Bách khoa Hà Nội khẳng định chất lượng đào tạo tiêu chuẩn châu Âu

Thứ ba - 29/03/2022 16:21

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc kiểm định hai chương trình đào tạo bởi Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp.

Tại lễ khai mạc trực tuyến ngày 28/3, Bách khoa Hà Nội công bố hai chương trình đào tạo tham gia đợt kiểm định chất lượng bởi Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI) – thành viên hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục Châu Âu (ENQA).

Được đánh giá chất lượng lần này là hai chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - PFIEV: Kỹ thuật Hàng không - Trường Cơ khí; và Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (Tin học Công nghiệp) - Trường Điện - Điện tử.

Khác với những lần kiểm định trước, đợt đánh giá tại Trường năm nay được tổ chức trực tuyến trong hai ngày. Trước đó, các chuyên gia của CTI đã thẩm định hồ sơ đăng ký kiểm định bao gồm báo cáo tự đánh giá cùng các minh chứng đi kèm, các video clip và ảnh chụp giới thiệu mô hình tổ chức, hoạt động cũng như cơ sở vật chất của Bách khoa Hà Nội và 2 chương trình đào tạo.

Tại buổi khai mạc, PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường, phát biểu: “Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc tổ chức đợt đánh giá này đã thể hiện sự quyết tâm vượt qua khó khăn vì trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nhiệm vụ đào tạo kỹ sư chất lượng cao của tất cả chúng ta.”

Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, Bách khoa Hà Nội là một trường đại học đổi mới. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đại học đầu tiên tại Việt Nam tham gia thí điểm tự chủ đại học.

Những năm đầu thí điểm tự chủ, Bách khoa Hà Nội chú trọng đổi mới về công tác đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy với cam kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.

PGS. Nguyễn Phong Điền (giữa), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại lễ khai mạc đợt kiểm định CTI ngày 28/3/2022. Ảnh chụp màn hình

“Đổi mới nội dung chương trình đào tạo không khó, nhưng đổi mới phương thức giảng dạy là công việc lâu dài bởi cần sự thay đổi thói quen trong nhiều năm”, PGS. Nguyễn Phong Điền khẳng định.

Đứng trước đại dịch COVID-19, cùng với xu hướng chuyển đổi số và áp lực từ chất lượng sinh viên đầu vào ngày một xuất sắc, đổi mới giảng dạy trên nền tảng số vừa là thách thức, vừa là cơ hội, Phó Hiệu trưởng cho biết.

Bách khoa Hà Nội đang thực hiện nhiều chính sách và hoạt động đổi mới giảng dạy, nổi bật là sự triển khai mạnh mẽ phương pháp học tập kết hợp (blended-learning) giữa học truyền thống và học trực tuyến trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng COVID-19.

TS. Bernard Pineaux, Ủy viên chính Phụ trách báo cáo CTI, ấn tượng với những kết quả và hoạt động của Bách khoa Hà Nội trong thời gian vừa qua, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.

Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn châu Âu và đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch đó trong giai đoạn 2021-2025.

Năm 2022, Trường dự kiến sẽ kiểm định cấp cơ sở giáo dục lần 2 với tổ chức HCERES (Pháp) và kiểm định lần đầu cho 16 chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định ASIIN của châu Âu (Đức). Các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đều hướng tới vì sự thành công của người học.

TS. Bernard Pineaux, Ủy viên chính Phụ trách báo cáo CTI. Ảnh chụp màn hình

Chương trình Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - PFIEV là một dự án hợp tác về đào tạo giữa chính phủ Pháp và Việt nam với các chương trình đào tạo được kiểm định bởi CTI từ 1999. Các chương trình này được thiết kế theo thời gian 5 năm với yêu cầu cao về chất lượng chuyên ngành và đòi hỏi nhất định về trình độ ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp.

Các chương trình PFIEV được CTI và cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu (ENAEE) liên tục cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đồng thời công nhận tương đương với trình độ thạc sĩ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công nhận văn bằng PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ trong việc xét tuyển học tiếp lên trình độ cao hơn.

Đến nay, PFIEV đã có 18 khóa tuyển sinh. Sinh viên tốt nghiệp chương trình có nhiều lợi thế về cơ hội việc làm và nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu.

Commission des Titres d’Ingénieur (CTI) là ủy ban chính chịu trách nhiệm kiểm định các cơ sở giáo dục đại học về đào tạo kỹ sư chuyên nghiệp tại Pháp. CTI được thành lập theo luật của CH Pháp năm 1934 và là một bên liên quan trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học khu vực Châu Âu. Kết quả kiểm định của CTI được cơ quan kiểm định đào tạo kỹ sư Châu Âu công nhận.

CBO

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây