Nam sinh huyện miền núi đạt học bổng ngay năm đầu học Bách khoa Hà Nội

Thứ sáu - 21/07/2023 05:25
Nguyễn Hoàng Việt Hùng - Sinh viên năm Nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguyễn Hoàng Việt Hùng - Sinh viên năm Nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguyễn Hoàng Việt Hùng – lớp Khoa học máy tính 06- K67, Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ lớp 9 em mới biết mạng Internet là gì, cuối năm lớp 11 mới có Facebook. Nhà Hùng ở xã Nam Tân – xã miền núi thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Thượng Tân Lộc). Vào học Bách khoa Hà Nội trong tâm thế học trường top 1 về kỹ thuật công nghệ, tốt nghiệp ra trường đi làm luôn giúp đỡ gia đình, Việt Hùng đã nỗ lực trở thành sinh viên xuất sắc, đạt học bổng Khuyến khích học tập loại A kỳ II năm học 2022-2023 với GPA: 4,0; ĐRL: 100.

“Quê em ai cũng biết học Bách khoa xong là có việc làm ngay!”


Việt Hùng là chàng trai khá kiệm lời. Cậu thú nhận bản thân tính độc lập cao, thích kiểu lặng lẽ một mình làm hết mọi việc. Hùng có chút khó khăn trong biểu đạt, lúc nào căng thẳng, cậu nói không được “trôi”. Nhưng khi chia sẻ những cảm nhận về ngôi trường Bách khoa sau gần một năm học tập, Hùng rất hào hứng “mở lòng”!

Hỏi cậu tại sao từ huyện miền núi Nghệ An lại chọn học Đại học Bách khoa Hà Nội? Hùng kể các thầy cô giáo, bạn bè của bố mẹ em đều khuyên nếu học kỹ thuật công nghệ thì nên chọn học Đại học Bách khoa Hà Nội. Hùng chia sẻ: “Em thấy ai chọn trường ĐH cho con/em đều tìm hiểu về tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp. Người quê em đều biết học Bách khoa Hà Nội xong ra trường có việc làm luôn”.

Năm 2022, Hùng đều trải nghiệm kỳ thi riêng của các trường ĐH và đều thi đỗ. Với Bách khoa Hà Nội, Hùng đạt điều kiện xét tuyển với 23,5 điểm thi Đánh giá tư duy.

Học Bách khoa Hà Nội với Hùng còn có 11 bạn cùng Trường THPT Nam Đàn 1 ở các ngành Tự động hóa, Điện tử viễn thông, Kỹ thuật thực phẩm, Logistics. Gặp nhau ở sân trường là tíu tít giọng Nghệ An. “Đi trong sân trường, em nghe nhiều tiếng quê em lắm. Tự dưng thấy vui, thấy tự hào người Nghệ An học giỏi!” – Việt Hùng cười hiền nói.

Bí quyết đạt GPA 4.0 của cậu sinh viên năm Nhất

Vào học Bách khoa Hà Nội một thời gian, cậu sinh viên năm nhất cho rằng môi trường ở đây khiến cậu được truyền cảm hứng để học tập. Học cùng các bạn giỏi cho Hùng thêm động lực để cố gắng. Môi trường học tập ở Bách khoa mang tính chuyên môn cao, sinh viên có thời gian để thư giãn, hoạt động ngoại khóa nhưng cũng đủ áp lực để chuyên tâm học tập.

Bí quyết học tập của Việt Hùng là phân bố đều trí lực cho tất cả các môn. Quan điểm của Hùng là đạt A hay A+ cũng được, nhưng cần tập trung đều các môn thì mới đạt điểm cao ở cuối kỳ. Trước khi học bài mới, Hùng thường chuẩn bị bài rất kỹ, tìm hiểu thông tin trên mạng, nghiền ngẫm lý thuyết trước. Khi lên lớp, nghe thầy cô giảng để hiểu sâu thêm vấn đề. Vì đã tự học trước rồi, nên khi về nhà cậu có thể ôn luyện, nâng cao luôn, không mất thời gian học lý thuyết nữa. Tinh thần tự học đó Hùng đã áp dụng từ năm học THPT, đặc biệt trong thời gian học ôn để đạt giải Ba thi HSG Toán cấp tỉnh.

Hùng rất biết ơn các thầy/cô giáo Bách khoa đã kiên nhẫn lắng nghe cậu trình bày khi không hiểu điều gì. Hùng nhớ mãi thầy Trần Ngọc Khuê dạy Giải tích 2 đã rất nhiệt tình giảng giải cho cậu hiểu bài sau giờ học. Mỗi lần hỏi thầy, cậu cứ ấp úng mãi nhưng thầy không tỏ ra sốt ruột mà còn động viên cậu mạnh dạn nêu vấn đề.

"Nếu bị trượt môn hay không hiểu bài chắc do chúng em chưa cố gắng, nỗ lực hết sức. Còn thầy/cô ở Bách khoa Hà Nội đã rất nhiệt tâm truyền đạt kiến thức cho sinh viên” – Hùng xúc động chia sẻ.
z4533789956590 6eed1f161215bb37fceeb9c71395e79f
Việt Hùng (bìa phải) cùng bố mẹ và em trai
Cú “flex” bản thân “siêu” hóm hỉnh!

Hùng rất thích kể chuyện Bách khoa Hà Nội với bố mẹ. Tuần nào gọi điện thoại về nhà cậu cũng kể mình học thế nào, thi ra sao, các CLB ngoại khóa hoạt động thế nào… Một lần về quê, Hùng thấy mẹ bảo em trai đang học lớp 6 “Cố gắng học lên rồi học Bách khoa như anh”, cậu vui lắm vì biết bố mẹ rất tự hào khi mình vào học ngôi trường uy tín, ai cũng ngưỡng mộ!

Bố mẹ Hùng hiện đang công tác tại một trường THPT ở huyện Nam Đàn. Câu hai người thân yêu hay hỏi cậu nhất là: Học có mệt không con? Và lúc đó, Hùng “tường thuật” lại trận bóng đá cậu cùng các bạn trong lớp vừa so tài với đội khác, câu chuyện phát ra tiếng cười vui của những chàng trai Bách khoa tràn đầy sức trẻ!
z4533788761384 8632aa68bf4b12feb7d5e48ff0b3917e
Việt Hùng (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) và các bạn trong đội bóng lớp đại học
Hùng yêu thích và có sở trường đá bóng, chơi giỏi nhất ở vị trí phòng ngự. Nhưng Hùng rất tự tin nhận mình là cầu thủ linh hoạt, nếu được phân công đá ở vị trí khác cũng sẽ thích ứng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Vào học Bách khoa Hà Nội, Hùng thỏa sức thể hiện tài đá bóng của mình, kết thêm nhiều bạn mới và phần nào cải thiện khả năng giao tiếp thông qua những giờ chơi hết sức này.

Nhịp sống này khác hẳn hồi cậu học THPT, học xong là về nhà! Đến cả Facebook cậu cũng không mặn mà khi xin tài khoản Facebook của bạn rồi về đổi lại thành tên mình! 3 năm kể từ lúc có Facebook, Việt Hùng chưa up một bản tin nào!

Có một thách thức cậu đang phấn đấu chinh phục là trở thành thành viên một trong những CLB ngoại khóa ở Bách khoa Hà Nội. Cậu còn theo bạn sang cả trường hàng xóm để thi vào câu lạc bộ của họ. “Chắc do em biểu đạt kém nên không qua được vòng phỏng vấn. Em sẽ rèn luyện thêm để có thể vượt qua được “bài thi” này”- Việt Hùng quyết tâm.

Việt Hùng định hướng sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm để ứng dụng các kiến thức về Trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Cùng đó, cậu sẽ học cao học, làm tiến sỹ. Gia đình rất ủng hộ Hùng với hướng đi này. “Nếu rèn được kỹ năng biểu đạt, em cũng muốn trở thành một giảng viên Bách khoa” – Hùng bày tỏ.

Trước mắt, cậu sinh viên năm nhất Nguyễn Hoàng Việt Hùng rất mong được học các môn chuyên ngành khó hơn nhưng được ứng dụng nhiều hơn. Cậu sẽ cùng các bạn mày mò, khám phá và thử sức NCKH dưới sự hướng dẫn của thầy/cô.

Với Việt Hùng, lựa chọn học Đại học Bách khoa Hà Nội như khám phá một thế giới mới, càng ngày càng thấy yêu thích, thú vị! Tự hào đạt được thành tích sau gần 1 năm học ở Bách khoa, cậu “flex” bản thân với bố (sau khi nhận lời hẹn phỏng vấn của Trang thông tin điện tử) rất hóm hỉnh:

- Bố ơi, năm nay con có kỷ yếu sớm!

- Sao năm nhất lại có kỷ yếu được?

- Được lên fanpage đại học là có kỷ yếu rồi!
 
Trong kỳ 2 năm học 2022-2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã dành khoảng 38 tỷ đồng để cấp học bổng Khuyến khích học tập, hỗ trợ sinh viên diện chế độ chính sách và cấp học bổng Trần Đại Nghĩa cho sinh viên. Trong 1621 sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc được Học bổng Khuyến khích học tập học kỳ II năm học 2022-2023, có 798 sinh viên đạt học bổng loại A. Rất nhiều bạn có kết quả học tập và rèn luyện đạt (gần như) tuyệt đối.

Gia Hân. Ảnh: Duy Thành - Kiên Phạm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây