Thầy giáo Bách khoa kể chuyện tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ hai - 29/04/2024 13:09
378519938 2924822950982666 4306019923940996205 n
Thầy giáo Ngô Xuân Thành - nguyên Giảng viên Bộ môn Thiết bị Điện - Điện tử (nay là Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử), Đại học Bách khoa Hà Nội
Cứ mỗi dịp 30/4 hàng năm, thầy Ngô Xuân Thành – nguyên Giảng viên Bộ môn Thiết bị Điện - Điện tử (nay là Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử), Đại học Bách khoa Hà Nội lại cùng các đồng đội gặp gỡ, họp mặt, ôn lại những kỷ niệm thời quân ngũ. Ngày đó, cậu thanh niên gầy gò lớp 10 cuối cấp niên khóa 1972 – 1973 Ngô Xuân Thành thi xong đại học 1 ngày là nhập ngũ ngày 13/9/1973. “Tôi chưa được bước qua cổng Parabol đã đi bộ đội rồi. Là anh lính đi sau các thế hệ bộ đội tình nguyện năm 1964 – 1965, tôi có may mắn được tham dự/chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh” – thầy Thành tự hào nhớ lại.  

 Trên đường hành quân, nhận giấy báo đỗ Bách khoa Hà Nội

Nhập ngũ, tân binh Ngô Xuân Thành được học tập và huấn luyện ở miền Bắc, chủ yếu là tại Thanh Hóa thuộc Quân số của Trung đoàn 299, Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 1974, anh bộ đội Xuân Thành được chuyển về Lữ đoàn Công binh 299 thuộc Quân đoàn 1.

Ngày 6/1/1975, trước yêu cầu cấp bách chuẩn bị giải phóng miền Nam, Lữ đoàn 299 tạm thời rời Quân đoàn 1 để Nam tiến vào Chiến trường B3 Tây Nguyên, phối thuộc với Sư đoàn công binh 470 của Binh đoàn Trường Sơn để tham gia chiến dịch Tây Nguyên lịch sử.  Sư đoàn 470 được giao nhiệm vụ vừa vận chuyển chi viện chiến lược, vừa bảo đảm phục vụ chiến dịch Tây Nguyên và là lực lượng tác chiến tại chỗ của chiến dịch.

Đang trên đường hành quân vào Nam, đến Quảng Bình, Binh Nhất Ngô Xuân Thành nhận được Giấy báo trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội gia đình gửi. “Cầm tờ giấy báo, tôi thấy vui vui, nhưng đó là cái đã qua, không chờ đợi tôi. Lúc đó đang ở độ tuổi háo hức xung phong, gập giấy báo đỗ đại học cho vào túi áo, tôi tiếp tục hành quân. Cùng tôi còn mấy anh em nữa nhận giấy báo như vậy. Có lẽ vì sợi dây kết nối Bách khoa Hà Nội, các tân sinh viên Bách khoa “hụt” chúng tôi chơi với nhau thân hơn. Lời hẹn học Bách khoa chúng tôi sẽ thực hiện sau khi xuất ngũ!”
 
z5388106928696 53082e29290ea34ba53d6e747c0b21b2
Giấy báo đỗ Đại học Bách khoa thầy Ngô Xuân Thành vẫn trân trọng lưu giữ suốt 50 năm qua
Trên đường hành quân, đến Gia Lai, Binh Nhất Ngô Xuân Thành may mắn gặp cậu ruột là lính lái xe chở vũ khí tiếp tế từ trong ra. Lúc đó, ông cậu đang rửa mặt, hai cậu cháu tay bắt mặt mừng giữa suối. Người cậu cứ nắm tay cháu vừa thương vừa lo: “Đêm nay cháu đi qua phà 10 cẩn trọng nhé, đêm nào chúng cũng ném bom dữ dội”. Đêm đó, giữa làn mưa bom đỏ trời, thầy Thành tránh được hiểm nguy, an toàn vượt phà. Hành quân đi tiếp, anh lính trẻ nghĩ chắc cậu nhận tin mình không sao sẽ mừng lắm!

Cùng đồng đội mở đường bí mật đánh Tổng kho Mai Hắc Đế - Buôn Ma Thuột

Đêm mùng 8/3/1975, đơn vị thầy Ngô Xuân Thành nhận lệnh rời cứ hành quân, gần sáng nghỉ lại giữa rừng. Cả đơn vị mỗi người đào cho mình một cái hầm dài, sâu 30 - 40 cm nằm tránh pháo. Ban ngày, cả đơn vị ém quân, chập tối bắt đầu hành quân tiếp cận mục tiêu. “Sau này, tôi mới biết địa điểm mình hành quân bí mật tiếp cận chính là Buôn Ma Thuột.” – thầy Thành kể.  

Đơn vị thầy Ngô Xuân Thành có nhiệm vụ mở đường. Chính thời gian này, anh em công binh đã bí mật, khôn khéo tổ chức thành từng nhóm nhỏ, dùng cưa cá mập cưa cắt hai bên sát gốc những cây to dọc trục đường sẽ mở, chỉ để lại một phần cho cây khỏi đổ - kỹ thuật công binh gọi là cưa 2 bậc, bên ngoài cưa thấp, bên trong cưa cao... Tất cả sẵn sàng chờ lệnh thông đường. Rải quân ra cưa hết, cả đơn vị tiến sâu vào trong. Khoảng 22h đêm, bộ đội ta đã áp sát mục tiêu.
 
11 3 bmt
Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
22h30’ ngày 9/3/1975, bộ binh hành quân ém sát đồn địch. Đơn vị thầy Thành có nhiệm vụ dùng bộc phá, lần dò mìn để mở cửa khẩu lấy đường cho bộ binh và xe tăng tiến vào. 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Cả khu rừng bao quanh thị xã rùng rùng chuyển động. Từng tốp xe tăng hùng dũng húc đổ những thân cây đã cưa sẵn, con đường lộ ra, các xe sau chở vũ khí, khí tài, đạn dược… có đường đi thuận lợi. Những con đường dẫn xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột được bộ đội công binh hoàn tất lúc 21 giờ ngày 9/3/1975, chỉ trước giờ phát lệnh tấn công thị xã Buôn Ma Thuột chưa đầy 5 giờ đồng hồ.

Cũng thời điểm ấy, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, một lực lượng đánh sân bay Hòa Bình; hỏa tiễn H12, ĐKZ và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Đơn vị của thầy Ngô Xuân Thành tham gia đánh vào căn cứ Tổng kho Mai Hắc Đế - Buôn Ma Thuột.

Tài liệu ghi chép lại: Sáng ngày 10/3/1975, ở hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Chư Êbur, Chư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.

Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.
 
z5388478452877 35e174cc9380669f0930ca51bb6542bf
Binh Nhất Ngô Xuân Thành
Đơn vị thầy Ngô Xuân Thành sau đấy được lệnh thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm chuyển về kho căn cứ. Tối ngủ rừng cà phê – đúng chiếc hầm trước kia đào nằm để áp sát địch, ngày mỗi người chạy một chiếc honda - dù chưa bao giờ đi nhưng cũng không bị ngã – chở hàng về cứ.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 – chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cảm xúc dâng trào ngày 30/4/1975

Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Quân ngụy ở khắp Tây Nguyên hoảng loạn, mất tinh thần chiến đấu.

Ngày 14/3/1975, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh triệt thoái cao nguyên, rút quân về co cụm ở đồng bằng duyên hải, hình thành vành đai quân sự. Toàn bộ binh lực còn lại của địch ở Tây Nguyên, chủ yếu là Quân đoàn 2 ngụy ầm ầm chuyển động, hình thành một đạo quân lớn mang theo cả đoàn chiến sa quân sự, cơ giới, ô tô, xe máy chạy từ Pleiku về Tuy Hòa qua Cheo Reo Phú Bổn (nay thuộc thị xã Ayn Pa, tỉnh Gia Lai).
 
h1 13 qxes 4761 1619680590
Đoàn xe và dòng người hướng về từ Cao Nguyên về Tuy Hòa, Phú Yên năm 1975. Ảnh: AP.
Đơn vị thầy Ngô Xuân Thành nhận lệnh hành quân xuyên rừng 3 đêm vừa đuổi vừa đánh địch ở Cheo Reo Phú Bổn, truy kích địch dọc theo đường Quốc lộ 14, qua Phước Long, Đồng Xoài tới Chơn Thành thì theo đường 13 thuộc cánh quân phía Tây Bắc tiến về giải phóng Sài Gòn. Đến Củ Chi, đơn vị nhận lệnh đánh căn cứ Đồng Dù. Binh nhất Ngô Xuân Thành cùng đồng đội tham gia ở vòng ngoài. Ngoài ra còn có những đơn vị có nhiệm vụ mở rào cho quân phía sau, gặp sự chống trả của quân địch rất ác liệt.

Các tư liệu thống kê: Ngày 29/4/1975, bộ đội ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội VNCH ở căn cứ Đồng Dù, 500 tên bị chết, gần 2.300 tên bị bắt làm tù binh, thu gần 5.000 khẩu súng các loại (có 9 khẩu đại bác 175,155,105mm), 100 máy thông tin, 2 máy bay bị tịch thu, 423 xe quân sự (có 23 xe tăng xe bọc thép) bị thu và phá hủy.
 
25042017mthang8
Xe tăng và bộ binh quân Giải phóng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù sáng 29/4/1975. (Nguồn: Lê Trung Hưng/TTXVN)
Làm chủ được căn cứ Đồng Dù, đơn vị thầy Thành được nhận lệnh đóng quân tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Thời điểm này, bộ đội ta rất phấn khởi, nghe tin chiến thắng khắp nơi dội về. Chính tại đây, binh Nhất Ngô Xuân Thành đã tập hợp thiếu nhi trong làng, dạy các em hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh”. Khi cất lời ca thể hiện tình yêu, nhớ mong với vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh cùng các em nhỏ, anh lính trẻ tràn đầy hoài bão tương lai, quên hết bao nhiêu khó khăn, gian khổ mình vừa trải qua.

Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị phá toang, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.
 
3 MAWS
Bộ đội trong Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền VNCH buộc phải đầu hàng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau trận Cheo Reo Phú Bổn, thầy Thành được đơn vị phân công về Đại đội ô tô của Lữ đoàn. Thầy kể: “Muốn được tận mắt chứng kiến ngày lịch sử dân tộc 30/4/1975, tôi được đi cùng đồng chí chính trị viên đại đội và khoảng 15h có mặt tại cửa Dinh Độc Lập. Lúc này, quân và dân đứng rất đông ở vườn Tao Đàn, đặc biệt là nhân dân miền Bắc di cư vào Nam, gặp bộ đội là hỏi tin về miền Bắc…”

Kể về những ngày lịch sử ấy, giọng thầy giáo Bách khoa Hà Nội đầy hồ hởi. Người cựu chiến binh kể, khi vào Sài Gòn, thật hạnh phúc gặp những người dân nơi đây, đón chào quân giải phóng bằng tình cảm rất nồng hậu. Giữa dòng cảm xúc dâng trào ấy, ông cũng muốn hoà mình vào dòng người mừng vui, hòa vào không khí chiến thắng. Và với ông, 4 năm đi bộ đội là thời kỳ ghi dấu ấn sâu đậm nhất. Đến bây giờ, ông vẫn không thể nào quên được dù chiến tranh đã lùi xa.
 
z5388478978554 b465b65691db2a8efc765df467d613c9
Trung đoàn 299, Quân đoàn I, QĐND Việt Nam chứng nhận Binh Nhất Ngô Xuân Thành tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh
 

Xuất ngũ trở về, binh Nhất Ngô Xuân Thành viết tiếp ước mơ, học Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó ở lại làm cán bộ giảng dạy ở Trường với tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ và tình cảm yêu quý của mình với Bách khoa.

Thầy Ngô Xuân Thành tham gia nhiều công việc kiêm nhiệm. Trong quá trình công tác, thầy được rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học trò yêu quý.

 
z5388547831491 0051d85beba8045704e91639ece59071 (2)
Thầy Ngô  Xuân Thành (bìa phải) cùng các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh ĐHBK Hà Nội về nguồn thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, tỉnh Quảng Ninh (tháng 4/2024)
Thầy Thành tham gia vào một số công tác quản lý như Trưởng ban Thanh tra nhân dân (3 nhiệm kỳ), thường vụ Công đoàn Trường, là một trong những thành viên BCH đầu tiên của Hội Cựu chiến binh Bách khoa Hà Nội và có nhiều đóng góp cho Nhà trường
Gia Hân – Phương Thảo
Ảnh: NVCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây