Ngày đầu đứng lớp của “CHỊ GIÁO” trẻ hơn học viên

Thứ hai - 18/11/2024 20:35
Ngày đầu đứng lớp của “CHỊ GIÁO” trẻ hơn học viên

Hơn hai thập kỷ qua đi, với PGS. Phạm Thị Kim Ngọc, cảm xúc bồi hồi về buổi đứng lớp đầu tiên tại Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Một buổi giảng bài đặc biệt với những học viên vô cùng đặc biệt...

Những ngày tiết trời Hà Nội bước vào Thu, mùi hoa sữa len lỏi qua từng con phố, chúng tôi có dịp ngồi nghe PGS. Phạm Thị Kim Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội - kể về hành trình nhiều kỷ niệm hơn hai thập kỷ với trường lớp, giảng đường.

“Bối rối” trước những học viên lớn tuổi hơn cô giáo

PGS. Kim Ngọc hồi nhớ: “Cuối năm 2000, tôi bắt đầu giảng dạy với vai trò là giảng viên Khoa Kinh tế & Quản lý. Là giảng viên trẻ mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề, tôi rất bất ngờ và lo lắng khi được phân công lớp học đầu tiên là một lớp học tại chức.

Đứng trước các học viên đã đi làm và có nhiều kinh nghiệm thực tế, câu hỏi ập đến khiến tôi thực sự cảm thấy áp lực: “Làm thế nào để giảng bài cho những người lớn hơn mình cả về tuổi đời và kinh nghiệm thực tiễn?”.

Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của các thầy cô giàu kinh nghiệm trong bộ môn cũng như từ chính những bài giảng mà tôi học trong chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Học viện Công nghệ châu Á. Trước khi lên lớp, tôi chuẩn bị bài giảng, kiến thức chuyên môn, bài tập tình huống, hỏi đáp - thảo luận... rất kỹ, nhưng thú thật, phải gần hết tiết giảng đầu tiên tôi mới hết run.

Sau đó thì bắt đầu ổn, tôi cố gắng không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều mà chủ động trao đổi, tương tác, khuyến khích học viên thảo luận, đặc biệt tranh thủ học thêm thực tiễn từ chính ý kiến của họ. Khá may mắn cho tôi là các anh chị học viên thích cách tiếp cận này, họ rất tích cực tương tác, tạo ra không khí học tập sôi nổi cho đến hết giờ giảng.

Buổi đứng lớp đầu tiên thành công ngoài sức tưởng tượng, cho tôi động lực để duy trì và hoàn thiện phương pháp giảng dạy. Khi kết thúc môn học, tôi nhận được phản hồi tích cực từ Ban  lãnh đạo của Khoa và các học viên vì đã “thổi” thêm “làn gió mới” vào phong cách giảng dạy. Đây chính là sự động viên to lớn, khích lệ và giúp tôi ngày càng tự tin khi đứng trên bục giảng”.

Mỗi lớp học là một câu chuyện mới

Gần 25 năm trôi qua, có đôi lúc cô Kim Ngọc tự hỏi chính mình: Lý do nào khiến mình gắn bó Đại học Bách khoa Hà Nội bao nhiêu năm như vậy?

Nghe cô kể những lý do như: Được làm việc trong một môi trường giáo dục kết hợp giữa truyền thống với hiện đại; sự đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ giữa thế hệ lãnh đạo, giảng viên đi trước với thế hệ sau và nhất là cảm xúc tươi mới mỗi khi bắt đầu một buổi lên lớp... mới thấy cô giáo đã coi Bách khoa Hà Nội là gia đình; đồng nghiệp, sinh viên là người thân yêu của mình.

Phó Hiệu trưởng Kim Ngọc chia sẻ: “Sinh viên Bách khoa Hà Nội luôn tích cực và không ngừng sáng tạo. Tiếp xúc với các em, tôi cảm nhận được những điều mới mẻ, tiếp nhận và cùng sáng tạo không ít những ý tưởng để cho ra đời các bài giảng theo phong cách “gen Z” hiện đại hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp với xu hướng tiếp cận của sinh viên hơn.

Một lớp học của PGS. Phạm Thị Kim Ngọc

Mỗi bài giảng là một sự đồng hành, cô trò cùng nhau phân tích, phản biện, chắt lọc những kiến thức, kỹ năng có ích để tiếp tục tư duy, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, công việc”.

Được biết, trong quá trình công tác, PGS. Phạm Thị Kim Ngọc không chỉ giảng dạy ở trường mà còn tham gia nhiều chương trình, đề tài khoa học, dự án. Cô cũng có một thời gian khá dài đồng hành với AIT Việt Nam trong vai trò Quản lý chương trình, với nhiệm vụ thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao dành riêng cho doanh nghiệp, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Những công việc này giúp cô tích lũy thêm nhiều câu chuyện thực tiễn để đưa sinh viên tiếp nhận bài giảng của mình một cách dễ hiểu, sống động hơn.

“Với tôi, nghề giáo luôn mang đến những cảm xúc thú vị, mỗi lớp học giống như một câu chuyện mới với những tình huống và phản hồi khác nhau từ sinh viên. Điều này đã thôi thúc tôi muốn chia sẻ nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn.”

Nhiều năm làm nghề giáo, cách tiếp cận, giảng dạy ngày càng hiện đại nhưng PGS. Kim Ngọc luôn yêu quý, tôn trọng sinh viên, tôn trọng suy nghĩ và mong muốn của các bạn. Với cô, mỗi sinh viên là một người bạn, cùng nhau lắng nghe và cùng nhau thấu hiểu.

Vượt thách thức, chắp cánh ước mơ

Nói về ngôi trường đang công tác với cương vị quản lý chủ chốt, PGS. Phạm Thị Kim Ngọc cho rằng Trường Kinh tế có nhiều ưu thế khi là một thành viên của Đại học Bách khoa Hà Nội - Đại học công nghệ đa ngành hàng đầu Việt Nam.

PGS. Phạm Thị Kim Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội trong Lễ công bố quyết định và bổ nhiệm Trường Kinh tế

Thích ứng với sự hội nhập nhanh chóng của đất nước, tất cả cán bộ, giảng viên của Trường Kinh tế đều cảm nhận rất rõ những cơ hội và thách thức hiện nay, từ đó đoàn kết, nỗ lực hơn, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

Đặc biệt, giai đoạn hiện tại đòi hỏi sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng.

Về chất, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Trường Kinh tế luôn xác định yêu cầu quan trọng để tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường là cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và các công trình nghiên cứu.

Về lượng, quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học cần mở rộng theo hướng tăng số lượng sinh viên, học viên sau đại học, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được công bố, đặc biệt là các công bố quốc tế.

Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt trong thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao, xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

PGS. Phạm Thị Kim Ngọc tin tưởng với một chiến lược phát triển rõ ràng, một tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên đoàn kết, tâm huyết, không ngừng tích lũy, nâng cao trình độ chuyên môn, Trường Kinh tế sẽ là “bệ đỡ” vững chắc để chắp cánh cho hàng nghìn sinh viên theo đuổi ước mơ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế.

* PGS. Phạm Thị Kim Ngọc là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội K36, chuyên ngành Kỹ sư Kinh tế Hóa.

* Là 1 trong 20 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa, PGS. Phạm Thị Kim Ngọc tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ quốc tế Quản trị Kinh doanh (MBA) tại AIT (Viện Công nghệ châu Á), trụ sở chính tại Thái Lan.

* Sau khi tốt nghiệp năm 2000, PGS. Phạm Thị Kim Ngọc về nước công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho tới nay.



 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây