Hành trình bứt phá của thủ khoa Trường Điện – Điện tử

Thứ tư - 04/10/2023 23:58
Nguyễn Lê Thành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguyễn Lê Thành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội

“Tôi làm được thì không ai là không làm được”! Suốt buổi trò chuyện, Nguyễn Lê Thành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, cứ lặp lại câu nói đó.

Lê Thành khiêm tốn và điềm đạm, trái ngược với những thành tích “khủng” của cậu. Chàng trai K64 Trường Điện – Điện tử không chỉ giành được học bổng Khuyến khích học tập loại A (hạng cao nhất) trong liên tiếp 4 kỳ cuối cấp, mà còn đạt thành tích đồ án xuất sắc nhất Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp đợt tháng 8/2023 ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông. Bên cạnh chứng chỉ tiếng Nhật đạt JLPT N2, Thành còn có chứng chỉ TOEIC đạt 980/990 điểm.

Truyền thống ET-E9

Nguyễn Lê Thành là sinh viên khóa đầu tiên của chương trình ET-E9 (Chương trình tiên tiến Hệ thống nhúng thông minh và IoT) với những lớp học nâng cao về tiếng Nhật. Theo Thành, quá trình học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã vượt xa những kỳ vọng ban đầu của cậu. “Các thầy cô giảng dạy rất tâm huyết và theo dõi sát sao quá trình học tập của từng sinh viên”, Thành chia sẻ.

Là khóa đầu tiên của một chương trình mới, ET-E9 đã xây dựng và duy trì một truyền thống: Các khóa trước sẽ giúp đỡ khóa sau. Chàng sinh viên K64 cho biết, nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội có thành tích vượt trội trước khi vào trường, nhưng do không biết cách học nên gặp khó khăn trong việc bắt nhịp với cuộc sống đại học. “Các bạn tân sinh viên sẽ có nhiều bỡ ngỡ trong cả cách học và các thủ tục hành chính. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp các bạn để có kết quả học tập tốt, có thể tiết kiệm thời gian hỏi thầy cô hay liên hệ các phòng ban”, Thành giải thích.

Khác với những lớp học đại trà đăng ký theo tín chỉ và không gặp nhau nhiều, lớp của Thành có mối liên kết chặt chẽ và khá thân thiết khi thường xuyên học chung. Cũng nhờ thế mà Thành có những người bạn thân để cùng nhau học tập. Lê Thành bộc bạch điểm đầu vào của cậu rất thấp, thậm chí là suýt trượt. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp, cộng với sức bật tốt, Thành đã đạt CPA 3.89/4 và trở thành sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của Trường Điện – Điện tử. Thành khiêm tốn chia sẻ răng các bạn khác học tốt, có xuất phát điểm giỏi hơn nhưng bản thân cậu may mắn hơn do sinh sống ở Hà Nội cùng bố mẹ, không phải tự lập, lo lắng trang trải cuộc sống nên có thể tập trung hoàn toàn vào việc học.

Theo cậu, phương pháp học có hiệu quả nhất là biết tổng hợp kiến thức. “Ở thời đại 4.0, các tài liệu của anh chị khóa trước đều được tổng hợp một cách khoa học và đầy đủ. Tôi chỉ học theo đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tôi làm rất nhiều bài tập và ví dụ, vừa học vừa chơi, gần ngày thi thì tập trung cùng các bạn học nhóm để có thể kiểm tra và chữa lỗi cho nhau”, Thành chia sẻ.

Thành bày tỏ: “Tôi nhận ra Bách khoa Hà Nội không chỉ dạy tôi kiến thức mà còn cho tôi tư duy, lối sống, cách tự học và trao đổi với người khác để đạt được những kết quả tốt”.

Trong quá trình học, môn hóc búa nhất đối với Thành là Giải tích 2. “Ai cũng nói đây là môn học khó, hơn nữa, tôi còn học cùng chương trình kỹ sư tài năng nên càng thêm áp lực. Tuy nhiên, sau khi vượt qua mức độ khó nhất này thì tôi nghĩ không có gì là tôi không vượt qua được nữa”, Lê Thành hào hứng nói.

Về quá trình học ngoại ngữ, Thành chia sẻ rằng tiếng Anh cậu tự học qua phim ảnh chứ không qua một lớp học bài bản nào; tiếng Nhật của cậu từ con số 0 lên N2 hoàn toàn nhờ các tiết học trên trường chứ không tham gia thêm trung tâm nào khác. Theo cậu, chỉ cần quyết tâm và chăm chỉ, tự học là đủ và tốt nhất.

Ý chí lớn của chàng sinh viên Bách khoa Hà Nội

Ngoài giờ học, Lê Thành cũng dành thời gian thư giãn cùng những bộ phim, cuốn truyện. Cậu không chọn chơi điện tử vì tự nhận thấy bản thân rất dễ sa ngã, nghiện “game”. Cậu thường dành 1-3 tháng hè để chơi điện tử, “chơi đến chán thì thôi”, rồi vào năm học sẽ dẹp hết để tập trung dành thời gian cho những công việc cần thiết khác.

Với học bổng giành được, Lê Thành gửi hết cho bố mẹ giữ. Cậu nghĩ mình không nên cầm tiền nhiều vì có thể sẽ phung phí vào những thứ không đáng. Bù lại, Thành luôn được bố mẹ cung cấp đầy đủ các nhu cầu thiết yếu, không bao giờ từ chối những mong muốn của cậu.

Với Thành, gia đình là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ cậu. Đặc biệt, bố mẹ không đặt nặng thành tích hay áp lực lên con trai nên Thành rất thoải mái học tập và tích lũy. Đối với bố mẹ Thành, cậu con trai ngoan ngoãn và chăm chỉ đã lấy trọn 100% lòng tin của phụ huynh.
 
“Điểm đầu vào của tôi rất thấp, quá trình học cũng bình thường nhưng ra trường lại thủ khoa thì tôi tin ai cũng sẽ làm được!”

Chàng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chọn học Cử nhân trong 4 năm. Thành cho biết: “Tôi muốn đi làm sớm để xem nhu cầu thực tế của các công ty như thế nào. Nếu cần thiết, tôi sẽ trở lại và học lên cao hơn”.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Thành không cần lo đến vấn đề việc làm. Được biết, ngay từ năm 3 đại học, Nguyễn Lê Thành đã được nhận vào làm tại công ty Geo Technologies ở Tokyo, Nhật Bản. Dự định của cậu là sẽ sang Nhật và bắt đầu công việc vào tháng 1 năm tới.

Tại Nhật Bản, Thành sẽ trở thành một kỹ sư AI chuyên xử lý các dữ liệu cho bản đồ. Trong một năm học cuối tại Bách khoa Hà Nội, cậu đã trao đổi và họp trực tuyến cùng công ty bên đó. Lê Thành mong muốn mình sẽ có những trải nghiệm tốt đẹp khi làm việc tại xứ sở hoa anh đào.

Theo Thành, cậu chưa có nhiều trải nghiệm hay gặp khó khăn gì nên cuộc sống khá yên bình. Cậu hy vọng sau khi sang Nhật, bản thân va chạm nhiều  và trở nên nhạy bén hơn. Cậu cũng mong sẽ được đến những đất nước, châu lục khác để làm đa dạng và phong phú thêm vốn sống của mình.

Nguyễn Lê Thành tự cho mình là người thích làm việc trong môi trường cạnh tranh, bản tính hiếu thắng và luôn phấn đấu để đạt top đầu. Thành cho biết bản thân cậu thích làm việc độc lập một mình vì “muốn đi nhanh thì đi một mình”. Tuy nhiên, với sự rèn rũa từ Bách khoa Hà Nội, Thành khẳng định cậu vẫn có thể làm việc nhóm và trao đổi tốt với các thành viên khác.
 
Lê Thành muốn nhắn gửi một thông điệp đến với sinh viên "hậu bối": “Khóa đầu của ET-E9 đã có thủ khoa, chúc các bạn khóa dưới tiếp tục duy trì truyền thống”.

Hạ San
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây