Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ bảy - 23/03/2024 03:15
Sáng nay (23/3), tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Vòng Chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023. Đây là cuộc thi do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học khối kỹ thuật tổ chức, tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của sinh viên tại các trường đại học.
“Tỷ phú Elon Musk đã cố gắng cấy chip vào não người, chứng minh suy nghĩ dùng sóng não điều khiển mọi vật. Chúng em cũng ước mơ nghiên cứu một công nghệ chỉ cần suy nghĩ sẽ điều khiển các thiết bị xung quanh – Neural of Things. Tên của nhóm chúng em thể hiện điều này” – Nguyễn Tuấn Đạt – Đội trưởng đội thi Neural of Things chia sẻ.
Nhóm Neural of Things gồm 4 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội: Nguyễn Tuấn Đạt, Nguyễn Bình An - K67, CNTT Việt Nhật; Trần Văn Lực – K66, Khoa học máy tính; Đồng Thị Diễm Quỳnh - K67, Quản trị kinh doanh ĐH TROY và 1 sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là Võ Quỳnh Anh – ngành Kinh doanh quốc tế.
Hướng dẫn nhóm là TS. Trịnh Văn Chiến - Giảng viên, Trưởng Phòng Thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Mới đây, TS. Chiến đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2023.
“Awake Drive là một sản phẩm sử dụng cơ chế đọc thu sóng não và phát nhịp Isochronic (nhịp đập hai tai và đơn âm) sẽ tương tác trực tiếp với sóng não của tài xế, giúp kích thích và tăng cường hoạt động não bộ của người lái xe. Bằng cách kích thích các vùng não liên quan đến sự tập trung và giữ tỉnh táo, sản phẩm giúp người lái xe duy trì trạng thái tỉnh táo và tăng cường khả năng phản ứng trong quá trình lái xe” - Nhóm Neural of Things giới thiệu về sản phẩm của mình.
Sản phẩm Awake Drive gồm phần cứng là thiết bị đo sóng não và phần mềm ứng dụng phát nhịp Isochronic. Nhóm Neural of Things đã làm xong 1 phần của app, model và bộ dữ liệu; thiết bị đo sóng não còn lại sẽ là sản phẩm hợp tác với Neurosky. Awake Drive dự kiến trong tương lai sẽ tự tạo ra thiết bị đo sóng não của riêng mình.
Awake Drive hiện có 2 phiên bản: Đeo ở trán - đo và kết nối với một ứng dụng trên điện thoại; Đeo như một tai nghe: Nhóm sinh viên đang cập nhật phần cứng để tinh giản hình thức sản phẩm, đem lại sự tiện lợi cho người sử dụng.
Nhóm Neural of Things đang cố gắng đẩy nhanh dự án và ấp ủ ý tưởng thành lập công ty để phát triển sản phẩm. Trước mắt, nhóm sẽ tìm hiểu các thủ tục để làm hồ sơ nhận bằng sáng chế. “Chúng em không chỉ có niềm tin nghiên cứu ra sản phẩm tốt mà còn tin mình sẽ đưa sản phẩm tốt ấy đưa đến tay người tiêu dùng. Khởi nghiệp ở tuổi 20 – 21, tại sao không?” – Trần Văn Lực - đại diện nhóm Neural of Things tự tin khẳng định trước BGK.
Sinh viên đại học cả nước quan tâm đến cuộc thi
Phát biểu tại sự kiện, PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng BTC cuộc thi – cho biết cuộc thi Sáng tạo trẻ nhận được sự đồng hành của rất nhiều chuyên gia trong Ban Giám khảo, các thầy/cô ở các trường đại học khác. Năm nay, số lượng đề tài nghiên cứu của sinh viên gắn với thực tế đã tăng lên rất nhiều so với lần thi trước. Đây là minh chứng cho thấy không chỉ Đại học Bách khoa Hà Nội mà sinh viên nhiều trường đại học trên cả nước rất quan tâm đến cuộc thi.
Với chủ đề "Sáng tạo vì Cuộc sống" (Smart up for life), cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023 thu hút hơn 200 lượt sinh viên tham dự chương trình huấn luyện, 42 dự án nghiên cứu gắn với ứng dụng thực tiễn, 10 đề tài được tài trợ để phát triển thành sản phẩm trong vòng triển khai, 5 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.
“Cuộc thi Sáng tạo trẻ với các hoạt động NCKH, đổi mới sáng tạo là cơ hội kết nối sinh viên, giảng viên từ các trường đại học, qua đó các thầy cô hỗ trợ nhau được tốt hơn, kết nối nhà trường với doanh nghiệp, nhà đầu tư, đưa sản phẩm NCKH, đổi mới sáng tạo đến với xã hội” – PGS. Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.
Từ năm 2019, cuộc thi mở rộng đối tượng tham dự và đã nhận được ý tưởng đăng ký dự thi từ sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên toàn quốc như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Thuỷ lợi, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Học Viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Điện lực…
Bên cạnh đó, sinh viên các trường Đại học khối kinh tế như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính cũng rất hào hứng đồng hành cùng các sinh viên khối kỹ thuật cùng tham dự phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành các sản phẩm định hướng khởi nghiệp.
Hiện thực hóa các sản phẩm sáng tạo KHKT hữu ích cho cuộc sống
Ban Tổ chức đã tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, các nhóm đã được hỗ trợ kỹ thuật từ các mentor từ các trường đại học, các trung tâm khởi nghiệp.
Đại diện các đội thi thuyết trình trước BGK và khán giả tại Vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2023
Tại Vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2023 sáng nay, 5 đội thi góp mặt đều có những sản phẩm mang tính mới/tính sáng tạo, tính khả thi kỹ thuật, tính khả thi kinh doanh và nguồn lực thực hiện, đúng tiêu chí của cuộc thi: Hiện thực hóa các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật hữu ích cho cuộc sống.
Trong phần thuyết trình, các đội thi vòng chung kết đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu khách hàng, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng; công nghệ sáng tạo, độc đáo cùng tính khả thi của sản phẩm…
Trong phần Hỏi – Đáp, các vị giám khảo đặt những câu hỏi hướng các sinh viên nghiên cứu khoa học không chỉ trên hồ sơ mà còn khuyến khích các em có những trải nghiệm như một doanh nghiệp: Có thuyết trình marketing, tính toán chi phí, khấu hao sản phẩm, tính toán lỗ - lãi khi kinh doanh…
Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi năm nay là hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, các đội thi còn được nhận cơ hội hỗ trợ triển khai sản phẩm từ các quỹ đầu tư, các đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và các công ty đồng hành.
Các đội thi giành Giải Nhì, Giải Ba, Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ 2023
Giải Nhì:
Đội GDSC-PTIT – Học viện Bưu chính Viễn thông - với sản phẩm SkyHelper - Hệ thống tìm kiếm định vị nạn nhân dựa trên thuật toán dò sóng wifi từ các thiết bị cá nhân. Ứng dụng hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trong thiên tai, thảm họa;