Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 15/11/2024 19:30
Ngày 15/11, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học giáo dục và Giảng dạy ngoại ngữ (International Conference on Educational Science and Foreign Language Teaching - ICEF) năm 2024.
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế, tham gia trực tiếp tại Đại học Bách khoa Hà Nội và trực tuyến trên nền tảng Microsoft Teams.
ICEF 2024 có chủ đề "Trao quyền cho công dân toàn cầu thông qua năng lực đa ngôn ngữ, đa văn hóa và giáo dục xuất sắc: Đối mới, thách thức và cơ hội" (Empowering Global Citizens through Multilingual, Multicultural Competence, and Educational Excellence: Innovations, Challenges, and Opportunities).
Chủ đề hội thảo năm nay được đánh giá mang tính cấp thiết, trước bối cảnh việc trang bị cho người học khả năng giao tiếp đa văn hóa, đa ngôn ngữ là rất quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng học thuật cần tập trung vào nghiên cứu và tôn vinh sự đa dạng văn hóa, phát triển các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ sáng tạo, giúp người học không chỉ thành thạo ngôn ngữ mà còn hiểu sâu về văn hóa của các quốc gia khác.
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – gửi lời chào mừng trân trọng đến các khách mời trong nước và quốc tế đã đến tham dự Hội thảo, đóng góp cho sự thành công của chương trình qua nhiều mùa tổ chức.
“ICEF 2024 là một diễn đàn quốc tế thảo luận những kết quả nghiên cứu mới nhất, những kinh nghiệm giảng dạy nói chung và giảng dạy ngoại ngữ, giảng dạy các môn học STEM nói riêng. Đại học Bách khoa Hà Nội tin rằng hội thảo sẽ tạo nên những đóng góp có giá trị cho đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua các phiên trình bày và trao đổi.” – PGS. Nguyễn Phong Điền bày tỏ.
Theo thống kê từ ban tổ chức, ICEF 2024 đã tiếp nhận và đưa vào chương trình 65 bài viết chất lượng của nhiều nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó, thu hút sự quan tâm của người tham gia là 3 bài trình bày chính của các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, kết hợp giữa hình thức trình bày trực tiếp - trực tuyến, gồm:
- “Quá trình phát triển và triển khai E-learning tại Đông Nam Á và Việt Nam” – GS. Thomas Kohler - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo số, Đại học Công nghệ Dresden, Đức
- “Giáo dục và Đổi mới sáng tạo: Nghiên cứu và Triển khai hướng tới Phát triển bền vững” – GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES)
- “Trường học không biên giới: Sự chuyển đổi ngôn ngữ, vay mượn chính sách giáo dục, quốc tế hóa chương trình giảng dạy và các phương pháp tiếp cận đa văn hóa/đa ngôn ngữ khác trong một thế giới toàn cầu hóa” – GS. Alandeom - Trường Giáo dục, ĐH New York tại Albany, Mỹ (trình bày trực tuyến)
Sau phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng, để người tham gia trao đổi, tìm hiểu chuyên sâu về chủ đề mình quan tâm, ICEF 2024 tổ chức phiên song song, gồm 4 phân ban sau:
- Phân ban 1: Những bước tiến trong Công nghệ giáo dục: Góc nhìn dựa trên dữ liệu và Đổi mới trong học tập (EdTech Evolutions: Data-Driven Insights and Innovations in Learning)
- Phân ban 2: Góc nhìn từ EdTech: Công nghệ, Thành công của học sinh và Sức khỏe tinh thần (EdTech Insights: Technology, Student Success, and Wellbeing)
- Phân ban 3: Ngôn ngữ và Hành trình Học tập: Từ Tư duy Phản biện đến Dịch thuật Liên văn hóa (Language and Learning Pathways: From Critical Thinking to Cross-Cultural Translation)
- Phân ban 4: Xuất sắc trong Giáo dục: Quản trị, Phát triển và Xây dựng Kỹ năng Toàn diện (Educational Excellence: Governance, Growth, and Inclusive Skill-Building)
Khép lại hội nghị là Gala Dinner vinh danh sự đóng góp của các nhà khoa học, các thầy cô, sinh viên và nhà tài trợ, đồng thời là buổi trao giải thưởng Best Oral Presentation, Best Poster.
ICEF 2024 đã tạo cơ hội trao đổi học thuật, trau dồi khả năng nghiên cứu và kiến thức chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị tham gia. Hội thảo thực sự đã trở thành một diễn đàn khoa học về khoa học giáo dục nói chung và giáo dục các môn học STEM nói riêng; về giảng dạy ngoại ngữ nói chung và các vấn đề liên quan tới các phương pháp sư phạm, dịch thuật, văn hóa, văn minh nói riêng.