Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 18/12/2023 05:21
Trong 2 ngày 14 - 15/12/2023, Hội thảo quốc tế ICPT.HUST 2023 với chủ đề “Nguồn lực con người cho phát triển bền vững” đã diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự Hội thảo, về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có các đồng chí: Đoàn Văn Báu - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị; Phạm Đức Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục.
Về phía Hội đồng Lý luận Trung ương có GS. Trần Văn Phòng - Thành viên Hội đồng.
Về phía nhà tổ chức - Đại học Bách khoa Hà Nội có PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc đại học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cùng đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác đối ngoại, khoa Lý luận chính trị, khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, khoa Ngoại ngữ.
ICPT.HUST 2023 nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam và đại diện các nước có sinh viên quốc tế học tập tại Bách khoa Hà Nội, như: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội đồng Anh (British Council), Đại sứ quán Mozambique tại Việt Nam.
Sau 4 tháng triển khai, Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia quản lý đến từ các quốc gia có nền kinh tế lớn của châu Á (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), cũng như các quốc gia có nền công nghiệp phát triển tại châu Âu (như Italia, Nga, Slovakia).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh: Tầm nhìn và sứ mệnh của Đại học Bách khoa Hà Nội là trở thành đại học có thứ hạng cao tại châu Á và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững. Để có những nghiên cứu chuyên sâu và sự thảo luận rộng rãi, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế ICPT.HUST 2023 với sự chấp thuận của Bộ GD&ĐT.
Hội thảo thu hút hơn 100 bài viết của các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng với đó là hơn 1,200 lượt theo dõi trực tuyến trong các phiên chính thức với 3 chuyên đề: Chiến lược và chính sách đào tạo nhân lực cho phát triển bền vững; Kinh nghiệm quốc tế đối với phát triển nhân lực trình độ cao và phát triển bền vững; Định hướng và giải pháp cho đào tạo nhân lực và phát triển bền vững đối với Việt Nam.
Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự, trao đổi tại Hội thảo
Các nghiên cứu và trao đổi tại Hội thảo đã đưa ra những gợi ý về: Chính sách công cho sự phát triển bền vững; Phát triển nhân lực cho các ngành công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0; Đào tạo ngôn ngữ Anh đáp ứng tiêu chuẩn lao động toàn cầu.
Đồng thời, nhiều kinh nghiệm quốc tế hữu ích cũng đã được chia sẻ bởi các học giả quốc tế. Bên cạnh đó, đã có nhiều bài viết đưa ra định hướng và giải pháp hữu ích cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, gắn kết phát triển nhân lực với văn hóa và các giá trị văn minh.
Đặc biệt, từ góc nhìn quốc tế, đã có những đánh giá hết sức tích cực về mô hình kinh tế và những thành tựu của Việt Nam đã đạt được. Đó là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước đáng phát triển, để kiến tạo nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thế giới ngày nay.
Sau 2 ngày làm việc, ICPT.HUST 2023 đã thành công tốt đẹp, tạo nên diễn đàn trao đổi rộng mở với góc nhìn đa dạng từ phía cơ quan Chính phủ và từ phía giới học giả, từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn cụ thể của Việt Nam. Bên cạnh đó, điểm nhấn thành công là tạo nên những ấn tượng tốt đẹp về văn hóa, con người, mở ra sự kết nối và hợp tác trong tương lai.
Hội thảo ICPT.HUST 2023 có ý nghĩa quan trọng, gắn với quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Cùng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh quan điểm “con người là trung tâm của phát triển bền vững”.