Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 16/09/2024 05:40
Từ ngày 4 - 19/9, tân sinh viên K69 Bách khoa Hà Nội tham gia 10 buổi sinh hoạt định hướng đầu khóa do Ban Công tác sinh viên Đại học tổ chức. Mỗi sinh viên K69 tham gia học trực tiếp tại hội trường C2 trong 1 buổi theo lịch phân công, các buổi còn lại học trực tuyến trên nền tảng MS teams.
Tân sinh viên nói gì về những buổi học đầu tiên tại Bách khoa Hà Nội?
Trong không khí hào hứng khi bắt đầu hành trình mới tại Bách khoa Hà Nội, những buổi học định hướng là cầu nối giúp tân sinh viên có thể tiếp cận được với Nhà trường nhanh nhất, tránh những bối rối và bỡ ngỡ trong thời gian đầu.
Là sinh viên ngoại tỉnh, Nguyễn Đỗ Lan Hiền – ngành Kỹ thuật Y sinh, Trường Điện - Điện tử - khẳng định buổi học định hướng đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cô bạn trong cuộc sống xa nhà.
“Lần đầu sống xa gia đình nên em rất cần học cách quản lý chi tiêu, may mắn em đã được học những kiến thức này trong những buổi định hướng cuối.”. Lan Hiền và các tân sinh viên K69 đã được các thầy cô Bách khoa Hà Nội giới thiệu sổ tay sinh viên – cuốn “bí kíp” sinh tồn với tất tần tật các thông tin về Đại học, hướng dẫn lập kế hoạch học lập, cân đối chi tiêu, hướng dẫn tìm nhà trọ, tìm các công việc làm thêm cho sinh viên,...
Sinh viên Nguyễn Đỗ Lan Hiền gửi lời cảm ơn đến các thầy cô Bách khoa Hà Nội, các bạn trong CLB iCTSV đã hỗ trợ tân sinh viên từ check-in, xếp chỗ, lấy minh chứng hoạt động và đặc biệt đã tổ chức nên chương trình ý nghĩa, bổ ích, giúp K69 hòa nhập được với môi trường giảng đường còn nhiều mới mẻ.
Tân sinh viên Nguyễn Thanh Huyền - ngành Quản lý Giáo dục, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục – cho rằng những giờ học định hướng đã giúp cô thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận việc học tập.
“Trong buổi định hướng vừa qua, khi nhận được câu hỏi “Các bạn có sợ trượt môn không”? Em là một trong rất nhiều bạn đã trả lời là có. Nhưng cô giáo lại hỏi “Tại sao chưa học mà đã sợ?” – Câu hỏi đấy đã khiến em suy ngẫm rất lâu và nhận ra rằng nếu chưa học đã thấy sợ thì vô tình sẽ sinh ra tâm lý ám ảnh, không thể cố gắng hết sức được. Em đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bản thân, không còn cảm thật sợ học khó, sợ trượt môn nữa!”
Sinh viên Nguyễn Công Thành – ngành Khoa học máy tính, Trường CNTT&TT - bày tỏ bản thân đã có sự thay đổi lớn sau những giờ học đầu tiên tại đại học. Công Thành tự ý thức hơn về tinh thần học tập khi thấy các bạn cùng lớp, cùng khoa đều thể hiện sự quyết tâm lớn; cậu bạn cảm thấy vô cùng tự hào khi được học tập từ các giảng viên là GS, PGS, TS, chuyên gia đầu ngành,... và đặt mục tiêu phấn đấu trở thành người tài giỏi như thầy cô trong tương lai.
Một nội dung khác cũng chạm đến trái tim của cậu sinh viên, đó là video lịch sử Đại học với hình ảnh các CSV gác bút nghiên, khoác áo lính đi đánh giặc và những chia sẻ của PGS. Nguyễn Phong Điền về sứ mạng đóng góp cho đất nước của Nhà trường từ thời chiến cho tới thời bình. Công Thành tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt, pháthuy những giá trị tốt đẹp của các thế hệ người Bách khoa: Trách nhiệm, Sáng tạo, Chính trực, Xuất sắc.
Những chia sẻ của Lan Hiền, Thanh Huyền và Công Thành đã phần nào thể hiện sự thành công của tuần lễ định hướng sinh viên K69, giúp các “em út” hòa nhập hơn với môi trường mới. Có thể nói, việc giảng dạy những chuyên đề hay, sáng tạo môi trường giao lưu thân thiện, Đại học Bách khoa Hà Nội đã làm cho tuần định hướng tân sinh viên thực sự là tuần lễ gắn kết và sẻ chia.
9 vấn đề chính trong nội dung học tập của tân sinh viên:
1. Lịch sử, truyền thống, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Trường Đại học BKHN; Vai trò trách nhiệm của SV trong việc gìn giữ hình ảnh và truyền thống của các thế hệ sinh viên Bách Khoa Hà Nội;
2. Quy chế đào tạo (cách thức đánh giá điểm học tập, các ngưỡng cảnh báo học tập và giới hạn học tập khi sinh viên có kết quả học tập không tốt, ngưỡng buộc thôi học khi sinh viên có kết quả yếu, kém; Kế hoạch năm học (các mốc thời gian chính trong năm học như: kế hoạch học tập, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, thời gian đóng học phí);
3. Hoạt động Đoàn – Hội, phòng trào Đoàn viên sinh viên, các hoạt động ngoại khóa, khóa đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên
4. Quy chế công tác sinh viên (hồ sơ sinh viên, thủ tục hành chính, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật). Hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp giấy tờ hành chính cho sinh viên (giấy chứng nhận sinh viên, giấy giới thiệu sinh viên).
5. Công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng của sinh viên tại trường; Hoạt động rèn luyện trong trường Đại học; Thông tin về tình hình an ninh trật tự, tuân thủ Pháp luật, một số vấn đề tân sinh viên cần lưu ý liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, lừa đảo.
6. Phổ biến quy định về việc nộp học phí, xét cấp học bổng khuyến khích học tập, xét cấp học bổng tài trợ. Hướng dẫn làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học tập, vay vốn ngân hàng, phương pháp quản lý tài chính cá nhân.
7. Hướng dẫn sử dụng tài khoản Email và các hệ thống thông tin (MS teams, Yamer, eHUST) phục vụ hoạt động học tập. Hướng dẫn khai thác tài liệu và sử dụng dịch vụ thư viện; Hướng dẫn sử dụng các dịch vụ khác trong nhà trường.
8. Giới thiệu hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý cho sinh viên; trao đổi về kỹ năng quản bản thân và khả năng thích ứng với sự thay đổi môi trường học tập và sinh hoạt của tân sinh viên. Hệ thống cố vấn học tập cho sinh viên, công tác tổ chức lớp.