Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 18/10/2023 23:03
Vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công bố danh sách 20 nữ sinh viên tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023, trong đó có sinh viên Nguyễn Thanh Thư – K64 Chương trình tài năng, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Thanh Thư là nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc; điểm tích lũy trung bình 4 năm học là 3.72/4; ĐRL: 95. Đầu tháng 10/2023, Thanh Thư bảo vệ đồ án tốt nghiệp đạt loại Xuất sắc.
“Không có thầy/cô giáo Bách khoa, tôi không có thành tích hôm nay”
Xem các thành tích NCKH của Thanh Thư, sẽ có người thắc mắc sao 4 năm học mà nghiên cứu được 2 hướng khác hẳn nhau? Hỏi Thanh Thư, cô gái chia sẻ: “Con đường của tôi đến với NCKH hơi vất vả. Nhưng tôi nghĩ tuổi trẻ cần được trải nghiệm, thử nhiều thứ để tìm cái phù hợp với mình”.
Kỳ 2 năm Nhất, Thanh Thư được tham gia lab của thầy giáo PGS. Nguyễn Tùng Lâm. Cô là một trong số nhiều sinh viên Trường Điện – Điện tử được các lab nghiên cứu trong Trường nhận từ rất sớm, để sinh viên có cơ hội viết bài báo khoa học, có bài báo khoa học khi đang học trên giảng đường đại học.
Tại lab, Thư được học nhiều kỹ năng làm nghiên cứu, được thầy Tùng Lâm hướng dẫn cách tìm đề tài, trình bày báo cáo khoa học... Nữ sinh viên Thanh Thư được tham gia nghiên cứu điều khiển thăng bằng cho xe đạp, điều khiển cẩu trục vận chuyển hàng trong nhà máy…
Theo lab đến năm Ba, cảm thấy mình không hợp lĩnh vực nghiên cứu này, Thư cứ trăn trở nghĩ: Đi tiếp hay thay đổi?
“Tôi cứ nghĩ mãi mình có thể tiếp tục theo được hướng đi này không. Nhưng nếu bỏ ngang chừng, vào một cái mới, liệu có lại chán rồi bỏ dở? Tôi rất stress, mông lung, nhìn các bạn xung quanh đang say mê NCKH, còn mình thì không có gì trong tay, vừa lo buồn, vừa áp lực.”– Thư nhớ lại.
Sau một thời gian đắn đo, Thư quyết định mạnh dạn chia sẻ với thầy Tùng Lâm. Thư cứ nghĩ thầy sẽ thất vọng về cô lắm, nhưng không, thầy Lâm rất vui vẻ lắng nghe, động viên Thư bắt đầu một hướng mới, dù có thể muộn hơn các bạn. Thầy nói vui với Thư: “Sang nghiên cứu xử lý ảnh, có thời gian về giúp thầy và các bạn xử lý hình ảnh vận chuyển trong nhà máy nhé!”. Nghe thầy nói với nụ cười ấm áp, Thư thực sự thấy cảm động và biết ơn.
Cô sinh viên năm Ba - Nguyễn Thanh Thư chuyển hướng nghiên cứu sang lab của PGS. Phạm Văn Trường và PGS. Trần Thị Thảo làm về xử lý ảnh. Cô thấy mình hứng thú nghiên cứu hơn, dễ tiếp cận kiến thức về xử lý ảnh hơn.
Để theo kịp các bạn đã nghiên cứu trước, Thư phải nỗ lực rất nhiều. Cô gái được thầy Trường, cô Thảo quan tâm, động viên, hướng dẫn rất nhiều. Thư nhớ mãi thời gian đầu có phần “tụt” lại so với các bạn, cô Thảo đã nhờ hai bạn nam nhắn tin hỏi Thư: “Mình đang nghiên cứu đề tài này, Thư có hứng thú tham gia thì mình gửi tài liệu cho bạn nhé”.
Thư xúc động chia sẻ: “Mãi sau này em mới biết cô Thảo nhờ các bạn nam giúp đỡ em. Cô quả thật rất tâm lý và tinh tế, lo em nản chí nên nhờ các bạn động viên em tham gia nghiên cứu. Em yêu cô lắm, cảm thấy mình phải chủ động, cố gắng hơn. Cô Thảo không chỉ là cô giáo mà còn như mẹ của em nữa! Không có thầy/cô giáo Bách khoa, không có thành tích của em ngày hôm nay!”.
Trong lab, Thư và các bạn gọi cô giáo là mẹ Thảo. Cả nhóm đi đâu, làm gì cũng tíu tít gọi điện báo cáo mẹ. Ngay cả tâm sự tình cảm yêu đương cũng chia sẻ với mẹ Thảo. Thư và các bạn rất hâm mộ gia đình hoàn hảo của thầy Trường và cô Thảo, mong sau này mình sẽ được như thầy/cô.
Thành tích NCKH ở… 2 lab nghiên cứu
Thanh Thư được tham gia 2 lab nghiên cứu Trường Điện – Điện tử nên đề tài/dự án cô gái được tham gia NCKH tương đối phong phú. Như ở lab chuyên về Điều khiển tự động hóa, được thầy giáo PGS. Nguyễn Tùng Lâm hướng dẫn, Thư cùng các bạn nghiên cứu Điều khiển xe đạp hai bánh tự thăng bằng và Cẩu trục vận chuyển hàng trong công xưởng (điều khiển đi theo quỹ đạo có độ rung lắc không quá mạnh để vẫn giữ được hàng hóa).
Tham gia NCKH tại lab về Xử lý ảnh, Thư và các bạn được thầy giáo PGS. Phạm Văn Trường và cô giáo PGS. Trần Thị Thảo hướng dẫn nghiên cứu phân vùng hình ảnh y sinh: Khoanh vùng hình ảnh polyp trong dạ dày; Khoanh vùng hình ảnh tế bào, khoanh vùng hình ảnh ung thư trên da.
Với đề tài Điều khiển xe đạp hai bánh tự thăng bằng, Thanh Thư và nhóm xây dựng luật điều khiển dựa trên mặt trượt để cân bằng cho xe đạp thông qua điều khiển bánh đà và tay lái; đề xuất một cơ chế ước lượng dựa trên bộ quan sát High-Gain để giải quyết vấn đề quán tính cuộn chưa biết và đã chứng minh được sự ổn định của hệ thống được duy trì trong quá trình điều khiển.
Nghiên cứu phát triển xe cân bằng, xe điều hướng thích nghi với các điều kiện khác nhau như tải trọng thay đổi, ảnh hưởng và các nhiễu động từ môi trường. Từ đó hướng tới xe điều hướng, xe dò đường, xe không người lái làm việc trong các địa hình phức tạp, môi trường khắc nghiệt.
Với đề tài Cẩu trục 3D, Thanh Thư và các bạn đề xuất phương pháp điều khiển dự báo mô hình dựa trên Lyapunov để thiết lập các ràng buộc về quỹ đạo cũng như góc rung và đảm bảo tính ổn định của mô hình, ứng dụng vào vận chuyển hàng trong các nhà máy, công xưởng...
Các đề tài xử lý ảnh đã đi vào đồ án tốt nghiệp của Thanh Thư. Đây là hướng nghiên cứu khơi gợi nhiều cảm hứng của cô gái Bách khoa.
Trong đồ án tốt nghiệp, Thư và các sinh viên Bách khoa Hà Nội đề xuất các mô hình học máy mới để khoanh vùng bệnh trên các hình ảnh y tế (hình ảnh polyp, ảnh ung thư da, ảnh mô tế bào, biểu bì…).
Các mô hình được xây dựng có hiệu suất phân đoạn hình ảnh cao, đồng thời cũng tối ưu hóa được độ lớn của mô hình để đảm bảo tính ứng dụng của mô hình trong thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp của sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu y sinh, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn khi tích hợp vào các thiết bị di động để hỗ trợ y bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Cô gái “sinh ra để học Bách khoa”!
Giờ sắp nhận bằng tốt nghiệp, Thanh Thư lại nhớ những ngày đầu “bén duyên” với Bách khoa Hà Nội. Học hết kỳ 1 năm Nhất, về nhà, bố Thư hỏi: “Liệu con có theo học được không? Bố nghe nói học Bách khoa khó lắm”.
Thanh Thư cứ cười vui, nói bố yên tâm, các môn học ở Bách khoa cũng bình thường. “Chắc bố tôi cứ nghe đồn thôi!”.
Nữ sinh trường huyện Nam Sách, Hải Dương đã trải qua 4 năm thanh xuân ở Bách khoa không thi lại môn nào, mỗi ngày lên lớp háo hức thu nạp những kiến thức mới, sinh hoạt Đoàn/Hội/ các Câu lạc bộ vui hết nấc, say mê NCKH...
Mỗi khi cây trong đại học thay lá, Thư cùng các sinh viên Bách khoa đồng loạt đổi áo đồng phục nhuộm đỏ sân trường. Thư nhận xét: “Tôi chưa thấy ở đâu sinh viên lại yêu đồng phục như sinh viên Bách khoa. Các bạn tôi mùa hè cũng mặc áo khoác đỏ. Đi chơi cùng bạn gái cùng mặc áo phông đỏ… “Chất” sinh viên Bách khoa không lẫn đâu được. Mộc mạc, giản dị và rất chân thành”.
Sau 4 năm học ở Bách khoa, Thanh Thư và các bạn nữ thực sự cảm thấy mình đặc biệt! Như giờ học môn Thí nghiệm điều khiển, thầy chỉ gọi các bạn nam lên xóa bảng, đặc biệt là các bạn nam ngồi cạnh bạn nữ.
Thầy giải thích vui: “Cậu đã may mắn được ngồi cạnh bạn nữ rồi thì phải lên xóa bảng để đảm bảo công bằng với các bạn nam khác!”. Vào ngày lễ 8/3, 20/10 thì… thôi rồi, Thư và các bạn sẽ cảm thấy mình được tôn vinh như… nữ hoàng!
Điều tiếc nuối duy nhất của Nữ sinh khoa học công nghệ 2023 chính là được trực tiếp học Bách khoa ít quá. Trong 4 năm học Bách khoa Hà Nội, Thư và các bạn mất gần 2 năm Covid học qua màn hình máy tính. “Thi xong buổi cuối về KTX, tôi cứ hụt hẫng: Mai không được lên lớp học nữa sao? Cứ ước học Bách khoa mãi thôi!”
Nguyễn Thanh Thư dự định sẽ du học bậc thạc sĩ, tiến sĩ, nếu có cơ hội sẽ quay trở về Bách khoa Hà Nội, được làm đồng nghiệp của các thầy/cô giáo tuyệt vời đã dạy cô 4 năm học.
Thư nhớ mãi lời của PGS. Trương Thu Hương, Trường Điện – Điện tử trong chương trình Chào tân sinh viên năm cô nhập học: “Giờ các bạn vào Bách khoa rồi, hãy để trí tuệ của mình bay bổng!” Nữ sinh Khoa học công nghệ 2023 đang thực sự để trí tuệ bay bổng với những sáng tạo, ước mơ, với tương lai rộng mở được xây dựng từ nền tảng những kiến thức Bách khoa!
Thành tích của Nữ sinh Khoa học công nghệ 2023 Nguyễn Thanh Thư
- Đồng tác giả 2 bài báo khoa học tại các hội thảo quốc tế ICERA 2021 và ICISN 2024;
- Đồng tác giả 1 bài báo khoa học tham gia Hội thảo quốc gia năm 2021;
- 4 lần được học bổng Khuyến khích học tập của ĐHBK Hà Nội;
- 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu SV5T cấp thành phố năm 2020, 2021, 2022;
- Giấy khen của thầy Hiệu trưởng vì có nhiều đóng góp tích cực cho CLB Hỗ trợ Học tập năm học 2020-2021;
- Giải Nhất cuộc thi Science-a-thon tại Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 9, năm 2022.