đầu, nhận được sự đồng thuận và cán bộ viên chức, người lao động trong toàn ĐH.
Hệ thống quản trị và quản lý điều hành của Đại học Bách khoa Hà Nội đang được vận hành theo hướng tăng cường phân cấp, dân chủ và minh bạch, đánh giá hiệu quả công việc theo vị trí việc làm và theo các chỉ số KPI/OKR. Hệ thống quản trị và đánh giá trên nền tảng số đồng thời cũng là công cụ để tính thu nhập tăng thêm của cán bộ một cách minh bạch và công bằng.
Đại học Bách khoa Hà Nội luôn phát triển theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm”. Đây là cơ sở để trường từng bước phấn đấu, khẳng định vị thế, bản sắc của cơ sở ĐH hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao.
Hội tụ nhân tài, tôn vinh trí thức
Có thể khẳng định đội ngũ là điểm mạnh nổi trội của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tính đến tháng 10/2024, Bách khoa Hà Nội có 1.102 cán bộ giảng dạy cơ hữu. Phần lớn giảng viên được đào tạo từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới (Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản…), trong đó hơn 75% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên (đạt tỷ lệ cao nhất trong các cơ sở đào tạo tại Việt Nam); 19 giảng viên là giáo sư; 268 giảng viên là phó giáo sư. Những con số này là minh chứng sinh động về sức mạnh của đội ngũ, động lực quan trọng của sự phát triển.
Bách khoa Hà Nội xác định đội ngũ cán bộ đặc biệt là đội ngũ giảng viên đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Vai trò này đã được hiện thực hóa tại Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua các chính sách, chế độ sử dụng và đãi ngộ phù hợp theo phương châm người thầy là chủ thể.
Nhằm thu hút, tuyển dụng những ứng viên trẻ, tài năng, các nhà khoa học uy tín xuất sắc về công tác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành làm nòng cốt để dẫn dắt, thúc đẩy và phát triển công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở tầm cao mới, Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu triển khai Đề án thu hút, tuyển dụng giảng viên có thành tích NCKH xuất sắc giai đoạn 2021 - 2025 với những cơ chế đột phá về lương thưởng, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp, thu hút những nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu đã thành danh trong lĩnh vực Hóa học, Năng lượng xanh, Cơ khí, CNTT... Còn Đề án “Tạo nguồn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023 - 2030” đã tuyển mới 53 giảng viên, bao gồm 21 giảng viên thường niên và 32 giảng viên nguồn.
Trong hơn 68 năm phát triển, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là một trong những cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam có chất lượng tuyển sinh “đầu vào” rất tốt, là nơi hội tụ những người học tài năng. Sinh viên Bách khoa được trải nghiệm trong môi trường thân thiện, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham gia các hoạt động thể thao, giải trí đa dạng. Hệ thống 400 phòng học và phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu.
Nhà trường đang đào tạo khoảng 38.000 sinh viên ĐH và sau ĐH với 160 CTĐT: 65 chương trình cử nhân/kỹ sư, 63 chương trình thạc sĩ, 32 chương trình tiến sĩ. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động, nhất là trong quản trị ĐH đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động toàn ĐH theo phương châm lấy người học làm trung tâm, sự thành công của người học làm mục tiêu.
Chủ trương quốc tế hóa được triển khai ngày càng thực chất với các chương trình trao đổi toàn cầu nhằm tăng cường hiện diện, vị thế trên trường quốc tế như thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên thông qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến và kết hợp. Chính sách hỗ trợ sinh viên và giảng viên nước ngoài đến học tập, làm việc ngắn hạn tại trường đang được thực hiện hiệu quả. Theo báo cáo của Giám đốc ĐH tại Hội nghị CBVC năm 2024, số lượng giảng viên quốc tế đến trao đổi tại Bách khoa tăng 22%; sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn và dài hạn tại Bách khoa tăng 11% với 121 sinh viên. Những kết quả này khẳng định Đại học Bách khoa Hà Nội là địa chỉ học thuật tiềm năng và có khả năng thu hút được các nhà khoa học trong khu vực và thế giới đến làm việc.
Chủ đề năm học 2024 - 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", thầy và trò Nhà trường sẽ làm việc và cống hiến hết mình “Vì thành công của người học. Để người thầy tỏa sáng. Để Đại học Bách khoa Hà Nội vươn mình”, góp phần nhỏ bé nhưng xứng đáng của mình cùng đất nước Việt Nam vươn mình trong Kỷ nguyên đổi mới và phát triển.