PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo "Mô hình tổ chức hoạt động của Trường thuộc Đại học" ngày 21/12.
Hội thảo nhắm đến 3 mục tiêu chính: Trao đổi các nội dung về mô hình tổ chức hoạt động của trường thuộc đại học; Tổng kết nội dung 3 trường Trường Cơ khí, Trường Điện – Điện tử và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông để lãnh đạo các đơn vị hiểu rõ hơn mô hình hoạt động; Khẳng định mệnh đề “Một Bách khoa” – Bách khoa Hà Nội là một đơn vị duy nhất, việc phân cấp trong đơn vị giúp cho cả bộ máy hoạt động tốt hơn.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐHBK Hà Nội kỳ vọng lãnh đạo các cấp của ĐH đề xuất những sáng kiến độc đáo trên tinh thần cởi mở, chân thành, khiêm nhường đúng chất Người Bách khoa và tôn trọng công sức của các đơn vị khác.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐHBK Hà Nội phát biểu tại Hội thảo ngày 21/12. Ảnh: Kiên Phạm
Mở đầu hội thảo, PGS. Lê Đức tùng, Phó Ban Tổ chức – Nhân sự, ĐHBK Hà Nội nêu báo cáo khảo sát về mô hình tổ chức hoạt động trường thuộc đại học.
Cấu trúc mô hình quản lý ĐHBK Hà Nội tinh gọn, có 3 cấp. Quản lý hành chính và hỗ trợ tập trung nằm ở cấp Đại học; các đơn vị Trường, Khoa, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu thuộc/trực thuộc được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Tại Hội thảo, Hiệu trưởng 3 Trường: Cơ khí, CNTT&TT, Điện – Điện tử đã có 3 báo cáo tham luận về những kinh nghiệm khi triển khai các hoạt động trong trường mới. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho các trường đã và sắp thành lập tham khảo, học hỏi trong quá trình triển khai hoạt động tại đơn vị mình.
Tham gia hội thảo, PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, xây dựng đội ngũ và phát triển nghiên cứu và đào tạo tới các Khoa, Viện. Là một trong những những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi từ trường đại học thành đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội, lãnh đạo Trường Điện – Điện tử phân tích mô hình tổ chức hoạt động của đơn vị mình theo mô hình SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn) để đồng nghiệp cùng biết và phần nào hiểu hơn về cách vận hành của một trường lớn trong đại học.
PGS. Trường Hoành Sơn, Hiệu trưởng Trường Cơ khí báo cáo tham luận sau 2 năm Trường hoạt động. Giống với mô hình Trường Điện – Điện tử, được thành lập trên nền tảng nhiều Viện, Trường Cơ khí có nguồn lực lớn về con người, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện những công việc, đề tài, dự án lớn. Lãnh đạo Trường Cơ khí đã phân tích đặc điểm nhân lực; Đặc thù chuyên môn; Thực trạng sử dụng nhân lực khi thành lập Trường Cơ khí, từ đó đưa ra phương án sắp xếp sử dụng nhân lực về: Cơ cấu tổ chức, cán bộ kỹ thuật, cán bộ giảng dạy, cán bộ hành chính, bố trí nhân lực đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Đây là những bài học kinh nghiệm quý giá của Trường Cơ khí sau gần 2 năm thành lập, đã đảm bảo khối lượng giờ làm cho cán bộ giảng viên trong trường theo đúng qui định, giúp Trường Cơ khí đã đi vào hoạt động ổn định theo đúng mục đích của đề án thành lập, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cán bộ Bách khoa Hà Nội lắng nghe tham luận của Hiệu trưởng ba trường ngày 21/12. Ảnh: Kiên Phạm
Mô hình Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông lại hoàn toàn khác biệt, đi lên từ đơn vị đơn nhất. Lãnh đạo trường luôn coi tự chủ là cơ hội, không phải thách thức; Đổi mới sáng tạo là nhu cầu để phát triển – duy trì sức mạnh cạnh tranh, không phải yêu cầu; Quốc tế hóa là mặc định chứ không còn là một sự lựa chọn.
Kết thúc bài tham luận, PGS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: “Đây là một bước tiến của ĐHBK Hà Nội với nhiều linh hoạt, tối ưu nguồn lực nội bộ và tạo không gian phát triển mới cho người Bách khoa”.
Cũng trong buổi Hội thảo, Ban Giám đốc ĐHBK Hà Nội lắng nghe và giải đáp những thắc mắc còn tồn tại của các Trưởng/Phó trưởng đơn vị cấp 2, cấp 3 của Đại học.
Lãnh đạo ĐH luôn lắng nghe những ý kiến, chia sẻ từ các đơn vị và giải quyết các vấn đề sớm nhất có thể. Giám đốc ĐH bày tỏ mong muốn: “Dù đến từ đơn vị nào, các thầy cô cũng cần chủ động sáng tạo, đưa ra sáng kiến trao đổi với nhau và với Ban Giám đốc ĐH”. PGS. Huỳnh Quyết Thắng kỳ vọng các thầy cô sẽ có nhiều giải pháp đột phá trong năm 2024, hướng tới những giải pháp dài hơi sau năm 2025.
Hạ San