Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 17/11/2023 20:17
Đây là chia sẻ của Thạc sỹ Nguyễn Thị Phương Dung – Giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị, Khoa Lý luận chính trị, Đại học Bách khoa Hà Nội khi được hỏi về điều cô mong được nhận nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Gắn bó với Bách khoa Hà Nội được gần 5 năm, cô Dung và các đồng nghiệp đã rất nỗ lực truyền lửa đam mê, để sinh viên kỹ thuật Bách khoa Hà Nội hăng say học tập, chinh phục, đam mê các môn khoa học chính trị.
Mới đây, cô Phương Dung và học trò – lưu học sinh Mozambique Oraiden Manuel Sabonete (sinh viên K65, Trường Điện – Điện tử) đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Thành phố Hà Nội và đạt giải Triển vọng chung khảo toàn quốc.
Học Kinh tế chính trị với cô Phương Dung có gì khác biệt?
* Từ những trải nghiệm của cô giáo, giảng dạy Kinh tế chính trị ở một đại học kỹ thuật công nghệ có điểm gì khác biệt không?
- Kinh tế chính trị học là khoa học về sự vận động phát triển của phương thức sản xuất xã hội mà cụ thể trong thời đại của các cuộc cách mạng công nghiệp. Do vậy, giảng dạy Kinh tế chính trị tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho những con người được đào tạo để phát triển nền công nghiệp là một trải nghiệm có ý nghĩa thiết thực và gắn kết với thực tiễn một cách sâu sắc.
Đó là điểm nhấn khác biệt và cũng là giá trị chuyên môn mà tôi cảm nhận được trong công việc.
* Một giờ giảng Kinh tế chính trị của cô Phương Dung ở Bách khoa Hà Nội sẽ có đặc điểm “nhận dạng” như thế nào?
- Tại các lớp học do tôi đảm nhiệm, tôi mong muốn sinh viên mạnh dạn chia sẻ quan điểm và thực hành tư duy phản biện. Theo đó, tôi khuyến khích các bạn sinh viên phát biểu, tạo ra một cộng đồng chia sẻ, cùng nhau học hỏi, cùng nhau đóng góp những ý kiến cho nội dung bài giảng thú vị và sôi nổi hơn.
* Cô cảm nhận gì về sinh viên Bách khoa Hà Nội? Mỗi khi nghĩ đến các học trò của mình, cô nhớ nhất câu chuyện gì?
- Sinh viên Bách khoa Hà Nội có tư duy chính xác và phong cách làm việc nghiêm túc. Bên cạnh đó, các bạn còn có tác phong đĩnh đạc và tinh thần cầu thị, học hỏi không ngại việc, không tự mãn, chủ quan.
Đa phần chương trình đào tạo là kỹ thuật công nghệ, những tưởng người học sẽ có phần lạnh lùng, khô khan nhưng thực tế, sinh viên Bách khoa Hà Nội lại là những người giàu cảm xúc, chân thành và đầy năng lượng sáng tạo!
Tôi nhớ mãi Chương trình sinh hoạt ngoại khoá của Khoa Lý luận chính trị với chủ đề “Sinh viên Bách khoa với tiến trình quốc tế hoá trải nghiệm và học tập” do nhóm chuyên môn Kinh tế Chính trị thực hiện vào tháng 7 vừa qua. Tôi cảm nhận rất rõ sự nghiêm túc và hăng say của các bạn sinh viên trong quá trình chuẩn bị các sản phẩm như là tiểu phẩm, video, game đố vui… Có em còn thức đêm thảo luận nhóm cùng nhau để có một sản phẩm tốt nhất trình bày trong chương trình sinh hoạt.
Chương trình còn có sự tham gia của sinh viên nước ngoài. Mặc dù có trở ngại về ngôn ngữ nhưng các em đã cố gắng chuẩn bị nội dung và cải thiện năng lực ngoại ngữ trong một thời gian rất ngắn. Nhìn thấy các em hăng say học tập, trải nghiệm và hạnh phúc với kết quả đạt được, tôi và các thầy cô thực hiện chương trình cảm thấy rất vui.
* Học hỏi, làm việc trong môi trường Bách khoa Hà Nội, vậy có thầy/cô giáo Bách khoa nào ảnh hưởng đến cô không?
- Người thầy có ảnh hưởng lớn đến tôi là thầy Ngô Quế Lân - Phó Trưởng khoa Lý luận Chính trị.
Thầy Quế Lân đã hướng dẫn tôi từ lúc là giảng viên tập sự đến khi trưởng thành trong nghề, được bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Đặc biệt, tôi học hỏi từ thầy phương pháp làm việc, tư duy phân tích để có thể đạt được những kết quả trong công việc cũng như đóng góp vào kết quả chung của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cô giáo Bách khoa kể chuyện hướng dẫn trò “Tây” thi chính luận
* Được biết cô là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Lý luận trẻ Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến nay. Thành viên CLB còn có cả các lưu học sinh. Vậy cô có bí quyết gì để truyền đam mê, hút các bạn sinh viên tham gia CLB?
- Để thu hút các bạn sinh viên Bách khoa Hà Nội quan tâm và tham gia, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thúc đẩy các hoạt động NCKH, sinh hoạt ngoại khóa liên quan tới chương trình đào tạo kiến thức lý luận chính trị đại cương mà khoa Lý luận chính trị đảm nhận.
Ngoài ra, CLB cũng tích cực phát động các phong trào nhằm lan tỏa niềm tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam; tuyên truyền về lịch sử, thành tựu, giá trị truyền thống tự hào của Đảng, dân tộc trên kênh truyền thông số.
Hiện CLB có một Group Facebook với hơn 1.000 thành viên tham gia theo dõi và tương tác. Tất cả các hoạt động được CLB triển khai đều đóng góp cho hoạt động giáo dục, tư tưởng, bản lĩnh cho sinh viên Bách khoa Hà Nội nói riêng và thế hệ thanh niên nói chung.
* Mới đây, với tác phẩm “Ý nghĩa đường lối ngoại giao cây tre của Đảng trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống”, cô và học trò Oraiden Manuel Sabonete đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Thành phố Hà Nội và đạt giải Triển vọng chung khảo toàn quốc. Làm thế nào cô có thể hướng dẫn một sinh viên nước ngoài am hiểu sâu sắc về đường lối của Đảng, dự thi và đoạt giải?
- Được ghi nhận tại một cuộc thi lớn, hai cô trò chúng tôi vui lắm. Theo tôi, bản thân mình trân trọng và gìn giữ giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như của lịch sử, văn hoá dân tộc thì mới có thể lan toả đến các bạn sinh viên, nhất là các bạn sinh viên nước ngoài.
Có lẽ sự thấu hiểu về đất nước, con người, quê hương của sinh viên Oraiden đã tạo nên sự đồng cảm về nhận thức, khiến cho Oraiden hiểu rằng Việt Nam là tấm gương, là bài học kinh nghiệm hữu ích có thể giúp cho quê hương Oraiden phát triển bền vững. Từ đó tạo nên niềm tự hào chung của cô và trò về những giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng.
* Hàng ngày lên lớp giảng dạy, duy trì hoạt động của CLB, NCKH…, đồng thời, vẫn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn/Hội của Đại học, cô làm thế nào để nuôi dưỡng đam mê và luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết như vậy?
- Quả thực, công việc rất nhiều, deadline dồn dập, nhiều khi tôi vô cùng áp lực và mệt mỏi. Tuy nhiên, niềm tự hào là đảng viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội chính là động lực giúp tôi vượt lên những áp lực để tiếp tục làm việc, đi tiếp trên con đường đã chọn.
* Với cá nhân cô, cô mong được nhận lời chúc gì nhất trong ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
- Từng là một học sinh, sinh viên và nay là giảng viên, mỗi dịp 20/11 đều đem tới trong tôi những cảm xúc đặc biệt. Tôi nghĩ rằng ngày 20/11 đáng nhớ nhất sẽ ở phía trước, đó là khi nhìn thấy những học trò ngày hôm nay thực sự trưởng thành, phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và luôn tự hào là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với riêng tôi, mọi lời chúc đều là niềm vui. Tôi cho rằng lời chúc tuyệt vời nhất của người làm nghề dạy học vẫn luôn là sự trưởng thành và phát triển của học trò!
* Xin cảm ơn cô về cuộc trao đổi!
3 BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CÁC MÔN KHOA HỌC CHÍNH TRỊ
1. Thực hiện thời gian biểu học chế tín chỉ đầy đủ, đó là: Tuân thủ thời gian lên lớp, thời gian tự học và thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra thảo luận được giao.
2. Tập trung vào những tài liệu chính thống mà giảng viên đã chỉ dẫn, đồng thời nên chủ động khai thác nguồn học liệu điện tử trên nền tảng eHust, Microsoft Teams, LMS…
3. Kinh tế chính trị nói riêng và Lý luận chính trị nói chung là để có tầm nhìn, có tư duy hệ thống, có phương pháp luận khoa học. Do vậy, cần một vốn hiểu biết thực tiễn nhất định. Các sinh viên nên tăng cường trải nghiệm hoạt động xã hội, tích cực cập nhật thông tin thời sự, chính thống và tiếp thu sự chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Phương Dung
Giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị, Khoa Lý luận chính trị, Đại học Bách khoa Hà Nội