Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 09/02/2024 20:00
Dành thời gian trao đổi với Đặc san Bách khoa Hà Nội ngày đầu xuân, trước khi chia sẻ về những kết quả sau 1 năm triển khai tái cấu trúc về tổ chức và nhân sự tại Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học – bày tỏ lời tri ân những con người/tập thể Bách khoa Hà Nội đã đoàn kết, chung sức, chung lòng với tập thể lãnh đạo, sẵn sàng chuyển đổi, thay đổi vì sự phát triển chung của toàn đại học.
“Vì sự phát triển của ĐHBK Hà Nội, rất nhiều người đã thể hiện đức tính trách nhiệm, sáng tạo, chính trực, xuất sắc. Đây thực sự là điều đáng quý, đáng khâm phục. Tôi trân trọng cảm ơn các cô giáo, các thầy giáo vì điều này.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng mở đầu câu chuyện khi đề cập đến tình cảm thấu hiểu, chia sẻ của cán bộ, giảng viên ĐHBK Hà Nội với công việc chung trong 1 năm vừa qua.
Giám đốc ĐHBK Hà Nội nhớ lại:
- Quá trình phát triển ĐHBK Hà Nội luôn là một quá trình tối ưu: Tối ưu các nguồn lực cơ sở vật chất và tối ưu con người. Trong đó, câu chuyện tối ưu con người thật sự quan trọng. Trong quá trình tái cấu trúc, việc ĐHBK Hà Nội đạt được sự đồng thuận, tạo sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông của cán bộ, giảng viên là điều thật sự đáng quý.
Để đạt được điều đó, các cán bộ, các nhà giáo, nhà khoa học của ĐHBK Hà Nội đã phải trải qua rất nhiều trao đổi, thảo luận, chia sẻ, thậm chí có cả những buổi tranh luận để tìm ra mô hình, cách làm nào tốt nhất. Điều đó thể hiện phẩm chất trách nhiệm, liêm chính, dám nghĩ, dám làm, không sợ đương đầu với khó khăn của Người Bách khoa!
Tôi rất khâm phục những cán bộ, các nhà giáo Bách khoa đã chia sẻ, hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung. Các thầy/cô – các nhà khoa học của ĐHBK Hà Nội rất văn minh và đặc biệt chính trực, phóng khoáng! Họ sẵn sàng từ bỏ vị trí quản lý để tìm, đề xuất những người phù hợp hơn thay thế mình.
Từ ngoài nhìn vào thì đó là sự hy sinh về quyền lợi cá nhân nhưng trong thực tế, các thầy/cô làm vậy để giải phóng năng lượng, dành tâm sức tập trung phát triển chuyên môn, dồn tâm huyết để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Tính cách của những Người Bách khoa tài năng, chính trực đã giúp ĐHBK Hà Nội phát triển. Đó là một ưu điểm, đặc thù, phẩm chất chung của Người Bách khoa, của ĐHBK Hà Nội mà chúng ta phải nâng niu, trân quý và vun dưỡng.
Tất nhiên, chúng ta phải có nhìn nhận trong quá trình phát triển chung ấy, đã có cá nhân, tập thể hy sinh, chia sẻ, thay đổi nhận thức cho đại cục được tốt hơn; có thời điểm, một cá nhân/tập thể nào đó lui lại phía sau để cho việc chung được tiếp tục phát triển.
Tôi cho rằng làm quản lý cần sự quyết liệt, nhưng có những lúc lại cần sự mềm dẻo, linh hoạt. Vì sự phát triển của ĐHBK Hà Nội, chúng ta không ngại va chạm, không ngại thẳng thắn chia sẻ quan điểm, chấp nhận sự khác biệt. Sau mỗi năm, nhìn lại cả hệ thống của ĐHBK Hà Nội tốt lên, mỗi chúng ta đều vui mừng và chia sẻ, thấu hiểu về những quyết định đúng, việc làm đúng của mỗi người.
Lắng nghe, chia sẻ - Bí quyết tạo sự đồng thuận
* Trong quá trình xây dựng Đề án tái cấu trúc mô hình ĐHBK Hà Nội, các nhà khoa học cũng tính trước các khó khăn sẽ gặp phải, từ đó có phương án giải quyết. Vậy trong thực tế triển khai, đặc biệt trong năm 2023, có những vấn đề phát sinh nằm ngoài dự đoán không, thưa Thầy?
- Khi đưa Đề án vào triển khai thực tế cũng có nhiều điều phát sinh, những khó khăn đến từ thực tế muôn hình vạn trạng, khó lường.
Mô hình của ĐHBK Hà Nội trong Đề án được kế thừa truyền thống và quá trình phát triển tự chủ của ĐHBK Hà Nội. Đối với một số người ở ĐHBK Hà Nội, điều này là thân quen, là điều tất nhiên của quá trình phát triển, hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình phát triển ĐHBK Hà Nội đã trải qua những phản biện, trao đổi, thảo luận và tranh luận và cũng là chia sẻ để đảm bảo tính mới, tính khoa học. Không phải có sự đồng thuận ngay từ các lãnh đạo các đơn vị cấp 2, cũng không phải sự đồng thuận ngay của tất cả nhà giáo, nhà khoa học của BKHN.
Trong quá trình thực hiện Đề án, Nhà trường đã luôn:
- Chia sẻ thông tin, kiên trì trao đổi thảo luận. Sẵn sàng nhận sai, sẵn sàng sửa đổi nếu thấy ý kiến của các thầy/cô là đúng.
- Sẵn sàng trao đổi thảo luận đến cùng để bảo vệ cái đúng, bảo vệ con đường phát triển của ĐHBK Hà Nội.
Sau khi làm tốt được 2 việc trên, chúng ta đã tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ, cảm thông và có cả sự hy sinh về quyền lợi cá nhân để đổi lại lợi ích tập thể của một số thầy/cô giáo.
Vì sự phát triển của ĐHBK Hà Nội, rất nhiều người đã thể hiện tính chính trực, xuất sắc, tính đổi mới sáng tạo, làm những điều tốt nhất cho đơn vị. Đây thực sự là điều đáng quý, đáng khâm phục. Tôi trân trọng cảm ơn các cán bộ, nhà giáo, các nhà khoa học của ĐHBK Hà Nội vì điều này.
ĐHBK Hà Nội sau 1 năm tái cấu trúc tổ chức, nhân sự
* Trong thời gian qua, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Nhà trường, Hội đồng Đại học, Ban Giám đốc ĐHBKHN với quyết tâm cao đã hoàn thành tái cấu trúc các đơn vị hành chính, đơn vị dịch vụ và hỗ trợ thuộc/trực thuộc Đại học. Điều gì thể hiện việc đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, tinh gọn và thực tiễn trong bối cảnh của Nhà trường cho nhiệm vụ tái cấu trúc này, thưa Thầy?
- Chúng ta có thể đánh giá sự thay đổi trong tái cấu trúc của ĐHBK Hà Nội như sau:
Về tính khoa học, đổi mới của ĐHBK Hà Nội từ Trường lên Đại học - công tác xuyên suốt của mấy năm qua nhằm phục vụ mục tiêu: Tạo môi trường cho các thầy/cô giáo giảng dạy tốt hơn, sinh viên học tập tốt hơn.
Có thể thấy những những minh chứng cho thấy tính khoa học trong các hoạt động tái cấu trúc về tổ chức, nhân sự của Bách khoa Hà Nội: Giảng viên, sinh viên có thể phát huy được hết những tiềm năng, năng lực sáng tạo của mình. Cả người dạy và người học được tôn trọng, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, cho ra những bài giảng tốt hơn, những công trình khoa học, bài báo quốc tế; Các sinh viên được các thầy/cô giáo giỏi hướng dẫn, có môi trường tốt để học hỏi từ thầy/cô, bạn bè, được làm thí nghiệm, NCKH, đề xuất ra ý tưởng đột phá, sáng tạo... Chính sức trẻ và những ý tưởng đó có thể trở thành những bài báo, ứng dụng, thành các doanh nghiệp start-up tốt cho khoa học và xã hội.
Trong 3 năm qua, liên tục, ĐHBK Hà Nội cố gắng năm sau làm tốt hơn năm trước. Đề án ĐHBK Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt trở thành Đại học là minh chứng cho kết quả phấn đấu trong cả một quá trình, không chỉ năm 2021 hay 2022 mà của nhiều năm trước đó để hướng đến mục tiêu đã đặt ra. Cuối tháng 12/2022, mục tiêu đó đã trở thành hiện thực.
Về tính hiệu quả, trong ĐHBK Hà Nội – một đơn vị thống nhất, tính hiệu quả được xây dựng theo từng bước, cải tiến dần để thời gian sau tốt hơn thời gian trước. ĐHBK Hà Nội đang từng bước cải tiến theo mô hình tăng hiệu quả làm việc của thầy/cô và tăng hiệu quả học tập của các em sinh viên, tăng năng suất của các đơn vị như các bài báo công bố tốt hơn, số giờ dạy tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ của từng lĩnh vực tốt hơn.
Một trong những điểm tồn tại, cần cải thiện là sự phối hợp giữa các đơn vị trong ĐHBK Hà Nội. Việc tái cấu trúc các đơn vị đã dần từng bước tháo gỡ tính không hiệu quả này. Một điểm đặc thù của ĐHBK Hà Nội đó là vai trò và hợp tác của các đơn vị trong quy trình chung. Khi có công việc lớn cần đến sự hợp tác của các bên, hiệu quả hợp tác cần được cải tiến dần dần và cải tiến liên tục.
Về tinh gọn, từ 2019 đến nay, ĐHBK Hà Nội đã cải tiến được đầu mối các đơn vị cấp 2 giảm khoảng 25%. Hiện tại, ĐHBK Hà Nội có 40 đơn vị thuộc và trực thuộc. Trong đó có 13 đơn vị đào tạo, 6 đơn vị nghiên cứu, 12 đơn vị hành chính tập trung và 8 đơn vị dịch vụ và hỗ trợ, 1 công ty BK Holdings. Những con số này cho thấy ĐHBK Hà Nội có sự tương ứng về số các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, tương ứng về các ban và đơn vị hỗ trợ và dịch vụ (một số đơn vị là dịch vụ phục vụ cho thầy và trò, một số đơn vị hoạt động ở mức cơ bản ở hệ thống, giúp cho hệ thống hoạt động tốt hơn).
Như vậy các đầu mối của ĐHBK Hà Nội đã giảm được 25%. Tính cân đối giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, các phòng ban và đơn vị phục vụ hỗ trợ được cải thiện. Mô hình của ĐHBK Hà Nội trong thời điểm này là mô hình tinh gọn. Trong sự liên tục của quá trình phát triển, những cải tiến sẽ tiếp tục được đánh giá và hoàn thiện trong thời gian tới.
Về một số cải tiến theo bối cảnh thực tiễn, ĐHBK Hà Nội luôn kiên định phương châm, nguyên tắc vàng phát triển: Nhà trường là nền tảng - Người thầy là chủ thể, động lực phát triển - Người học là trung tâm. Trong bối cảnh thực tiễn của mình, ĐHBK Hà Nội đã tái cấu trúc các đơn vị đào tạo là các Trường, các Khoa (trước đây là các Viện đào tạo). Các Trường được tích hợp bởi một số Viện đào tạo, Viện nghiên cứu, dựa trên các điểm chung về mô hình các nhóm chuyên môn, các nhóm nghiên cứu, các phòng nghiên cứu, giám đốc các chương trình đào tạo (hiện ĐHBK Hà Nội có 63 chương trình đào tạo phân bổ về các Trường có các khoa tương ứng).
Các Trường, Khoa phải làm thế nào để đào tạo tốt nhất, có các nghiên cứu chuyên sâu để truyền dạy kỹ năng, kiến thức về các lĩnh vực tương ứng cho sinh viên. Điều đó giúp cho các Trường, các Khoa tối ưu quá trình đào tạo, nhìn lại các chương trình đào tạo để có những cải tiến, hoàn thiện phù hợp.
Viện nghiên cứu theo mô hình của ĐH mang tính chất nghiên cứu, triển khai, thể hiện ảnh hưởng của ĐHBK Hà Nội đến xã hội. Những nghiên cứu trong ĐHBK Hà Nội có thể chuyển giao được ra nên ngoài cho thấy tầm ảnh hưởng, vị trí của Nhà trường đến kinh tế của các vùng như Hà Nội, khu vực Đồng bằng sông Hồng, hay của đất nước.
Câu chuyện tái cấu trúc các Viện/Trung tâm nghiên cứu thực sự là một bài học, đặc biệt trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ đề xuất rất nhiều chiến lược phát triển, như: Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... và các lĩnh vực khác.
Chúng ta cần bám theo các chiến lược này để xem khả năng đáp ứng, vị trí và đóng góp về mặt khoa học công nghệ cho đất nước nói chung, cho vùng đồng bằng sông Hồng, cho Hà Nội nói riêng của ĐHBK Hà Nội. Đặc biệt, những nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội phải đảm bảo đủ năng lực, có tính tiên phong khoa học, mang đẳng cấp quốc tế.
Muốn như vậy, trong bối cảnh thực tiễn của Nhà trường, chúng ta phải tối ưu nguồn lực. Các Viện/Trung tâm nghiên cứu ở cấp ĐHBKHN phải phối hợp mạnh mẽ với các phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu mạnh ở các Trường, Khoa để ĐHBK Hà Nội trở thành một thực thể, là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khoa học phù hợp nhất với mô hình hiện tại.
Thế mạnh của ĐHBK Hà Nội là có rất nhiều sinh viên giỏi, các em cần được phát huy hết tiềm năng của mình. Theo đó, việc thành lập một Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên nhằm kích thích, vun xới, tạo động lực cho nhiều sinh viên giỏi có khả năng đổi mới sáng tạo, hình thành bí quyết nghiên cứu, sáng kiến về có thể thành lập ra các doanh nghiệp khởi nghiệp, đóng góp cho kinh tế đất nước.
Có thể nói, việc tái cấu trúc về tổ chức và nhân sự của ĐHBK Hà Nội trong giai đoạn vừa qua có tính khoa học, hiệu quả, tinh gọn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Nhà trường, kiên định theo phương châm “Nhà trường là nền tảng - Người thầy là chủ thể, động lực phát triển - Người học làm trung tâm”.
Kế thừa truyền thống, phát huy tinh hoa giáo dục ĐH thế giới
* Thưa Thầy, trước khi tiến hành tái cấu trúc, ĐHBK Hà Nội có tham khảo mô hình nào đó trong và ngoài nước, tham khảo ý kiến của các chuyên gia không?
- Việc tham khảo các mô hình ĐH tiên tiến trên thế giới đã được ĐHBK Hà Nội làm rất bài bản.
1. Tổ công tác, tập thể lãnh đạo ĐHBK Hà Nội nghiên cứu nghiêm túc và bài bản những bài học phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam; mô hình của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM, ĐH vùng và ĐH trọng điểm ở Việt Nam; những bài học từ tự chủ của ĐHBK Hà Nội trong giai đoạn 2010 - 2016, giai đoạn 2016 - 2019 theo Quyết định số 1924 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐHBK Hà Nội cùng những bài học của các trường ĐH khác trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
2. Tổ công tác của ĐHBK Hà Nội đã đọc và nghiên cứu rất nhiều mô hình, tài liệu. Tổ công tác tham khảo mô hình ĐH đổi mới sáng tạo, ĐH số chia sẻ, ĐH vì sự thay đổi hay ĐH vì cộng đồng, ĐH vì thế giới – mô hình ĐH theo các triết lý của Liên Hiệp Quốc. Khối lượng kiến thức mà các thành viên Tổ đã đọc, tham khảo là rất nhiều.
Ví dụ, thời gian gần đây, theo xu hướng các trường đại học phát triển bền vững theo QS, đóng góp cho 17 mục tiêu SDG của Liên Hiệp Quốc, tập thể lãnh đạo đại học đã xem xét kỹ lưỡng tính phù hợp và tính thời điểm của các triết lý, các mô hình. Chúng ta không dập khuôn mà học hỏi những tinh hoa, tính phù hợp của các mô hình để đưa vào sự phát triển của ĐHBK Hà Nội trong thời điểm hiện tại.
3. Khi xây dựng Đề án phát triển ĐHBK Hà Nội, Nhà trường đã mời các chuyên gia là các nhà khoa học, các nhà quản lý phản biện. Các văn bản phản biện của các chuyên gia rất đầy đủ và xác đáng về một số nội dung cần chỉnh sửa. Phiên bản cuối cùng khi trình lên Thủ tướng Chính phủ đã được hiệu chỉnh rất nhiều lần bởi Tổ công tác, tham khảo các ý kiến các nhà khoa học.
Thời điểm tháng 11/2022, khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án đã được nhiều nhà quản lý, các chuyên gia từ Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Khi Đề án được chuyển đến Văn phòng Chính phủ cũng nhận được rất nhiều ý kiến, nhận xét, góp ý từ các chuyên gia của Văn phòng Chính phủ để Đề án được hoàn thiện hơn.
Có thể thấy, Đề án phát triển ĐHBK Hà Nội đã được xây dựng một cách khoa học, kỹ lưỡng, được rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học độc lập đóng góp ý kiến. Phiên bản cuối cùng của Đề án chính là công sức, trí tuệ của tập thể cán bộ, giảng viên ĐHBK Hà Nội và của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia quản lý khác.
Chúng tôi rất trân trọng sự tâm huyết, làm việc hết mình này!
* Điều được tập thể lãnh đạo đại học nhắc đến nhiều là tái cấu trúc tổ chức, nhân sự tạo ra sự gắn kết hơn. Điều này thể hiện như thế nào, thưa Thầy?
- Trong quá trình tái cấu trúc vừa qua của ĐHBK Hà Nội, một trong những tiêu chuẩn được đặt ra là tính phù hợp về phẩm chất cá nhân của từng cán bộ với vị trí việc làm được giao. Quan điểm của Nhà trường là luôn lựa chọn nhân sự phù hợp vị trí việc làm: Một số Trưởng Ban được luân chuyển theo tính chất tái cấu trúc lại; Mô hình các Ban đã được rõ ràng, minh bạch hơn; Có thể có sự thay đổi về chức năng, thay đổi một số nhiệm vụ ở từng đơn vị để phù hợp và hợp lý hơn.
Nguyên tắc xây dựng đội ngũ cán bộ của ĐHBK Hà Nội chính là lựa chọn con người theo vị trí việc làm chứ không phải tìm người rồi mới giao việc. Nguyên tắc xuyên suốt là lựa chọn một cán bộ phù hợp nhất với đơn vị đó. Đặc biệt, Nhà trường đã đưa vào hệ thống tiêu chuẩn ISO 21001:2018 để quản lý chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, giúp Nhà trường đáp ứng nhu cầu của người học, tạo sự liên kết phù hợp giữa các Ban với nhau, giúp các Ban phát triển.
Tổ chức kiểm định uy tín quốc tế đánh giá rất cao sự phát triển bền vững của ĐHBK Hà Nội
* Có thể coi đợt Kiểm định HCERES tháng 11/2023 chính là một đợt đánh giá ngoài về kết quả bước đầu nhiệm vụ tái cấu trúc của ĐHBK Hà Nội. Những nhận xét, khuyến cáo Nhà trường nhận được từ tổ chức kiểm định tiêu chuẩn châu Âu HCERES là gì, thưa Thầy?
- Tổ chức kiểm định HCERES (CH Pháp) thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng cấp cơ sở tại ĐHBK Hà Nội trong hai ngày 27-28/11/2023. Các chuyên gia HCERES đã làm việc, trao đổi với lãnh đạo đại học cùng các đơn vị về sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược và quản trị của Đại học và những hoạt động cải tiến chất lượng sau đợt kiểm định cấp đại học năm 2017.
Trước đó, năm 2016, ĐHBK Hà Nội được đánh giá lần đầu tiên và được trao Quyết định công nhận kiểm định lần I. Đồng thời, HCERES đề ra 6 điểm Nhà trường cần khắc phục. Tới thời điểm hiện tại, sau 7 năm, phục vụ cho đánh giá tái kiểm định, Báo cáo tự đánh giá của BKHN đã chỉ ra rằng, tất cả các điểm cần khắc phục đó đều thực hiện một cách hoàn hảo và một số điểm thực hiện vượt trội.
Năm 2023, Đoàn chuyên gia của HCERES sang ĐHBK Hà Nội nhằm phỏng vấn, kiểm tra và đối chiếu với Báo cáo tự đánh giá họ đã nhận. Ý kiến cuối cùng của HCERES sẽ có vào tháng 3/2024. BKHN sẽ tiếp nhận được rất nhiều đóng góp từ các chuyên gia quốc tế.
Về sơ bộ, qua những trao đổi bên lề, HCERES đánh giá rất cao về sự phát triển của ĐHBK Hà Nội; về sự đảm bảo, sửa đổi được những khuyến nghị của đoàn đánh giá vào năm 2016; những cam kết của ĐHBK Hà Nội trong giai đoạn phát triển 2017-2025. Đến năm 2023, một số các tiêu chuẩn, tiêu chí đã được Đại học thực hiện xong, một số các tiêu chí chúng ta sẽ hoàn thiện vào năm 2025.
Có thể thấy, Tổ chức kiểm định uy tín quốc tế HCERES đánh giá rất cao sự phát triển bền vững của ĐHBK Hà Nội.
Vai trò và vị thế ĐHBK Hà Nội được nâng cao rõ rệt
* Thưa thầy, hiện ĐHBK Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các đơn vị hành chính, đơn vị dịch vụ và hỗ trợ thuộc/trực thuộc Đại học; xây dựng bộ máy lãnh đạo các Ban và Trung tâm. Với sự đổi mới như vậy, Nhà trường đang đón nhận những cơ hội nào để phát triển hơn nữa?
- Vào thời điểm này, ĐHBK Hà Nội đang có những cơ hội quý giá để từ đó phát triển mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vào giai đoạn tiếp theo. Đảng của Chính phủ đã có những chính sách thay đổi mạnh mẽ giáo dục và giáo dục đại học, khoa học công nghệ. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều thông tư thực hiện, đòi hỏi những đổi thay trong quản lý giáo dục đại học, như các yêu cầu, nhìn nhận về vai trò của các cơ sở giáo dục ĐH.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2022-2023, ĐHBK Hà Nội được góp mặt trong các chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện bằng các Nghị quyết:
1) Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung Nghị quyết chỉ rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Theo đó, vai trò của ĐHBK Hà Nội rất cần thiết, cần bám sát một trong những nhiệm vụ của Nghị quyết 29.
2) Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung của Nghị quyết chỉ rõ ĐHBK Hà Nội và ĐHQG Hà Nội là 2 cơ sở giáo dục ĐH được đầu tư tập trung, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo chất lượng cao cho vùng và cả nước. Nghị quyết số 30 chỉ rõ vai trò rất quan trọng của ĐHBK Hà Nội, ĐHQG HN với phát triển Đồng bằng sông Hồng.
3) Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung của Nghị quyết số 14 “đặt hàng”: Giai đoạn 2023 - 2025, phải xây dựng Đề án Phát triển ĐHBK Hà Nội trong nhóm các cơ sở Giáo dục đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của ĐHBK Hà Nội.
4) Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu xây dựng “Đề án phát triển, nâng cao chất lượng các trường đại học, trong đó phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn Thủ đô có ít nhất 01 trường đại học và đến năm 2030 có ít nhất 02 trường đại học nằm trong TOP 100 trường đại học hàng đầu châu Á”;
5) Theo “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ĐHBK Hà Nội có những trọng trách và thời cơ để phát triển mạnh mẽ hơn: Phát triển thành Đại học quốc gia cho đến trước năm 2030 và Phát triển trở thành đại học hàng đầu của châu Á (top 100) theo kỳ vọng của Đảng và Chính phủ.
Vào thời điểm hiện tại, ĐHBK Hà Nội đã “xuất hiện và góp mặt” trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, của Thủ đô Hà Nội. Vai trò và vị thế của ĐHBK Hà Nội đã được nâng cao rõ rệt. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề mà ĐHBK Hà Nội được Đảng và Nhà nước giao phó.
* Toàn đại học thay đổi, các thầy/cô giáo cũng thay đổi để thích ứng với những đổi mới. Vậy ban lãnh đạo Đại học đã quản lý sự thay đổi như thế nào để có thể nắm bắt cơ hội phát triển ĐHBK Hà Nội, thưa Thầy?
- Trong bối cảnh thực tiễn nhiều cơ hội và thách thức đó, tập thể lãnh đạo của ĐHBK Hà Nội cần:
1) Nhận thức rõ vai trò, vị thế và cơ hội phát triển của ĐHBK Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Nếu không kịp nắm bắt, thời cơ trôi qua sẽ làm chậm cơ hội phát triển của ĐHBK Hà Nội có thể là một vài năm, thậm chí có thể là 5 - 10 năm. Theo đó, thế hệ lãnh đạo của ĐHBK Hà Nội phải có trách nghiệm nắm bắt thời cơ, chỉ đạo kịp thời để xây dựng phát triển Nhà trường. Hai mục tiêu quan trọng là: Phát triển thành Đại học quốc gia cho đến trước năm 2030 và Phát triển trở thành đại học hàng đầu của châu Á (top 100).
2) ĐHBK Hà Nội là một đại học kỹ thuật – công nghệ, Nhà trường có trách nghiệm theo kịp những phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ để giảng dạy và nghiên cứu, đào tạo sinh viên. Đồng thời, kết quả giảng dạy và đào tạo nghiên cứu đó phải bám sát các chương trình, chủ trương của Chính phủ về các lĩnh vực. ĐHBKHN phải có vai trò phát hiện những lĩnh vực rất cần thiết cho đất nước, thực hiện trách nhiệm xã hội, hướng nghiệp cho các sinh viên. Trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới sáng tạo, ĐHBK Hà Nội vừa theo đúng định hướng của Chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh theo vùng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng.
3) Từ tiền đề là những chiến lược phát triển của Đảng, Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, tập thể lãnh đạo ĐHBK Hà Nội cần xây dựng Chiến lược phát triển 2025-2035 tầm nhìn 2050 và các kế hoạch tương ứng phù hợp với Chiến lược phát triển và các kế hoạch của Chính phủ, của toàn đại học. Chỉ đạo tổ chức xây dựng Kế hoạch phát triển 5 năm và từng năm để xác định các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược. Chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của đơn vị phù hợp với định hướng và các nội dung của Chiến lược phát triển ĐHBK Hà Nội.
* Trân trọng cảm ơn Thầy về cuộc trao đổi!
TÁI CẤU TRÚC TẠI ĐHBK HÀ NỘI - MỘT CUỘC CÁCH MẠNG?
“Tôi không nghĩ tái cấu trúc ĐHBK Hà Nội là một cuộc cách mạng! Một cuộc cách mạng ít nhiều sẽ có sự mất mát, hy sinh, còn tái cấu trúc ở ĐHBK Hà Nội chỉ mang lại những cái được!
Tái cấu trúc ĐHBK Hà Nội là quá trình kế thừa, đổi mới mô hình tổ chức theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (34/2018/ QH14). Với sự đoàn kết, quyết tâm cao, chúng ta đã hoàn thành tái cấu trúc các đơn vị hành chính, đơn vị dịch vụ và hỗ trợ thuộc/ trực thuộc Đại học, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, tinh gọn.
Nhà trường cũng đã hoàn thành xây dựng bộ máy lãnh đạo các Ban và Trung tâm, với những cán bộ lãnh đạo có phẩm chất, có kiến thức và kỹ năng quản trị cao, hết lòng tận tụy với công việc.”