Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 29/07/2024 23:16
Ngày 19/5/2024, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra Nghị quyết thành lập Trường Kinh tế, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, trên cơ sở Viện Kinh tế và Quản lý. Hiệu trưởng Trường Kinh tế là PGS. Nguyễn Danh Nguyên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước thềm Lễ Công bố các Quyết định thành lập và bổ nhiệm chức vụ quản lý Trường Kinh tế (tổ chức ngày 2/8/2024), Trang thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với PGS. Nguyễn Danh Nguyên về mô hình, mục tiêu phát triển, thế mạnh, cơ hội của sinh viên Trường Kinh tế… cùng những ấp ủ, tâm huyết của vị Hiệu trưởng đầu tiên Trường Kinh tế để trong 3-5 năm tới, Trường sẽ có vị trí hàng đầu ở Việt Nam và khu vực về Kinh tế, Kinh doanh và Quản lý; nhóm ngành Kinh doanh và Khoa học Quản lý (Business and Management Studies) được xếp hạng trong các bảng xếp hạng về giáo dục đại học hàng đầu như THE, QS Ranking…
Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của PGS. Nguyễn Danh Nguyên trên cương vị Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm khác biệt của Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội với các trường kinh tế khác
- Từ Viện lên Trường, Trường Kinh tế có những thuận lợi và thách thức gì trong bước phát triển này, thưa thầy?
* Từ Viện Kinh tế và Quản lý lên Trường Kinh tế sẽ mang đến lợi thế lớn cho Trường Kinh tế khi được kế thừa sự phát triển theo đúng định hướng chiến lược của Đại học Bách khoa Hà Nội để trở thành một phần hữu cơ của một Đại học đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam. Trường Kinh tế sẽ được thừa hưởng lợi thế về thương hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như khả năng phát triển mở rộng để thu hút sự quan tâm của các bên liên quan tương đồng với các Trường khối kỹ thuật – công nghệ khác của Đại học.
Hơn nữa, mô hình Trường trong Đại học là mô hình quản trị tiên tiến, tương thích với các Đại học trên thế giới, do vậy việc mở rộng hợp tác tương xứng với các Trường ở lĩnh vực tương đương của các Đại học hàng đầu trên thế giới là rất phù hợp.
Thách thức lớn nhất trong tiến trình phát triển của Trường Kinh tế hiện nay đó chính là thách thức trong phát triển nguồn lực giảng viên. Trong khi lực lượng giảng viên các trường khoa học – công nghệ khác của Đại học Bách khoa Hà Nội khá dồi dào, thì số lượng giảng viên của Trường Kinh tế hiện nay là còn khiêm tốn so với nhu cầu đào tạo, nghiên cứu và phát triển.
Vì vậy, trong thời gian tới, ưu tiên phát triển của Trường là phải gia tăng nguồn lực giảng viên cả về lượng và chất nhất là lực lượng giảng viên có năng lực cấp quốc tế, mục tiêu đến năm 2030 đạt quy mô 100 giảng viên, và đến 2035 đạt quy mô 150 giảng viên.
- Thưa thầy, tại sao một “vế” là Quản lý – một phần của tên Viện trước đây – lại không có trong tên của Trường? Phải chăng sẽ không có yếu tố “quản lý” trong Trường Kinh tế?
* Tên trường được rút gọn là Trường Kinh tế cho phù hợp với cách nhìn nhận chung hiện nay của đại chúng khi mà thuật ngữ Kinh tế có tính bao hàm Quản lý. Cách gọi tên này ngắn gọn, đơn giản hơn, dễ được đại chúng chấp nhận hơn cả trong cách viết và cách nói.
Khi chuyển lên thành Trường Kinh tế, tất cả các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu của Trường tiếp tục kế thừa các CTĐT hiện nay nên chắc chắn Quản lý vẫn là một yếu tố sẵn có trong các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu của Trường Kinh tế.
Hơn nữa, tên Trường bằng tiếng Anh - School of Economics and Management - không thay đổi để đảm bảo sự kế thừa cũng như duy trì ổn định các mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, các hoạt động kiểm định quốc tế. Do vậy, hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường Kinh tế không bị hẹp đi. - Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có những ưu thế gì khi nằm trong một Đại học nòng cốt kỹ thuật công nghệ? Phải chăng đây chính là điểm khác biệt để phân biệt Trường với những trường đại học kinh tế khác?
* Trường Kinh tế có nhiều ưu thế khi là một thành viên của một Đại học công nghệ đa ngành hàng đầu ở Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây cũng chính là sự khác biệt của Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội với các trường đại học khối kinh tế khác.
Thứ nhất, Trường sẽ có nhiều cơ hội để triển khai hợp tác đa ngành kinh tế kết hợp với khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là với nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ mà Đại học Bách khoa Hà Nội có vị thế hàng đầu hiện nay. Đây chính là lợi thế mà các cơ sở giáo dục đại học về kinh tế, kinh doanh khác ở Việt Nam chưa chắc đã có được và cũng chính là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như của Trường Kinh tế.
Thứ hai, việc kết hợp liên ngành, liên lĩnh vực trong đó kỹ thuật công nghệ là nền tảng, kinh tế - quản trị là động lực, sẽ mang lại các lợi ích lớn hơn cho Trường Kinh tế và các Trường, Khoa, Viện về khoa học – công nghệ khác tại Đại học Bách khoa Hà Nội cùng phát triển từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp, với các trường đại học trong khu vực và thế giới.
Thứ ba, trở thành Trường Kinh tế cũng gia tăng cơ hội mở rộng hợp tác đối ngoại với các Trường trong cùng lĩnh vực của các Đại học hàng đầu trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng sự hợp tác với các doanh nghiệp, các đối tác.
Thứ tư, phát triển thành Trường Kinh tế thể hiện sự thay đổi về chất đối với Viện Kinh tế và Quản lý, được xã hội thừa nhận, mang đến hình ảnh thương hiệu rõ nét và rộng mở hơn trên “thị trường” để có thể thu hút người học có năng lực, thu hút lực lượng giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ trong nước và quốc tế tới làm việc và thu hút cả sự quan tâm lớn hơn của xã hội. Mô hình trường đại học gắn kết kinh tế và KHCN trong khu vực và trên thế giới
- Thầy có thể cho biết trên thế giới từng có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành Kinh tế gắn kết khoa học công nghệ không để ta có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển? Cách đây 3 năm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) trên cơ sở Viện CNTT&TT, tương tự như Trường Kinh tế thành lập trên cơ sở Viện Kinh tế và Quản lý. Vậy lãnh đạo Trường Kinh tế có tìm hiểu và học hỏi được gì bài học kinh nghiệm của lãnh đạo Trường CNTT&TT không?
* Trên thế giới có rất nhiều đại học mà ở đó hoạt động gắn kết giữa lĩnh vực kinh tế và khoa học – công nghệ trong đào tạo (và cả nghiên cứu) điển hình như đại học công nghệ Massachusett (MIT), đại học công nghệ Georgia (Goergia Tech) nổi tiếng ở Mỹ, các đại học kỹ thuật ở Đức như TU Berlin, TU Dresden, TU Munchen, hay các đại học hàng đầu ở châu Á như Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, hay ở châu Úc có Đại học Công nghệ Sydney.
Trường Kinh tế là trường thứ 6 được thành lập của Đại học Bách khoa Hà Nội, do vậy Trường đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của các Trường được thành lập trước của Đại học. Các kinh nghiệm này đã được các Trường chia sẻ trong nhiều hoạt động do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Những chia sẻ về sự phát triển trong việc tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời với việc thúc đẩy sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là những chia sẻ có giá trị từ các Trường khoa học, công nghệ, nhất là từ Trường CNTT&TT. Định hướng NCKH tích hợp KHCN của thầy – trò Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội
- Có ý kiến cho rằng hiện tại, các nghiên cứu đều mang tính liên ngành, không có sự kết hợp giữa các ngành không thể nghiên cứu khoa học, cho ra những sản phẩm hữu ích được. Thầy đánh giá gì về nhận định này và điều đó có ý nghĩa gì không với việc thành lập Trường Kinh tế trong lòng Đại học Bách khoa Hà Nội? Trường Kinh tế sẽ có gì gắn kết với 4 trụ cột định hướng nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội là Hệ thống và thiết bị thông minh; Năng lượng và Môi trường bền vững; Y tế chăm sóc sức khỏe và Khoa học vật liệu?
* Đúng vậy. Xu thế của các hoạt động hiện nay không chỉ về nghiên cứu, mà cả trong đào tạo đều sẽ được thực hiện hiệu quả và tác động lớn hơn trong bối cảnh liên kết đa ngành, đa lĩnh vực. Các sản phẩm là kết quả của nghiên cứu đa ngành chắc chắn sẽ hữu ích và hiệu quả hơn.
Điều này là vô cùng ý nghĩa nếu Trường Kinh tế và các Trường kỹ thuật công nghệ, hay các Khoa, Viện khoa học, công nghệ khác của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tích hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực. Đó cũng chính là một trong những lý do phát triển thành Trường Kinh tế từ Viện trước đây.
Trường Kinh tế đã, đang và sẽ gia tăng nhiều sự kết hợp trong các hoạt động nghiên cứu với các đơn vị khoa học công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như triển khai các hoạt động nghiên cứu theo 4 trụ cột nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, như:
+ Nghiên cứu theo định hướng Phân tích dữ liệu kinh doanh, Fintech, Tài chính định lượng, Quản lý Nhà máy thông minh tích hợp vào định hướng Công nghệ dữ liệu và Hệ thống thông minh – phối hợp cùng với Viện Công nghệ và Kinh tế số, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Toán - Tin.
+ Nghiên cứu theo định hướng Quản lý năng lượng và Phát triển bền vững, Tài chính xanh tích hợp vào định hướng Năng lượng và Môi trường bền vững - phối hợp cùng với Trường Điện - Điện từ, Trường Cơ khí, Trường Vật liệu.
+ Nghiên cứu theo định hướng Quản lý Chuỗi cung ứng Xanh tích hợp vào định hướng Khoa học và Công nghệ Sức khỏe - phối hợp với Trường Hóa và Khoa học sự sống, Trường Cơ khí.
+ Nghiên cứu theo định hướng Quản lý vận hành, Quản lý Chuỗi cung ứng cho các Doanh nghiệp nhóm linh kiện điện tử, bán dẫn tích hợp vào định hướng phục vụ cho ngành sản xuất chip với Trường Vật liệu, Trường Điện – Điện tử. - Từ góc nhìn của người thụ hưởng là sinh viên, doanh nghiệp, với việc thành lập Trường Kinh tế, cơ hội việc làm của các sinh viên sẽ như thế nào so với việc các em được đào tạo tại Viện Kinh tế và Quản lý trước đây? Chất lượng đào tạo có được nâng cao hơn để cung cấp cho doanh nghiệp những cử nhân có thể làm việc ngay, hội nhập ngay, thưa thầy?
* Theo Đề án Tuyển sinh năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2023 của lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý khá cao - 95,36%, trong đó, ngành Tài chính – Ngân hàng đạt tỷ lệ 100%, ngành Kế toán 97,56%...
Việc thành lập Trường Kinh tế thể hiện sự phát triển về chất trong tiến trình phát triển của lĩnh vực Kinh tế và Quản lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường có một vị thế và hình ảnh mới trong Đại học, vì vậy các bạn sinh viên hay người học được hưởng lợi từ điều này. Thời gian tới, Trường Kinh tế sẽ phát triển phòng thực hành Mô phỏng Logistics và Quản trị Chuỗi cung ứng, phòng thực hành mô phỏng Thị trường tài chính…, sinh viên sẽ được thực hành sát với thực tế, không bỡ ngỡ khi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trong 3-5 năm tới, Trường Kinh tế sẽ phấn đấu để phát triển trở thành một trường đào tạo và nghiên cứu về Kinh tế, Kinh doanh và Quản lý hàng đầu ở Việt Nam và khu vực. Trường sẽ ưu tiên thu hút, tuyển dụng nhiều học giả trong nước và quốc tế đến tham gia thường xuyên hơn vào các hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu, đồng thời xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu chất lượng cao thu hút các sinh viên giỏi, từ đó thúc đẩy việc trở thành một trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu tiếp theo của Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp hạng trong các bảng xếp hạng về giáo dục đại học hàng đầu, như: THE, QS Ranking…, đóng góp chung cho sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội trên bản đồ giáo dục Việt Nam và thế giới.
Trường Kinh tế hiện nay (cũng như Viện Kinh tế và Quản lý trước đây) đã, đang và sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên nhiều hơn trong đầu tư cả về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ… để từ đó có thể nâng cao hơn nữa năng lực cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và hoàn toàn có thể làm việc ngay, hội nhập sâu với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
“TẬP THỂ TRƯỜNG KINH TẾ ĐOÀN KẾT, VƯỢT QUA MỌI THÁCH THỨC!”
“Việc phát triển lên thành Trường Kinh tế để trở thành một đơn vị đào tạo nghiên cứu đáp ứng sự kỳ vọng của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như của người học, của doanh nghiệp chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn với Ban Giám hiệu cũng như cá nhân tôi với cương vị là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Kinh tế.
Chúng tôi đều ý thức rằng việc đoàn kết để tập hợp sức mạnh của toàn bộ đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường là yếu tố then chốt để vượt qua mọi thách thức trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Cùng đó, chúng tôi sẽ xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp để có thể tận dụng cơ hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh là một đơn vị khác biệt với các trường khoa học công nghệ thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.”
PGS. Nguyễn Danh Nguyên – Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội