Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 24/07/2023 05:15
“Tôi rất vinh dự được đến thăm một trong những đại học danh tiếng nhất về khoa học và công nghệ tại Việt Nam”, Nghị sỹ Quốc hội Park Byung Sik, Trưởng đoàn Nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc phát biểu trong chuyến thăm Đại học Bách Khoa Hà Nội vào ngày 24/7.
Trong chuyến làm việc của Đoàn Nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các Nghị sỹ Quốc hội, Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc và Ban lãnh đạo Văn phòng KOICA Việt Nam (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc) đã cùng đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội trao đổi về những dự án đã hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tại buổi gặp gỡ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc đại học cho biết hợp tác quốc tế và doanh nghiệp sẽ tập hợp sức mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của Bách khoa Hà Nội. “Chúng tôi tự hào khi có cơ hội thực hiện nhiều dự án cùng đại học, doanh nghiệp Hàn Quốc với hỗ trợ của KOICA. Những hợp tác này tạo động lực cho nghiên cứu đại học và đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp ở cả 2 quốc gia.”
Tổng thống Yoon Suk Yeol từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác số và hợp tác khoa học công nghệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam tháng 6 năm nay, Bách khoa Hà Nội đã có nhiều buổi gặp gỡ và ký kết hợp tác với các đại học và doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như tập đoàn công nghệ NAVER, công ty LG Innoteks,...
Nghị sỹ Quốc hội Park Byung Sik cũng cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai chương trình Đối tác tương lai trong Nghiên cứu phát triển và Đổi mới sáng tạo với tổng số tiền tài trợ lên tới 30 triệu đô trong 10 năm. Ông bày tỏ mong muốn Bách khoa Hà Nội sẽ quan tâm và phối hợp triển khai dự án tại Việt Nam.
4 dự án hợp tác nghiên cứu thành công của Trường Hóa và Khoa học sự sống, Trường Vật liệu, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông và các đối tác Hàn Quốc được trình bày tại buổi làm việc.
Trong báo cáo Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam, GS. Huỳnh Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Vật liệu chia sẻ nội dung của dự án bao gồm thành lập Phòng thí nghiệm tái chế chất thải, đào tạo tại chỗ và tổ chức nhóm nghiên cứu chung về tái chế chất thải điện tử.
Ông cho rằng, việc quản lý chất thải điện tử phù hợp sẽ chuyển đổi nguyên liệu này trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Dự án được KOICA tài trợ từ năm 2014-2016 với mục tiêu thành lập Trung tâm nghiên cứu tái chế chất thải. 3 tiến sỹ và 9 thạc sỹ được tham gia nghiên cứu và đào tạo trong quá trình thực hiện dự án.
Một hợp tác thành công giữa Đại học Bách khoa Hà Nội, công ty DuduIT và KOICA có thể kể đến dự án về An toàn không gian mạng được thực hiện từ năm 2019-2021. Mục tiêu của dự án là đào tạo và nâng cao hiểu biết về An toàn không gian mạng cho gần 500 sinh viên và cán bộ nhà nước tại Việt Nam.
“Điều tâm đắc nhất là sự lan tỏa sau khi dự án kết thúc”, TS. Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn An ninh Thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông khẳng định. Trên cơ sở dự án, nhà trường đã xây dựng 1 chương trình cử nhân về đào tạo An toàn không gian số và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021. Cuối năm nay, sự kiện Trường đông (Winter school) về An toàn thông tin cũng được dự kiến tổ chức với mục tiêu hình thành văn hóa bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng cho người dân Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn NAVER Hàn quốc cùng Trường CNTT&TT thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế và một không gian đào tạo về Trí tuệ nhân tạo được đặt tại khuôn viên trường. Đây được nhận định là trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đầu năm 2023, Trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng Nanocellulose được thành lập tại Bách khoa Hà Nội với sự hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội, công ty CelluFab và sự hỗ trợ của KOICA. Giám đốc công ty CelluFab khẳng định hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội là ví dụ điển hình trong việc phát triển công nghệ xanh tiên tiến, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường, giảm phát thải cacbon mang tính toàn cầu.
PGS. La Thế Vinh, Phó hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống cho biết dự án sẽ tập trung ứng dụng sản xuất bê-tông và các loại vật liệu xây dựng khác sử dụng phụ gia là nanocellulose từ bã mía – phế phụ phẩm nông nghiệp của sản xuất mía đường. Công nghệ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra thị trường mới có các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó giảm thiểu đáng kể hiệu ứng nhà kính.
Cũng tại buổi làm việc, GS. Nguyễn Đức Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Vật liệu chia sẻ nội dung về dự án Tăng cường năng lực trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến cho Đại học Bách khoa Hà Nội – Việt Nam. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về Vật liệu tiên tiến và công nghiệp bán dẫn, từ đó hình thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc cả nước về sản xuất vi mạch IC. Ông cho biết, Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam có chương trình đào tạo về sản xuất vi mạch.
Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có khoảng 100 cán bộ giảng dạy từng được đào tạo tại Hàn Quốc. Cùng với mối quan hệ bền chặt và sự quan tâm của 2 Chính phủ đối với khoa học công nghệ, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thể hiện sự tin tưởng vào những tiềm năng hợp tác và phát triển sắp tới của hai quốc gia trong đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.