Sáng nay (12/1/2021), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ viên chức năm 2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 260 đại biểu là các đồng chí nguyên Hiệu trưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy, các thầy, cô là GS, NGND đang công tác tại Trường và những nhà giáo, cán bộ tiêu biểu đại diện cho 1.727 cán bộ viên chức, người lao động của Trường tham dự Hội nghị.
3 điểm nhấn về chuyển biến tích cực
Hội nghị đã lắng nghe các báo cáo của Hiệu trưởng về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị CBVC năm 2020 và phương hướng hoạt động 2022 của Nhà trường; báo cáo của Hội đồng trường; báo cáo của Ban Thanh tra nhân dân Trường; Báo cáo tham luận về “Quốc tế hóa Đại học Bách khoa Hà Nội” của phòng Hợp tác đối ngoại.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - báo cáo tại Hội nghị
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 9 nhiệm vụ trọng tâm và bám sát các định hướng Nghị quyết Hội nghị đại biểu cán bộ viên chức năm 2020 đề ra, tiếp tục chứng tỏ là một hình mẫu đại học tự chủ, giữ vững vị trí tiên phong trong nước và từng bước khẳng định vị trí và uy tín quốc tế.
Lãnh đạo Nhà trường cũng phân tích những tồn tại, nguyên nhân của 9 nhiệm vụ: Chuyển đổi mô hình tổ chức, xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại; Cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao chất lượng đội ngũ; Đổi mới công tác tuyển sinh; Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo; Cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập và hỗ trợ người học; Nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp; Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu; Thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; Xây dựng và phát triển hệ thống truyền thông tích hợp, chuyên nghiệp.
Đánh giá chung năm 2021, với tinh thần quyết tâm đổi mới sâu sắc theo Chiến lược phát triển 2017-2025, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một sự chuyển biến rõ nét, tích cực về nhiều mặt thể hiện qua 3 điểm nhấn: 3 Trường: Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông và Điện-Điện tử đã được thành lập đã đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên trong quá trình đổi mới mô hình quản trị, chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội;
TS. Phùng Lan Hương - Trưởng phòng Hợp tác đối ngoại - Báo cáo tham luận tại Hội nghị
Cùng đó, hệ thống Quản trị đại học trực tuyến eHUST đã được đưa vào sử dụng là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của trường hướng đến trở thành một “Đại học số”. Hệ thống bước đầu hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành, công tác giảng dạy của giảng viên, hoạt động học tập, các thủ tục hành chính của sinh viên được thuận tiện và đạt hiệu quả trên nền tảng số.
Điểm nhấn thứ ba là môi trường làm việc, phục vụ dạy và học đã từng bước được cải thiện với môi trường học tập trên nền tảng số hiện đại đang dần được hoàn thiện; các PTN đào tạo đầu tư mới đã được đưa vào sử dụng; hơn 30 phòng học đã được nâng cấp, chỉnh trang phục vụ cho yêu cầu dạy và học với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cơ sở vật chất dùng chung (hội trường, phòng họp, sảnh các tòa nhà...) được nâng cấp khang trang bằng nguồn tài trợ nhân dịp 65 năm thành lập Trường.
Uy tín và ảnh hưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước cũng như quốc tế tiếp tục được nâng cao thông qua kết quả xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới, tỉ lệ có việc làm của người tốt nghiệp tiếp tục được cải thiện, tăng trưởng cao của chỉ số trích dẫn các công bố khoa học, tăng trưởng nguồn thu thông qua các hoạt động hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh các thành tích đạt được, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Việc chỉnh trang, cải tạo các giảng đường, phòng học còn đang triển khai chậm, chưa theo kịp những yêu cầu của sinh viên thế hệ mới; quy mô đào tạo sau đại học mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng; công tác quy hoạch các PTN, nhóm nghiên cứu theo các lĩnh vực khoa học ưu tiên chưa đạt tiến độ; quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên chưa theo kịp yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân chính, bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nằm ở quá trình đổi mới tư duy còn chậm, hiệu quả bộ máy chưa cao, truyền thông nội bộ đã được đổi mới nhưng chưa mang lại hiệu quả cao.
Toàn cảnh Hội nghị
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
Phương hướng chung của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022 là kiên định quá trình đổi mới, chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, tiếp tục chứng tỏ là một hình mẫu đại học tự chủ.
Lãnh đạo Trường cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong Chiến lược phát triển 2017-2025, tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022:
1. Chuyển đổi thành công mô hình và xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại;
2. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo thích ứng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp;
3. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, triển khai mạnh mẽ công tác quản lý chất lượng;
4. Đổi mới công tác tuyển sinh, đồng bộ các giải pháp tăng số lượng học viên cao học, kỹ sư và nghiên cứu sinh;
5. Nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nguồn và khởi nghiệp;
6. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, truyền thông và phát triển thương hiệu, khẳng định vị thế Đại học Bách khoa Hà Nội;
7. Cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ người học;
8. Nâng cao hiệu quả khai thác CSVC, đẩy mạnh thu hút nguồn lực và hệ thống tài chính vững mạnh;
GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Dự kiến năm 2022, theo kế hoạch chủ đạo của toàn trường, Hội đồng trường, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, cùng với Ban Giám hiệu và các tổ công tác từng bước xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức, xây dựng và ban hành hệ thống quy chế, quy định đối với Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh các hoạt động thường niên của Hội đồng trường, việc kiện toàn các ban thuộc Hội đồng trường (Hội đồng đại học) và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Hội đồng trường cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường trong mô hình tổ chức mới.
“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang đứng trước vận hội phát triển đột phá, khởi đầu bằng sự thay đổi về mô hình tổ chức và quản trị với nhiều thách thức đang chờ đợi ở phía trước, sự đồng hành cũng như những ý kiến đóng góp xây dựng của các cán bộ viên chức Trường sẽ đóng vai trò quan trọng để các hoạt động của Hội đồng trường đáp ứng được kỳ vọng về trách nhiệm và quyền hạn trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay.” – GS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo Nhà trường lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý cho Dự thảo báo cáo của Hiệu trưởng tại Hội nghị CBVC Trường năm 2021 và các kiến nghị, góp ý cho Nhà trường. PGS. Huỳnh Quyết Thắng đã báo cáo giải trình 126 ý kiến được gửi về từ Hội nghị CBVC các đơn vị trong Trường, tập trung vào các nội dung về chuyển đổi mô hình tổ chức, chuyển đổi số, công tác quản lý điều hành, công tác cán bộ, công đoàn; đào tạo; cơ sở vật chất… Sau hội nghị, các giải trình sẽ được tổng hợp và chia sẻ lên nhóm teams của Trường.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2022-2024
Hội nghị nhất trí 100% thông qua một số nội dung sửa đổi Quy chế chi tiêu nội bộ; đồng thời tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Thanh tra nhân dân Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2024.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng và TS. Bùi Đức Hùng ký kết Giao ước thi đua
Tại Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Đại diện Ban Giám hiệu và TS. Bùi Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn Trường- đại diện BCH Công đoàn Trường tiến hành ký kết Giao ước thi đua thực hiện thành công 8 nhiệm vụ trọng tâm của Trường đặt ra trong năm 2022 và giao ước một số tiêu chí thi đua đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể của Trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khen tặng 9 cán bộ tiêu biểu trong NCKH và giảng dạy năm học 2020-2021: 3 tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng: GS. Nguyễn Đức Hòa, Ths. Đinh Gia Ninh, PGS Nguyễn Bình Minh; 3 cán bộ tiêu biểu thu hút tài trợ và hợp tác nghiên cứu: TS. Tạ Sơn Xuất, TS. Vũ Hoàng Phương, PGS. Hà Duyên Trung 3 cán bộ tiêu biểu trong giảng dạy: TS. Lê Trung Kiên, TS. Đặng Hồng Huế, Ths. Lê Thị Dung |
Gia Hân. Ảnh: Duy Thành
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn