Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 08/05/2024 22:10
Ngày 7/5/2024, Sở Thông tin và Truyền thông Tỉnh Nghệ An gửi công văn cảm ơn Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các đơn vị thuộc Đại học: Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục (Trường CNTT&TT) đã hỗ trợ tỉnh công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn online về An toàn thông tin thuộc Đề án O6/CP.
Nội dung công văn viết: “Được sự hỗ trợ của C06 và các đơn vị thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An đã hoàn thành khóa học đạt kết quả tốt. Các nội dung chương trình đào tạo đã đáp ứng với nhu cầu thực tế, được các học viên hưởng ứng tích cực. Sau khi kết thúc khóa học, đa số học viên có thể hiểu được các mối đe dọa an toàn thông tin cũng như các biện pháp cơ bản để bảo vệ hệ thống và dữ liệu của cá nhân, tổ chức.”
Được biết, Đề án 06 của Chính phủ (đã được phê duyệt theo Quyết định số 06/QĐ-TTg) có tên đầy đủ là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục (EdTech), thuộc Trường CNTT&TT nghiên cứu và phát triển nền tảng daotao.ai, hướng tới mục tiêu đào tạo phi lợi nhuận cho cộng đồng, mang đến hiệu quả thiết thực và rộng khắp.
Khoảng giữa năm 2022, nền tảng daotao.ai đã đi vào những bước triển khai ổn định. Cùng thời gian này, Đề án chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ cần thực hiện các công việc đào tạo qui mô cả nước để thực sự mang lại hiệu quả cho người dân khi chuyển sang khai thác các dịch vụ công trực tuyến. Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động đề xuất hỗ trợ Chính phủ thực hiện công việc này.
Theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cho Bộ Công an phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) daotao.ai tại 63 tỉnh/thành trên toàn quốc để nâng cao kiến thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”, cho thấy sự tin tưởng của Chính phủ với Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cuối năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Bộ Công an triển khai thí điểm lớp học đầu tiên nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho tỉnh Thái Nguyên. Đầu năm 2023, hai đơn vị triển khai được thêm với 3 tỉnh thành là Vũng Tàu, Nghệ An và Hà Nam.
Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm hơn 6 tháng, kết quả khảo sát cho thấy học viên đánh giá rất cao về tính hiệu quả của mô hình học tập. Chính phủ ra Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 chính thức giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Bộ Công an triển khai mô hình học tập này trên khắp 63 tỉnh/ thành các bộ/ngành.
Qua 1 năm triển khai, đến tháng 4/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Bộ Công an đã thực hiện đào tạo hơn 100.000 nghìn cán bộ công chức cả nước cho 45 tỉnh/ thành và khoảng 10 bộ ngành. Bên cạnh khóa học đầu tiên về Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Bách khoa Hà Nội phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin xây dựng và triển khai khóa học thứ hai về An ninh an toàn thông tin trong không gian số.
Sau giai đoạn thử nghiệm, nhờ những hiệu quả rõ ràng hệ thống đem lại, daotao.ai đã được Chính phủ chính thức cho phép triển khai trên toàn quốc trong hỗ trợ Đề án 06. Tính đến thời điểm hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Bộ Công an đã triển khai các khóa học về An toàn thông tin cho 50 tỉnh/thành phố, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Nhận xét về khóa học bồi dưỡng, tập huấn online về An toàn thông tin thuộc Đề án 06/CP tại tỉnh Nghệ An, TS. Phạm Huy Hoàng- Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Giải pháp Chuyển đổi số trong Giáo dục (EdTech) – đặc biệt ấn tượng về sự quyết liệt triển khai, xác định “học để hành” ngay và luôn trong công việc của toàn thể cán bộ lãnh đạo và công chức tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An giao ban hàng ngày, cập nhật tình hình lớp học. Các lớp học được chia thành từng tổ, có tổ trưởng quán xuyến, triển khai, giám sát nội dung tập huấn…
“Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của người học qua email, tin nhắn… chia sẻ về tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm của các cán bộ kỹ thuật, giảng viên Bách khoa Hà Nội, tính hiệu quả, có ích của lớp học… Vừa học, mọi người ứng dụng ngay trong công việc, góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án quốc gia về chuyển đổi số. Các học viên đều mong muốn được tham gia các lớp học tiếp theo của Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi rất vui khi nhận được những phản hồi này và cũng học được nhiều điều từ cách thức tổ chức lớp học của Nghệ An - Lớp học đông nhưng vẫn hiệu quả” – TS. Phạm Huy Hoàng chia sẻ.
Thời gian tới, cùng Bộ Công an, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các khóa học tại các tỉnh/thành còn lại và các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức các Bộ/Ngành; cùng đó, tổ chức thêm các khóa học mới đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức về an toàn thông tin cho cán bộ, người dân.
Nền tảng daotao.ai hiện đang được sử dụng để triển khai các lớp học cho sinh viên tại Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội, đặc biệt triển khai ở các lớp thi cuối kỳ.
Lời cảm ơn từ lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An chính là nguồn động viên, cổ vũ các thầy/cô giáo Đại học Bách khoa Hà Nội có thêm nhiều đổi mới, sáng tạo khi triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao phó - khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc để nâng cao kiến thức hỗ trợ triển khai Đề án 06 cho cán bộ, viên chức, giảm chi phí đào tạo truyền thống.
Những đóng góp của Đại học Bách khoa Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước nói chung, cho Đề án 06 của Chính phủ nói riêng chính là cam kết trách nhiệm xã hội cao nhất của Nhà trường: Đột phá - Đổi mới - Sáng tạo để cùng giải quyết những bài toán khó của Việt Nam và thế giới.