Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 08/11/2023 21:23
Suốt câu chuyện đỗ đại học, thầy/cô giáo, bạn bè… ở Bách khoa Hà Nội, Sái Tuấn Vũ – Sinh viên Vật lý 04-K66, Viện Vật lý Kỹ thuật – hay mở đầu bằng câu: “Em may mắn…”. Thực tế, tất cả những gì Tuấn Vũ đạt được hôm nay, xuất phát điểm đều từ những nỗ lực vượt bậc của bản thân, để chàng trai quê Sóc Sơn (Hà Nội) tự tin nói với mọi người: Em - con nhà nông dân – hiện là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội!
Mới đây, Sái Tuấn Vũ đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, nhận học bổng Khuyến khích học tập loại A kỳ II năm học 2022 - 2023 với GPA: 3,92; ĐRL: 96.
Thi đỗ Bách khoa - Chạm tay vào ước mơ
Sái Tuấn Vũ là con út trong gia đình nông dân ở Sóc Sơn (Hà Nội). Hỏi Vũ chắc thạo việc nhà nông lắm, chàng trai cười ngượng nghịu: “Em vụng lắm, chỉ biết mỗi tra lạc. Ra đồng một tý là bố mẹ em… xua, bảo thôi về học đi (kiểu về nhà cho đỡ… vướng víu người khác!)”.
Tuấn Vũ là cựu học sinh Trường THPT Trung Giã – huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Họ nhà Vũ ít người học lên ĐH, vậy nên Vũ coi việc được cắp sách đến trường, được bố mẹ, anh trai động viên, tạo điều kiện trên mọi bước được học tập là một may mắn. “Bố mẹ em ít chữ nhưng luôn cổ vũ em đi lên bằng con đường tri thức. Mỗi khi gặp khó khăn, em đều nghĩ đến gia đình mình để cố gắng” – Vũ chia sẻ.
Ngay từ năm học lớp 10, Vũ đã ước mong được học về năng lượng xanh. 2 năm dịch bệnh Covid-19, thấy tình hình xăng dầu nhức nhối, cậu càng thấy định hướng của mình hợp thời cuộc, giải quyết các vấn đề nóng trong năng lượng.
Tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, Tuấn Vũ quyết tâm thi vào Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội để hiện thực hóa ước mơ của mình. Vũ tự ôn tập, học các môn Toán, Lý, Hóa. Không có điều kiện học thêm, cậu tìm các bài giảng/khóa học trên mạng. Lúc nào thấy căng thẳng quá thì lại xin bố mẹ cho theo ra ruộng để… ngồi chơi!
Lúc mới nghe Vũ thổ lộ sẽ thi Bách khoa Hà Nội, bạn bè, người thân có phần bất ngờ, thậm chí có người còn nghĩ cậu học sinh trường làng… “trèo cao”. Nhưng Sái Tuấn Vũ luôn tự nhủ: Với một vài phương pháp học, mình cũng có kết quả nhất định. Quan trọng là tự tin, suy nghĩ mình sẽ làm được. Cơ hội của mình với các bạn là như nhau. Mình sẽ đạt được mục tiêu và ước mơ!
Sái Tuấn Vũ đã dồn hết tâm sức ôn tập, thi cử. Ngày chạm tay vào ước mơ, trở thành sinh viên K66, Viện Kỹ thuật Vật lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, Vũ hét lên khoe: Bố mẹ ơi, con đỗ Bách khoa rồi!
Sái Tuấn Vũ: “Môi trường Bách khoa tạo động lực rất lớn!”
Tuấn Vũ ngưỡng mộ rất nhiều thầy/cô giáo Bách khoa em đã và đang theo học, như thầy giáo PGS. Nguyễn Xuân Thảo, thầy giáo TS. Nguyễn Đăng Tuấn dạy Giải tích 2. Các thầy rất tâm huyết truyền tải kiến thức để sinh viên hiểu cặn kẽ, đi từ gốc rễ vấn đề. Trong mắt Vũ và các bạn, thầy rất nhiệt tình với sinh viên, mỗi giờ giảng là rút hết tâm sức như ngày đầu đi dạy. Vũ và các bạn mong các thầy có thật nhiều sức khỏe, để truyền lửa yêu môn Toán cho các thế hệ sinh viên Bách khoa Hà Nội.
Yêu kính các thầy/cô giáo có tuổi, Tuấn Vũ và các sinh viên cũng dành rất nhiều tình cảm với các thầy/cô giáo trẻ. Từng là sinh viên Bách khoa Hà Nội, du học rồi trở về Bách khoa dạy học, các thầy/cô đều hiểu tâm lý sinh viên, cho sinh viên những lời khuyên về ngành/nghề, chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng mới, truyền cảm hứng cho Tuấn Vũ và các bạn.
Tuấn Vũ hiện đang theo học lab thầy giáo TS. Phạm Tùng Dương – một CSV Bách khoa về công tác tại đại học theo Đề án Giảng viên xuất sắc. Ngay ngày đầu tiên gặp thầy Dương, nghe thầy chia sẻ về pin Xanh và siêu tụ, cảm nhận được sự quan tâm đến sinh viên của thầy, Vũ thầm reo “Mình đã gặp được “idol”!
Không chỉ truyền dạy các kiến thức chuyên môn, thầy Tùng Dương còn chỉ cho sinh viên các kỹ năng như tác phong công nghiệp đúng giờ, kỹ năng giao tiếp, lập mục tiêu...; giới thiệu cho Vũ và các bạn phần mềm vẽ để làm sao vẽ đồ án hay nhất dù Vũ mới sinh viên năm 2. “Thầy chuẩn bị trước cho chúng em dần hoàn thiện bản thân, để đến lúc tốt nghiệp ra trường có đầy đủ kỹ năng làm việc!” – Tuấn Vũ nói.
Có những thầy/cô giáo Tuấn Vũ chưa có cơ hội được nghe giảng nhưng em đã rất hâm mộ, như thầy giáo PGS. Nguyễn Công Tú – Viện Vật lý Kỹ thuật. Lúc mới tìm hiểu Bách khoa, Vũ hay “gặp” thầy Tú trên mạng xã hội, thầy rất vui tính, hiểu tâm lý các bạn gen Z.
Vũ nghe các anh chị “tiền bối” ở Bách khoa Hà Nội kể về thầy Tú với lòng biết ơn, nhờ thầy Tú mà được phát triển toàn diện, được thầy tận tình chỉ dạy về chuyên môn, kỹ năng sống, tiếng Anh, Tin học văn phòng, thầy còn xây dựng cho sinh viên thói quen đọc sách…
Tuấn Vũ chia sẻ: “Bách khoa Hà Nội có nhiều thầy/cô giáo giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, tận tâm với sinh viên. Học trong môi trường truyền động lực mạnh mẽ như vậy, không có lý do gì để em không nỗ lực tiến lên!”
Học Bách khoa Hà Nội 2 năm, kỳ nào cũng nhận học bổng
Học 2 năm ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Sái Tuấn Vũ 3 lần đạt Học bổng Khuyến khích học tập. Mỗi lần nhận học bổng, Vũ vui lắm vì không chỉ giúp gia đình về mặt tài chính mà còn là động lực để cậu tiếp tục cố gắng.
Có lẽ, việc luôn nhủ mình “Học ĐH là để đi làm, chuẩn bị cho tương lai” đã giúp Vũ có được sự quyết tâm, tập trung và niềm yêu thích trong bất cứ môn học nào ở Bách khoa Hà Nội.
Thời gian đầu học các môn đại cương, Tuấn Vũ cảm thấy… hoang mang khi chỉ trong 2 tiết các thầy/cô đã dạy xong 1 chương. Mất một thời gian làm quen, Vũ rút ra được kinh nghiệm: Thầy/cô dạy rất nhiệt huyết và luôn nhấn mạnh một vài nội dung nhất định, nếu sinh viên nghe giảng chăm chú sẽ ghi lại được trọng tâm của bài giảng, chỉ nắm được các ý này là đã thi qua môn rồi.
Trong câu chuyện của mình, Tuấn Vũ nói như “nuốt mic” về môn Vật lý và các ngành học thú vị, hữu ích với cuộc sống ở Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Để thấy được Vũ yêu môn học định hướng chuyên ngành của mình như thế nào.
Vũ kể một loạt các ngành học thú vị - nếu học Vật lý ở Đại học Bách khoa Hà Nội, đó là được học về Vật lý y khoa, Vật liệu y sinh, Vật liệu điện tử, Vật liệu nano, Vật liệu điện sắc… được học về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh…
Học Vật lý kỹ thuật, Tuấn Vũ và các bạn còn được học các thầy ở Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS) về cảm biến, được các thầy/cô hướng dẫn tham gia NCKH, được tự tay làm thí nghiệm… Tuấn Vũ càng học càng say mê, hào hứng, thấy quá nhiều thứ thú vị mình có thể tìm hiểu mỗi ngày.
“Với bản thân em, chỉ cần được đi học mỗi ngày đã là may mắn, không cần so bì với bất kỳ ai. Học tập ở Đại học Bách khoa Hà Nội, em hạnh phúc khi nhận ra được khả năng của mình, làm được nhiều thứ hơn em nghĩ, nhen trong em mơ ước mới: Học thạc sĩ, tiến sĩ (có thể ở nước ngoài)” – Sái Tuấn Vũ xúc động chia sẻ.
Lắng nghe câu chuyện của Sái Tuấn Vũ, chợt nhớ đến câu nói “Bạn không có lựa chọn điểm xuất phát, nhưng có quyền lựa chọn đích đến”. Như những chia sẻ rất chân thành của Sái Tuấn Vũ: “Em không ngại khi nói với mọi người bố mẹ em là nông dân ít chữ, em không học trường chuyên, lớp chọn. Em nghĩ khởi điểm không nói lên tất cả, quan trọng là chính bản thân mình”!
Dù không học trường chuyên, lớp chọn, nhưng với sự cổ vũ của gia đình - những người nông dân chân chất - chàng trai họ Sái đã xác định mục tiêu rõ ràng, lấy những khó khăn làm động lực vươn lên. Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang và sẽ luôn chào đón những học sinh, sinh viên trong mình định sẵn một phần tố chất Người Bách khoa vượt khó, đam mê, kiên định theo đuổi ước mơ như vậy.
3 bí quyết học tập của Sái Tuấn Vũ
1. Đọc giáo trình trước khi đến lớp, sàng lọc những ý trong buổi học tới sẽ gặp, hình dung bố cục bài để đến lớp không bị ngợp.
2. Đi học đầy đủ, chăm chú nghe giảng để ghi được các kiến thức mở rộng, các “típ” làm bài hiệu quả, biết được trọng tâm bài để khi thi không lan man.
3. Tập hợp một nhóm các bạn có ý thức học cùng làm bài tập. Ôn thi/làm đề nếu có nhóm bạn sẽ đỡ mất thời gian, hiểu rõ bài hơn.