Cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội: Đi một ngày đàng, học một sàng kinh nghiệm

Thứ tư - 02/08/2023 05:51
TS. Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư Thường trực điều hành Đảng ủy đại học và các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội tại buổi tập huấn
TS. Bùi Đức Hùng - Phó Bí thư Thường trực điều hành Đảng ủy đại học và các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội tại buổi tập huấn
Hôm nay (2/8/2023), tại Học viện Viettel, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khóa tập huấn cán bộ quản lý năm 2023, đáp ứng yêu cầu phát triển cán bộ quản lý trong giai đoạn chuyển đổi mô hình đại học, chuyển đổi số và quốc tế hóa của Nhà trường.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đào tạo thường niên dành cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng.

Khóa đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 gồm 6 chuyên đề, diễn ra trong các ngày 13-14/7; 2-4/8/2023 tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Viettel, theo các hình thức thuyết trình, hội thảo, tọa đàm.

Trong 2  ngày tập huấn tại Học viện Viettel, các cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ lắng nghe các diễn giả thuyết trình, trao đổi cởi mở về các chuyên đề: Chiến lược phát triển và mở rộng thị trường ở nước ngoài, bài học kinh nghiệm của Viettel; Quốc tế hóa giáo dục đại học; Mô hình đại học số…
4
Diễn giả - TS. Nguyễn Thành Nam
Diễn giả - doanh nhân – nhà khoa học có mối quan hệ đặc biệt với Bách khoa

BTC lớp học đã mời TS. Nguyễn Thành Nam – Tập đoàn FPT trình bày chuyên đề về mô hình đại học số trước các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội dành thời gian trân trọng giới thiệu TS. Nguyễn Thành Nam trước các đồng nghiệp. Có thể coi ông Nguyễn Thành Nam là một người có dòng máu Bách khoa khi cha mẹ ông đều là CSV Bách khoa khóa 1, ông Thành Nam còn là rể Bách khoa!

TS. Nguyễn Thành Nam sinh năm 1961 tại Nam Định. Ông là cựu học sinh Khối chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên khóa 11 (1976 - 1979). Năm 1988, ông bảo vệ luận án tiến sĩ Toán tại Trường ĐH Lomonosov, Liên Xô.

Về nước, ngày 13/9/1988, ông Thành Nam gia nhập FPT, trở thành 1 trong 13 nhà sáng lập của FPT giai đoạn đó.Từ 1988 đến 2005, ông giữ nhiều vị trí ở FPT.

Từ tháng 2009 - 2011, ông Nguyễn Thành Nam giữ chức Tổng giám đốc FPT.

Hiện tại ông Nguyễn Thành Nam là Cố vấn Sáng tạo của Tập đoàn FPT đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT.

Năm 2013, ông khởi xướng dự án FUNiX - một đại học số 3 không: Không giảng đường, không thầy giáo, không sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, ông Thành Nam rất ham thích lịch sử, ông đang giảng dạy Lịch sử Việt Nam hiện đại và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh cho SV Trường VinUni.
 
1
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại buổi tập huấn
“TS. Nguyễn Thành Nam có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong và ngoài nước, được đào tạo bài bản, ôm hoài bão thời đó là xuất khẩu phần mềm, mang dấu chân người Việt ra nước ngoài trong lĩnh vực CNTT, sau đó tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học và bây giờ là mở ra ĐH số.
 
Chúng tôi hy vọng TS. Nguyễn Thành Nam sẽ chia sẻ cho các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội những hình dung về mô hình đại học số, cần phải như thế nào để đại học số giúp lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực khác phát triển hơn; bên cạnh CNTT, cần những tác nhân nào tham gia vào đại học số hay chỉ cần hệ thống MOOC (nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở) là đủ…” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng “đặt hàng” diễn giả Nguyễn Thành Nam trước buổi thuyết trình.

Bài thuyết trình của TS. Nguyễn Thành Nam rất đặc biệt, ông nói “vo”, đôi lúc tưởng lạc đề!

Nhưng những câu chuyện về nhân tài công nghệ Nguyễn Hà Đông, việc sản xuất xe ô tô của Tập đoàn Vinfast, những chuyện “hậu trường” chưa bao giờ kể về việc “học lỏm” rồi sau học thật, học bài bản những bí kíp từ các doanh nghiệp, ông lớn nước ngoài của FPT trong những năm đầu khởi nghiệp, nhận định về các nhân tài công nghệ thế giới, chuyện vận chuyển hàng hóa – bậc thầy logistic - của hệ thống bán hàng làng gốm Bát Tràng… đều minh chứng những tiến bộ về KHCN thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục - kinh tế, đến các mô hình giáo dục, trong đó có các mô hình đào tạo mới về nhân lực CNTT; Các vấn đề kinh tế xã hội mà nền giáo dục một trường đại học số mong muốn giải quyết; Lời giải thí điểm của đại học số…
2
Toàn cảnh buổi tập huấn
Đại học Bách khoa Hà Nội là Thánh đường!

Trong mạch thuyết trình, nhiều lần TS. Nguyễn Thành Nam – với tư cách của một người giàu kinh nghiệm quản trị đại học - dành lời khen ngợi về chất lượng đào tạo và các giảng viên có chuyên môn, sinh viên giỏi, thương hiệu... của Đại học Bách khoa Hà Nội. Diễn giả gọi Bách khoa Hà Nội là Thánh đường!

Trong phần trao đổi trực tiếp với diễn giả Nguyễn Thành Nam, nhiều cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội đã đặt câu hỏi liên quan đến quan điểm, khái niệm, mô hình, kinh nghiệm... trong phát triển đại học số, tầm nhìn trong tương lai; cùng đó cởi mở trao đổi lại về những góc nhìn trong một số vấn đề mang tính khoa học.
5
Diễn giả Nguyễn Thành Nam (bìa trái) và GS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng đại học 
Có thể có những quan điểm, cách nhìn vẫn còn để mở, có nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng những trao đổi sôi nổi tại buổi tập huấn đều hướng tới bài học cần thiết về một đại học số, phát triển nó như thế nào, có thể áp dụng vào Đại học Bách khoa Hà Nội ra sao trong giai đoạn tới, thấm vào từng cán bộ quản lý Bách khoa.

TS. Nguyễn Thành Nam đã rất chân tình trả lời các câu hỏi. Như câu trả lời kết thúc buổi thuyết trình sáng của ông với PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa về thế giới phẳng. “Làm gì có thế giới phẳng. Đó là nơi đại lổn nhổn, vấn đề là ta chọn cái lổn nhổn nào trong ấy!” – Chuyên gia Thành Nam sảng khoái cười cùng các thầy/cô Đại học Bách khoa Hà Nội!
Gia Hân. Ảnh: Kim Chi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây