Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 31/01/2023 06:05
PGS. Nguyễn Bình Minh được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số với nhiệm kỳ 5 năm.
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa chính thức ra mắt Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (tên tiếng Anh là BK Fintech) vào ngày 31/1/2023. Trung tâm được thành lập với sứ mệnh trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế số, xã hội số của quốc gia thông qua các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0.
Theo đó, hoạt động của Trung tâm sẽ tập trung xây dựng và chuyển giao các giải pháp công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các chuyên gia có uy tín và nâng tầm ảnh hưởng của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước và khu vực.
Đóng góp lớn cho kinh tế số, xã hội số
Tại Lễ ra mắt Trung tâm, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Mục tiêu hoạt động của Trung tâm là trở thành đơn vị nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ với nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia”.
Sự ra đời của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Bước đi này cũng thể hiện quyết tâm của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nói chung và trong lĩnh vực tài chính, kinh tế số, và xã hội số nói riêng.
Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ, dữ liệu và nhân lực để đáp ứng với thời kì mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.
PGS. Nguyễn Bình Minh chia sẻ mong muốn đơn vị sẽ phát triển với bản sắc riêng, không trộn lẫn, cùng thế mạnh được thừa hưởng từ vị thế của Đại học Bách khoa Hà Nội. “Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành một doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thuộc Đại học Bách Khoa để tạo ra các sản phẩm “Made in Bách Khoa” có hàm lượng tri thức và tính sáng tạo cao.”
Đơn vị sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần phát triển Fintech tại Việt Nam qua việc hình thành và mở rộng hợp tác nghiên cứu và tư vấn chính sách cho các các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ tài chính, và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, trung tâm sẽ hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các đối tác nước ngoài nhằm đón đầu xu hướng phát triển công nghệ tài chính trên thế giới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm ký thỏa thuận Biên bản hợp tác đầu tiên với Công ty Cổ phần RikkeiSoft, một công ty công nghệ lớn do cựu sinh viên Bách khoa thành lập. Hai bên sẽ cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển ứng dụng, đào tạo nhân lực, tổ chức cuộc thi, hội thảo và nâng cấp cơ sở vật chất cho Nhà trường.
"Chúng tôi kỳ vọng có thể cùng những chuyên gia đầu ngành tại Bách khoa Hà Nội tạo ra các sản phẩm công nghệ hàng đầu với ứng dụng thực tiễn cao trong cuộc sống," ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên RikkeiSoft phát biểu sau Lễ ký kết.
Trước đó, trung tâm đã thành công phát triển hệ thống ký số nội bộ ứng dụng trong eHUST, Hệ thống Quản trị Đại học trực tuyến của Bách Khoa Hà Nội, và hệ thống tạo và xác thực chứng nhận số dựa trên ký số và blockchain. Một vài giải pháp khác mà Trung tâm đang triển khai có thể kể đến: Hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản sử dụng công nghệ blockchain được sử dụng tại trang trại Điền Trạch (Thanh Hóa) và Nền tảng cho việc phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung V-Chain.
Đơn vị tập hợp sức mạnh tập thể
Trung tâm BK Fintech ra đời góp phần giúp Đại học Bách Khoa Hà Nội nâng cao khả năng hợp tác Khoa học công nghệ đa ngành, chia sẻ tài nguyên, cơ sở vật chất giữa các nhóm nghiên cứu. Ngay tại thời điểm thành lập, Trung tâm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, người học từ ba đơn vị chính, đó là Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Viện Kinh tế và Quản lý, và Viện Toán ứng dụng và Tin học.
Sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu sẽ giải quyết được các bài toán khó đòi hỏi tính liên ngành, nảy sinh từ lĩnh vực kinh tế/tài chính, đòi hỏi áp dụng các mô hình và phân tích toán học nhưng cần hiện thực hoá bằng công nghệ thông tin.
“Trong tương lai, Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số sẽ tiếp tục mở rộng định hướng nghiên cứu và nhân lực với kỳ vọng trở thành Viện. Trung tâm tập hợp sức mạnh tập thể, nghiên cứu liên ngành, với mục tiêu đưa ý tưởng vào thực tế, thể hiện quan điểm phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.
Với tầm nhìn và triển vọng phát triển của quốc gia, sự ra đời của trung tâm sẽ có nhiều đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của tiến trình chuyển đổi số.