Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 05/05/2024 09:50
Hôm nay (5/5), tại huyện Cô Tô, 7 trường đại học kỹ thuật - Nhóm G7 - gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi đã ký kết ghi nhớ hợp tác trong Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học.
Tham dự Lễ ký kết có PGS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT); Thiếu tướng Bùi Hải Sơn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá Phạm Văn Hiếu - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía các trường đại học kỹ thuật có: PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM); PGS. Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); GS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi; PGS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; GS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất; GS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải.
Dự Lễ ký kết, về phía huyện Cô Tô, có các đồng chí: Nguyễn Việt Dũng – Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; Đặng Quang Ngạn – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; lãnh đạo UBND, HĐND huyện, cùng đại diện các phòng, ban, ngành của huyện Cô Tô.
Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại nhiều địa phương cũng như các ngành, lĩnh vực chuyên sâu; hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, các viện, trường đại học tại Việt Nam chưa đóng góp nhiều vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Theo khảo sát trên 240 doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam của World Bank thì chỉ có 12% doanh nghiệp lấy ý tưởng hoặc cảm hứng từ nghiên cứu khoa học/ học thuật trong nước; chưa đến 40% tổ chức sử dụng lao động đánh giá sinh viên mới tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kỹ năng, nhất là cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao.
Để thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa khối doanh nghiệp, tập đoàn với khối giáo dục viện, trường thì cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hợp tác phát triển toàn diện về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo và truyền thông tiến tới hình thành nhóm các trường kỹ thuật tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nhóm G7 gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học”.
Tại Hội nghị, nhóm 7 trường đại học kỹ thuật đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học. Hướng đến mục tiêu chung, các trường phối hợp nhằm tận dụng những thế mạnh sẵn có, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Hội thảo lần này được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, một địa phương đứng đầu cả nước trong nhiều năm liên tiếp về các chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tiếp tục đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Địa danh tổ chức hội thảo là huyện đảo Cô Tô, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, nơi duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi Người ra thăm đảo vào ngày 9/5/1961.
Trước đó, nhóm G7 đã ký kết: Hợp tác phát triển chương trình đào tạo kỹ sư (ký tại Đà Nẵng vào tháng 6/2020); hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng, truyền thông (ký tại Hà Nội vào tháng 1/2021); Hợp tác truyền thông (ký tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 4/2021); Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ký tại Sapa vào tháng 9/2022); Hợp tác kiểm định quốc tế và đảm bảo chất lượng (ký tại Đà Lạt vào tháng 12/2022); Hợp tác trong chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng (ký tại Bình Định vào tháng 3/2023); Hợp tác về hoạt động chuyển đổi số trong quản trị đại học (ký tại Yên Bái vào tháng 8/2023).
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác của 7 trường đại học khối kỹ thuật đã thăm hỏi và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô); dự Lễ Thượng cờ và dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô.
7 NỘI DUNG HỢP TÁC CỦA NHÓM G7
1. Tổ chức hội thảo để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức của viên chức, giảng viên và sinh viên trong hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.
2. Phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo và khởi nghiệp dành cho sinh viên giữa các Trường.
3. Xây dựng, chia sẻ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chung cho Nhóm 47 Trường.
4. Phối hợp xây dựng các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực có thế mạnh.
5. Xây dựng CLB, nhóm chuyên môn của giảng viên và sinh viên để thực hiện các hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.
6. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ cho hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.
7. Phối hợp tổ chức các hoạt động về ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên, ươm tại các doanh nghiệp spin-off của viên chức, giảng viên giữa các Trường.
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác 7 trường đại học khối kỹ thuật tại huyện Cô Tô: