Bách khoa Hà Nội thúc đẩy phát triển bền vững qua hoạt động hợp tác đối ngoại

Thứ năm - 26/10/2023 06:40
Phó Giám đốc đại học PGS. Huỳnh Đăng Chính trao đổi với đại diện dự án GREENUS
Phó Giám đốc đại học PGS. Huỳnh Đăng Chính trao đổi với đại diện dự án GREENUS
“Hợp tác đối ngoại sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của Trường trong nhiệm kỳ này”, PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống khẳng định sau thành công của dự án GREENUS trong khuôn khổ chương trình Eramus+.

Dự án GREENUS (GREEN waste management new Education System for recycling and Environmental protection in Asia – Hệ Thống giáo dục mới về quản lý tái chế rác thải và bảo vệ môi trường tại Châu Á) được thực hiện trong vòng 3 năm từ 1/2021-1/2024, gồm 3 trường châu Âu và 3 trường Việt Nam: Đại học Sapienza Roma (Cộng hòa Ý) – Trường điều phối Dự án; Đại học Jagiellonian (Ba Lan), Đại học Địa Trung Hải Hy Lạp (Hy Lạp), Trường ĐHBK Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Dự án GREENUS nằm trong khuôn khổ chương trình Erasmus+ hợp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học do Ủy ban châu Âu tài trợ thông qua tổ chức Văn hóa Giáo dục EACEA. Ngày 23/10 vừa qua, Hội thảo tổng kết dự án vừa diễn ra tại Đại học Cần Thơ. Trước đó, các Hội thảo tổng kết cũng được diễn ra tại ĐHBK Hà Nội và ĐHBK TP. Hồ Chí Minh lần lượt vào ngày 12/10 và ngày 21/10.
 
20231012 CBO 7450
Đại diện trường châu Âu tham dự hội thảo tổng kết tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Dự án có 4 mục tiêu: Một là, hoàn thiện 6 môn học về quản lý, tái chế rác thải và chính sách xanh bảo vệ môi trường theo chuẩn châu Âu và dựa trên khảo sát đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường Việt Nam và Myanmar; hai là, đưa 6 môn học này vào giảng dạy tại 3 trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam; ba là, thiết lập các phòng thí nghiệm chung do Dự án GREENUS tài trợ tại các trường thành viên Việt Nam; bốn là, hỗ trợ nâng cao nhận thức của cán bộ, sinh viên và công đồng về tầm quan trong của phân loại và hạn chế rác thải, đặc biệt trong môi trường giáo dục.

Sau Dự án GREENUS mang lại nhiều kết quả ý nghĩa. Việc hoàn thiện các môn học về tái chế, quản lý rác thải và bảo vệ môi trường đã góp phần làm tiền đề để Khoa Công nghệ Môi trường – Trường Hóa và KHSS xây dựng một chương trình đào tạo tiên tiến hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong đó, 4 môn đã được đưa vào giảng dạy bậc đại học và 2 môn đã được lồng ghép vào chương trình thạc sĩ.

Các bài giảng và tài liệu môn học được các đồng nghiệp từ châu Âu hỗ trợ biên soạn và hoàn thiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các giảng viên Bách khoa Hà Nội tham gia thiết kế đề cương và bài giảng chi tiết cùng với nhóm chuyên môn từ các trường trong dự án, nhờ vậy các bên có nhiều cơ hội trao đổi học thuật và kiến thức chuyên môn từ những ngày đầu lên ý tưởng đề cương môn học.

Bên cạnh đó, Phòng Thí nghiệm thực hành “Từ chất thải đến Năng lượng” được dự án đầu tư và lắp đặt tại Khoa Công nghệ Môi trường. Dự án hỗ trợ trang bị những thiết bị thực hành thí nghiệm cơ bản, giúp minh họa cac bài giảng một cách thực tế, dễ hiểu hơn. Phòng thí nghiệm GREENUS được đặt tại tầng 3 tòa nhà C10 đã hỗ trợ nhiều cho công tác sinh viên nghiên cứu khoa học.

Nhờ có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, một nhóm sinh viên dành được giải Nhì nghiên cứu khoa học toàn trường. Nhiều sinh viên cũng tốt nghiệm thuận lợi nhờ hoàn thành các thí nghiệm đồ án tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm GREENUS.
 
20231012 CBO 7480
PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học Sự sống, chia sẻ kết quả dự án
Theo PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (KH&CN Môi trường), nay là Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học Sự sống, dự án giúp tăng cường hoạt động quốc tế hóa và trao đổi cán bộ, sinh viên ngành Môi trường, đồng thời hỗ trợ quảng bá Khoa Công nghệ Môi trường nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung đến với bạn bè, đối tác trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ dự án, 2 hội thảo bàn tròn về quản lý rác thải và công nghệ xanh đã được tổ chức tại Bách khoa Hà Nội với sự tham gia của các đại diện từ giới học thuật, công nghiệp và quản lý chính sách công… cùng với các tổ chức Phi chính phủ đang hoạt động trong các lĩnh vực về môi trường tại Việt Nam, Ý, Ba Lan và Hy Lạp. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, thu hút hàng trăm chuyên gia tham gia.

Nhiều cán bộ các bên tham gia hoạt động trao đổi học thuật thông qua các hội thảo khoa học, seminar của dự án. Đặc biệt, 4 sinh viên đại học và 2 nghiên cứu sinh của Khoa Công nghệ Môi trường đã được cấp học bổng sang trao đổi thực tập 3 tuần tại các nước thành viên châu Âu. “Đây là một cơ hội lớn cho các sinh viên, học viên và cũng là kết quả nỗ lực đẩy mạnh công tác quốc tế hóa đào tạo, nghiên cứu của Khoa Công nghệ Môi trường”, PGS. Ánh Tuyết khẳng định.
 
20231012 CBO 7397
Chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo tổng kết GREENUS
Trong chuỗi các hoạt động của GREENUS, dự án thí điểm xây dựng ECO-CAMPUS của nhóm sinh viên tình nguyện (GREENUS Action Team) cũng để lại nhiều kết quả ấn tượng.

Các sinh viên được phối hợp cùng Ban điều phối dự án GRENUS xây dựng kế hoạch hành động để truyền thông, nâng cao nhận thức của sinh viên, cán bộ giảng viên và xã hội về tầm quan trọng của phân loại rác thải và bảo vệ môi trường. Nhóm đã đóng vai trò hạt nhân chính trong các hoạt động của gian hàng “Góc Môi trường” tại sự kiện Ngày hội Gia đình Bách khoa năm 2022 và tổ chức thành công sự kiện Classification Day nhân kỷ niêm ngày thế giới chống lại rác thải nhựa vào ngày 05/06/2023.

Sáng kiến triển khai ECO-CAMPUS và lắp đặt các thùng rác phân loại của Dự án GREENUS tại HUST đã được Đại học gửi đi tham dự Giải thưởng GREEN Gown Award 2023, giúp Bách khoa Hà Nội lọt vào danh sách chung kết của giải thưởng “Sustainability Institution Of The Year”.

ĐHBK Hà Nội đang thực hiện mạnh mẽ đổi mới mô hình tổ chức với những hoạt động tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Dự án Greenus là một trong những dự án đã đạt được những kết quả ý nghĩa đóng góp vào các hoạt động triển khai chuyển đổi xanh của Nhà trường, góp phần giúp Đại học từng bước thực hiện thành công chiến lược phát triển đến 2025. Các hoạt động của Dự án cũng phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Đại học và góp phần không nhỏ vào mục tiêu Net Zero by 2050 của Việt Nam và Thế Giới.

Chia sẻ về những bước phát triển tiếp theo của Trường Hóa và KHSS, Phó Hiệu trưởng Trường cho biết Trường sẽ phát huy tối đa các thế mạnh và thành tựu về đào tạo, NCKH, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác đối ngoại mà cả các đơn vị đã dày công xây dựng trong những năm qua, cũng như tập trung phát huy sức mạnh cộng hưởng từ nguồn nhân lực của Trường với 225 cán bộ - đây là nguồn lực vô cùng to lớn và là động lực then chốt cho sự phát triển của Trường.

“Hợp tác đối ngoại sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của Trường trong nhiệm kỳ này”, PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết khẳng định. Trong thời gian tới, Trường sẽ tăng cường hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên thế giới thông qua các dự án đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực về con người và cơ sở vật chất, đồng thời hỗ trợ tích cực cho đào tạo sinh viên khối ELITECH, hướng tới môi trường quốc tế hóa tại Trường Hóa và Khoa học sự sống và Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
20231012 CBO 7415
20231012 CBO 7432
20231012 CBO 7458
20231012 CBO 7545
20231012 CBO 7538
20231012 CBO 7557
   
 
Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây