2 tân kỹ sư Bách khoa Hà Nội kiên định nói KHÔNG với bỏ cuộc

Thứ hai - 20/05/2024 00:44
Ở Bách khoa Hà Nội không chỉ có những “thiên tài kỹ thuật”, “thợ săn học bổng” mà còn có những tấm gương sinh viên kiên cường và giàu nghị lực. Cùng tìm hiểu câu chuyện của 2 tân kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội nói không với bỏ cuộc: Nguyễn Minh Hùng – K63 Khoa Kỹ thuật Cơ điện tử, Trường Cơ khí và Ngô Thị Ngọc Ánh – K64 Khoa Dệt May, Trường Vật liệu.

Từ chàng sinh viên nợ môn đến kỹ sư được doanh nghiệp Nhật săn đón

Nguyễn Minh Hùng – K63 Khoa Kỹ thuật Cơ điện tử, Trường Cơ khí là 1 trong 9 sinh viên ưu tú của Bách khoa Hà Nội, vượt qua nhiều ứng viên để trở thành nhân viên chính thức của Tập đoàn Itoki (Nhật Bản); Hùng sẽ sang Nhật làm việc vào tháng 10 tới. Ít ai biết được, để có được kết quả đáng ngưỡng mộ như hiện tại, Minh Hùng đã từng trải qua khoảng thời gian “khủng hoảng” học tập.
 
487a574f6af4cbaa92e5
Nguyễn Minh Hùng (thứ hai từ phải qua) và các ứng viên trong buổi phỏng vấn với Tập đoàn Itoki
Ngược dòng thời gian về thời điểm đại dịch Covid – 19, cả nước phải thực hiện cách ly xã hội, hoạt động giảng dạy và học tập cũng chuyển đổi sang mô hình trực tuyến. Vốn đã quen với việc tiếp thu kiến thức và trao đổi với thầy cô trực tiếp trên giảng đường, học online khiến Minh Hùng khó thích nghi và không tìm ra phương pháp học đúng đắn. 

Lúc đó, cậu sinh viên năm 2 bắt đầu rơi vào tình trạng nợ môn, không tìm được hướng giải quyết. “Đang trong giai đoạn bế tắc, thì tôi đã được cô Đỗ Lan Anh – Điều phối hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý sinh viên, Ban Công tác Sinh viên – thêm vào nhóm tư vấn tại ứng dụng Teams”, Minh Hùng nhớ lại. 

Dưới sự tư vấn của các thầy/cô giáo tổ tư vấn, “bệnh” của Hùng nhanh chóng có “thuốc giải”. Các cô lắng nghe Minh Hùng để tìm hiểu cốt lõi vấn đề, xác định nguyên nhân thành tích của Hùng đi xuống là mất kết nối quan hệ với bạn bè, thầy cô, chưa bắt kịp với nhịp độ học tập online. Từ đó, các cô đưa ra phương pháp học tập đúng đắn cho từng môn học Hùng đang gặp khó, nhấn mạnh công thức “nợ môn nào trả luôn môn ấy” – học lại ngay trong kỳ kế tiếp để tránh quên kiến thức, không để nợ nần chồng chất, trả hết nợ môn cũ mới được đăng ký môn mới.

Cô Lan Anh chia sẻ: “Minh Hùng là một bạn có quan điểm, chính kiến riêng và cũng rất nhạy cảm, do đó cần có sự trao đổi khéo léo để Hùng hiểu ra vấn đề, hiểu được định hướng các cô đưa ra”. Trong những học kỳ sau, Hùng nhanh chóng đưa việc học quay trở lại quỹ đạo. Bằng sự quyết tâm và kiên trì không bỏ cuộc, cậu sinh viên nợ môn ngày nào giờ đã trở thành tân kỹ sư Bách khoa Hà Nội, tự tin sải bước vào hành trình mới tại Nhật Bản.
 
fe9624bccd7b6c25356a (1)
Nguyễn Minh Hùng trong Lễ tốt nghiệp đợt tháng 5/2024 vừa qua
Ngày nhận bằng tốt nghiệp, Minh Hùng không quên tới thăm và gửi lời chào tạm biệt tới các thầy cô đã giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn. “Biết ơn các cô trong Tổ tư vấn Sinh viên – những người đã luôn kiên nhẫn, lắng nghe, thấu hiểu sinh viên chúng em bằng cả trái tim. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng các cô đã truyền đạt cho chúng em rất nhiều bài học thực tiễn của cuộc sống. Quãng thời gian học tập dưới mái trường Bách khoa Hà Nội có thăng, có trầm, nhưng đó là những kỷ niệm mà em sẽ luôn trân trọng và cất giữ trong trái tim.” – Nguyễn Minh Hùng xúc động chia sẻ tại buổi gặp gỡ. 

Giải pháp… lạ khi điểm số tụt dốc không phanh

Ngô Thị Ngọc Ánh – K64 Khoa Dệt may, Trường Vật liệu là cộng tác viên đã đồng hành cùng Tổ tư vấn Sinh viên từ năm 2022. Không chỉ là “gương mặt thân quen”  với các bạn sinh viên trong các hoạt động tư vấn, Ngọc Ánh còn có kết quả học tập nổi trội. Trong hành trình 5 năm ở Bách khoa Hà Nội, cô sinh viên Thái Bình  đã ẵm nhiều thành tích như: Sinh viên 5 tốt cấp Đại học, 4 kỳ học bổng khuyến khích học tập, chinh phục thành công học bổng Vallet và “chốt sổ” tấm bằng kỹ sư loại Giỏi trước hạn 1 học kỳ. 
 
a516006f31d0908ec9c1
Ngô Thị Ngọc Ánh – K64 Khoa Dệt may, Trường Vật liệu nhận giải thưởng Sinh viên 5 tốt năm học 2022 - 2023
Vậy mà có thời điểm, cô sinh viên tài năng ấy từng chỉ đạt mức GPA… 1.93 – xếp loại trung bình trong quá trình học tại Bách khoa Hà Nội!

Năm nhất đại học, Ngô Thị Ngọc Ánh bị “đánh gục” bởi các môn đại cương khó nhằn, điểm số “tụt dốc không phanh”. Ngọc Ánh khi ấy chán nản vô cùng, thậm chí nơm nớp lo sợ bị ... đuổi học. Trong lúc tinh thần đang ở “vực thẳm”, một người bạn đã rủ Ánh tham gia ứng tuyển làm Cộng tác viên của tổ tư vấn, vừa để các cô hỗ trợ vướng mắc đang gặp phải, vừa học hỏi thêm từ chính các bạn đang có vấn đề tương tự.

Tham gia vào tổ, Ánh nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cô, được các cô tư vấn lộ trình cụ thể cải thiện kết quả học tập, giới thiệu những cuốn sách bổ trợ, những cuốn sách truyền động lực. Tinh thần của cô sinh viên non nớt ngày ấy đã được “chữa lành” bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu của những người mẹ trong tổ tư vấn.

“3 năm đồng hành cùng tổ, chưa một lần nào tôi thấy các cô cáu gắt”, sự bình tĩnh trong mọi tình huống của các cô chính là điều Ngọc Ánh luôn nể phục. Học hỏi từ các cô, Ngọc Ánh từ một người dễ xúc động, giờ đây cũng đã điềm đạm và trưởng thành hơn rất nhiều. 

Các cô đã truyền lửa cho Ngọc Ánh để trở thành một công tác viên tư vấn tâm lý sinh viên nhiệt huyết, truyền động lực để Ánh vượt qua giới hạn của bản thân để đạt được thành tích đáng tự hào. “Nếu không có sự sát cánh của cô Ánh Tuyết, cô Lan Anh, cô Hải Anh thì có lẽ sẽ không có Ngọc Ánh mạnh mẽ, tự tin như bây giờ”, Ngô Thị Ngọc Ánh khẳng định.
 
289de56bafd40e8a57c5
Ngô Thị Ngọc Ánh (mặc áo cử nhân) và các CTV nhận giấy khen từ Tổ tư vấn Sinh viên
Với Minh Hùng, Ngọc Ánh và nhiều bạn sinh viên Bách khoa Hà Nội, Tổ tư vấn Sinh viên là nơi “chữa lành”, giúp các bạn bỏ qua buồn lo, áp lực. Sự nhiệt tình, tâm huyết với nghề của những người “thầy thuốc trái tim” đã đưa tổ tư vấn đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, nơi mà sinh viên có thể tìm đến để chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ tận tâm. 

Theo đuổi triết lý cốt lõi “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học là trung tâm”, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang nỗ lực không ngừng để tạo ra một môi trường học tập và phát triển toàn diện cho sinh viên, không chỉ về khía cạnh học thuật mà còn chăm sóc, bồi dưỡng các sinh viên một tinh thần khỏe khoắn, tạo nên những kỹ sư, cử nhân kiên cường, nghị lực, dám đối diện và vượt qua thử thách cả trong học tập và cuộc sống hàng ngày. 
 

“Vấn để khó nhất trong quá trình tư vấn sinh viên là làm thế nào để các bạn mở lòng. Nhưng dù có khó khăn tới đâu, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng để sinh viên bỏ qua buồn lo, áp lực chứ nhất định không được bỏ cuộc”
Cô Phạm Ánh Tuyết – Điều phối hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý sinh viên, Tổ tư vấn Sinh viên, Ban CTSV, ĐHBK Hà Nội
 

Ảnh: NVCC

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây