Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội sôi nổi tham dự Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019

Thứ ba - 26/11/2019 21:43

Với chủ đề “Di sản Văn hóa trong quá trình phát triển Du lịch” năm 2019, các hoạt động diễn ra từ ngày 21-26/11/2019 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhằm tôn vinh các giá trị của Di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận.

Sinh viên trường ĐHBKHN múa lửa trại giao lưu tối 22/11/2019 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam

Với mục đích khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảovệ Di sản đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên…Phòng Công tác Sinh viên phối hợp với Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường tổ chức cho Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội tham dự Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019.

Sinh viên K64 trường ĐHBKHN tham dự Lễ Tổng kết Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam 2019 tối 25/11/2019

     


 TS.Phạm Mạnh Hùng – Phó trưởng phòng CTSV và Phó Chủ tịch Hội sinh viên Nguyễn Mai Anh trường ĐHBKHN  chụp ảnh giao lưu cùng các Nghệ sĩ, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Lăk trong Lễ Khai mạc “Những sắc màu Văn hóa” vào tối 21/11/2019 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam

 

Nhiều đơn vị, tỉnh, thành phố tham gia và tổ chức thực hiện tại Triển lãm giới thiệu đến công chúng thủ đô và khách quốc tế về quá trình hình thành và phát triển Di sản văn hóa Việt Nam về lịch sử, giá trị, vẻ đẹp của Di sản gắn với cuộc sống con người Việt Nam…từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảovệ Di sản đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên… qua các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và tìm hiểu với nhiều chủ đề khác nhau: tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc, vẽ tranh về Việt nam quê hương em… tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập Quốc tế 2019, đêm hội “Những sắc màu văn hóa”…

“Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019” với trọng tâm là Triển lãm “Di sản văn hóa trong qua trình phát triển du lịch” năm 2019 là hoạt động ý nghĩa, kết nối các tỉnh, thành phố có Di sản văn hóa tham gia, thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 từ đó góp phần chung tay bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc.

 Ban tổ chức trao tặng giấy khen cho trường ĐHBKHN và các đơn vị đã đóng góp tích cực vào thành công “Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019”

 

Điểm nhấn và cũng là không gian cuốn hút tại Ngày hội là cuộc triển lãm ảnh được tổ chức quy mô, ấn tượng, nơi giới thiệu những giá trị của di sản văn hóa Việt Nam với các nội dung: “Du lịch qua những miền di sản”; “Thiên nhiên Việt Nam”; “Di sản Việt Nam 2019”. Gần 100 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam khắc họa một bức tranh tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam. Du khách trong nước và bạn bè quốc tế một lần nữa sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua những lát cắt sinh động của đời sống văn hóa các vùng miền, các lễ hội độc nhất vô nhị, những danh lam thắng cảnh say lòng người…

Triển lãm cũng trưng bày 100 bức ảnh được lựa chọn từ 3.075 tác phẩm của trên 400 tác giả tham dự thi cuộc thi ảnh về di sản năm 2019 nhằm tìm kiếm những tác phẩm và câu chuyện bằng hình ảnh về thiên nhiên, đời sống, văn hóa, di sản... Những “hình ảnh biết nói” tiếp tục kêu gọi sự chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng, của những người yêu nhiếp ảnh và lớp trẻ đối với đề tài di sản thiên nhiên, văn hóa Việt Nam.

Khu trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giới thiệu một số hình ảnh về thiên nhiên Việt Nam, tiêu biểu là thế giới côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú do nhiếp ảnh gia Saulo Bambi của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia và PGS. TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ghi lại được ở Việt Nam hơn 10 năm qua. Bên cạnh các hình ảnh macro sinh động về côn trùng, một số mẫu vật về địa chất, cổ sinh, động vật, côn trùng, những hợp phần không thể thiếu được trong thế giới tự nhiên cũng được giới thiệu ở đây.

Song song với không gian trưng bày chung về bức tranh di sản văn hóa đầy cuốn hút, nhiều tỉnh, thành phố cũng bài trí các không gian riêng theo chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch”. Từng thông điệp được các địa phương mang đến ngày hội sẽ cùng góp phần làm nổi bật các giá trị di sản tiêu biểu, những điểm đến được du khách yêu thích. Bên cạnh đó là những chia sẻ về cách khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, trong quá trình phát triển du lịch, vấn đề bảo vệ di sản trong phát triển du lịch. Thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống tại khu trưng bày, giao lưu cùng các nghệ nhân đến từ các bản làng xa xôi, các tỉnh, thành phố cũng sẽ giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương…

Tiêu biểu cho những lát cắt văn hóa sinh động hiện diện trong ngày hội này có thể kể đến nghi lễ then của người Tày Cao Bằng; “Hành trình đến vùng kinh đô Huế”; “Đắk Lắk vùng đất huyền thoại”; “Gia Lai - di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch”; Khu Di tích lịch sử đặc biệt Lam Kinh và di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ trong không gian di sản của tỉnh Thanh Hóa; TP Hồ Chí Minh giới thiệu di sản kiến trúc đặc sắc gắn với quá trình phát triển của thành phố hơn 320 năm tuổi qua nội dung trưng bày “Di tích kiến trúc - nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, điểm đến hấp dẫn du khách”...

Triển lãm “Di sản văn hóa, Du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam” cũng là một nội dung trọng tâm được giới thiệu tại triển lãm này. Triển lãm trưng bày, giới thiệu, tôn vinh 33 nghề được trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia về thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ du lịch như: đồng Đại Bái, chạm bạc Đồng Xâm; gốm Bát Tràng, Giang Cao, Chu Đậu; sơn son thếp vàng Sơn Đồng; gỗ mỹ nghệ Đại Nghiệp, Thượng Mạo; trang phục cung đình Huế; tranh dân gian Đông Hồ; mỹ nghệ dát vàng Kiêu Kỵ; thêu Quất Động; sơn mài Cát Đằng; tre hun Xuân Lai, mây tre đan Phú Vinh; khảm trai Chuôn Ngọ… Tại khu vực ngoài trời sẽ trưng bày không gian tranh kính nghệ thuật, không gian diều Huế và đèn lồng Hội An.

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động cuốn hút khác như khu trưng bày “Nét văn hóa trà Việt” và “Nghệ thuật ẩm thực vùng miền”; tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập Quốc tế 2019”, chủ đề hữu ích cho các làng nghề truyền thống trong công cuộc hội nhập quốc tế. Cùng với tọa đàm là lễ ký kết các điểm du lịch kết nối giữa các làng nghề, nghệ nhân tại Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Huế.

Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019 cũng là mảng không gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, với những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh như: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ, hát Then cổ, diễn xướng dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng.

Cùng với các chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống còn diễn ra các đêm giao lưu: “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc Tây Nguyên” và Giao lưu nhóm nhạc sinh viên chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam”, cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam quê hương em”.

 Kết thúc Chương trình “Lung linh Việt nam” bế mạc “Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam năm 2019” cô trò trường ĐHBKHN chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện BTC

 

                                                                                       Phòng Công tác Sinh viên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây