Gặp gỡ Sơn Cuông - Tổng đạo diễn “Một khúc sử thi Người Bách khoa”

Thứ năm - 12/10/2023 05:08
Sơn Cuông - sinh viên Tự động hóa K47, tổng đạo diễn “Một khúc sử thi Người Bách khoa"
Sơn Cuông - sinh viên Tự động hóa K47, tổng đạo diễn “Một khúc sử thi Người Bách khoa"
“Tôi tự hào vì mình là một giọt nước ở trong dòng chảy lịch sử của Bách khoa, nơi mà có những con người đáng tự hào như thế. Ngoài ra có rất nhiều cảm xúc hỗn độn nữa mà tôi khó thể tả ở đây” - đạo diễn Sơn Cuông chia sẻ.

Từ những năm thơ ấu, đạo diễn Sơn Cuông đã nung nấu niềm đam mê của mình với lịch sử và văn học nghệ thuật thông qua việc đắm chìm trong các tác phẩm điện ảnh, giả sử và tiểu thuyết lịch sử. Bên cạnh đó, quãng thời gian học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng đã mở ra trước mắt anh cánh cửa để tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc về các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Bằng những rung động trước dòng chảy lịch sử, đạo diễn Sơn Cuông đã viết nên vở kịch mang tựa đề "Một khúc sử thi Người Bách khoa". Với nguồn cảm hứng rực rỡ từ điện ảnh, giả sử và tiểu thuyết, tác phẩm này không chỉ là một câu chuyện lịch sử, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy xúc cảm, để lại trong lòng khán giả những giọt nước mắt, những tiếng cười, cùng sự bồi hồi và cảm xúc lắng đọng.

Lớn lên và học tập tại tại Bách khoa, cha anh cũng là giảng viên đã nghỉ hưu, anh tự hào vì mình là một phần nhỏ trong dòng chảy lịch sử của trường. Nơi này không chỉ là trường học, mà còn là một cộng đồng, nơi có những con người đầy tự hào và nỗ lực. Đó là lý do mà anh nuôi dưỡng mong muốn góp phần xây dựng và phát triển cho nơi mà anh gọi là ngôi nhà thứ hai của mình.

Cùng lắng nghe những chia sẻ của đạo diễn về đêm diễn “Một khúc sử thi Người Bách khoa" vừa rồi nhé!

Q: Là một người trẻ sinh ra trong thời bình, việc viết nên những lời thoại lịch sử chân thực và cảm xúc thật không dễ dàng, anh đã làm thế nào để xây dựng các câu thoại chạm đến cảm xúc của khán giả đến như vậy?

Tôi cũng không dám chắc vở kịch chính xác 100% tất cả các yếu tố lịch sử, đấy cũng là thiếu sót của một người trẻ, vì mình không phải nhân chứng. Nhưng là người cảm nhận, tôi diễn giải nó theo cảm xúc của thế hệ của chúng tôi. Cái mong muốn của tôi không phải là kể chính xác lịch sử, mà là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Bách khoa để các bạn biết trân trọng và tự hào hơn.

Và tôi cảm thấy may mắn vì ngay cả các em bây giờ cũng rung động trước vở kịch. Tôi mong rằng các em cũng có thể kể lại câu chuyện ấy theo cách của mình, như thế thì lịch sử Bách khoa sẽ được duy trì mãi mãi.

Q: Trong vở kịch, việc đưa hình tượng người mẹ vào ở phần mở đầu và kết thúc đã tạo ra một sợi dây liên kết cảm xúc, mang đến sự xúc động rất lớn tới khán giả. Đối với anh, hình ảnh người mẹ trong vở kịch có ý nghĩa như thế nào?

Đó là những phân cảnh ý nghĩa nhất đối với tôi, bởi vì trong cuộc chiến thì người mất mát nhiều nhất không phải là người hy sinh, mà là người ở lại, và người ở lại mất mát lớn nhất ở đây là người mẹ. Người mẹ ở đây ngoài việc biểu tượng cho người mẹ Việt Nam anh hùng, thì còn đại diện cho người mẹ Bách khoa, nuôi con biết bao năm ăn học, thi đỗ vào một đại học danh giá, để rồi cuối cùng hy sinh trên chiến trường. Mặc dù tự viết kịch bản, tự dàn dựng, nhưng mỗi lần hình ảnh người mẹ xuất hiện tôi đều rơi nước mắt.

Q: Ngoài hình ảnh người mẹ ra thì còn có các nhân vật như là Bách, Khoa, hay là Trang. Nguồn cảm hứng nào khiến anh xây dựng những nhân vật đó ?

Trong tác phẩm, tất cả các nhân vật đều là nhân vật đại diện, ví dụ như là Trang - đại diện cho sinh viên nữ, thầy giáo Vũ - đại diễn cho toàn bộ thầy giáo ở Đại học Bách khoa. Bản chất là chẳng có nhân vật nào có thật cả, mong muốn của tôi là xây dựng hình tượng đại diện để tôn vinh họ.

Tôi có nghe câu chuyện của một cô gái: năm 1970 người yêu cô đi bộ đội, cô ấy kể là đêm mà chia tay các anh bộ đội, cô hát cả một đêm, quyết tâm chờ ngày người yêu mình trở về, không may là đến năm 1971 là anh ý mất. Đấy là những cảm xúc để tôi viết lên nhân vật Trang hay Bách. Ngoài ra, tôi còn đưa cảm nhận của mình về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò vào trong đấy.
 
Screenshot 2023 12 05 at 16 13 49
Đoàn kịch “Một khúc sử thi Người Bách khoa"

Q: Sau khi vở kịch kết thúc thì cảm xúc của anh như thế nào ạ? 

Cảm giác đầu tiên là vui cho chính bản thân mình. Cảm giác thứ hai là tự hào. Tôi sinh ra ở Bách khoa, bố tôi là giảng viên về hưu lâu năm. Tôi lớn lên ở Bách khoa, học tại Bách khoa - đấy cũng là lý do mà tôi mong muốn đem lại điều gì đấy cho nhà trường. Tôi hãnh diện vì mình là một giọt nước ở trong dòng chảy lịch sử của Bách khoa, nơi mà có những con người đáng tự hào như thế. 

Tôi cũng xin được cảm ơn sự tới dàn diễn viên, các khán giả, và đặc biệt là Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) góp phần làm nên sự thành công của đêm công diễn này.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ của mình trong buổi phỏng vấn. 

Tác giả: Đàm Quân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây