Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 11/09/2023 06:10
Ngày 8/9/2023, tại Bắc Ninh, Đại học Bách khoa Hà Nội và 27 Trường đại học trong Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật (G28) và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cùng thảo luận tại Hội thảo CLB KH&CN các trường Đại học kỹ thuật lần thứ 58 với chủ đề "Chuyển đổi số tại Việt Nam và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng".
Sự kiện được Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Chủ đề nóng của Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ 30 trường đại học thành viên Câu lạc bộ; các vụ, cục, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, các học viện, trường CAND và công an một số đơn vị địa phương. Các diễn giả, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, khẳng định về tầm quan trọng của Chuyển đổi số cũng như chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Những giá trị khoa học và thực tiễn Bách khoa Hà Nội đóng góp tại Hội thảo
Trước các nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo, các nhà khoa học Đại học Bách khoa Hà Nội gồm: PGS. Huỳnh Quyết Thắng, TS. Nguyễn Thanh Hùng, TS. Trần Hoàng Hải, TS. Nguyễn Nhất Hải đã trình bày tham luận với chủ đề: Giới thiệu mô hình Đại học số và vai trò của hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST, cùng đó đề xuất hệ thống quản trị nhà trường eHUST nhằm hiện thực hóa mục tiêu tiến tới mô hình đại học số giai đoạn 2025-2030 của Đại học Bách khoa Hà Nội trong tương lai.
Theo đó, hệ thống eHUST được xây dựng bao gồm một nền tảng về quản trị đại học bao gồm rất nhiều phân hệ (tổ chức cán bộ, nghiên cứu khoa học, hợp tác đối ngoại, quản lý đào tạo, thống kê tổng hợp, cổng thông tin hợp nhất…) và được triển khai dưới cả 2 hình thức là website và ứng dụng trên điện thoại di động.
Mô hình triển khai chuyển đổi số xuất phát từ các chính sách, định hướng và mô hình hoạt động của trường cả dài hạn và ngắn hạn, trong đó tập trung vào 3 luồng chính: Số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, nghiệp vụ, khai thác dữ liệu.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các đồng nghiệp nhận định: Ứng dụng nghiên cứu tiên tiến của CNTT&TT để triển khai ứng dụng Quản trị Nhà trường cho mô hình Đại học số phục vụ Hệ sinh thái của Giáo dục 4.0 là một trong các giải pháp cốt lõi đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Các trường đại học phải nhận thức Đại học số là một trong các giải pháp quan trọng giúp nhà trường nhanh chóng hội nhập giáo dục đại học thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên, để triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các cơ sở giáo dục đại học còn gặp nhiều thách thức, cần sự chung sức, đồng lòng từ lãnh đạo Nhà trường tới từng cán bộ giảng viên, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức chung về chuyển đổi số cũng như nâng cao kỹ năng CNTT.
Mặc dù còn non trẻ nhưng với cách tiếp cận có hệ thống, xuyên suốt, đồng lòng từ lãnh đạo đến các cán bộ giảng viên, sinh viên, hệ thống đã từng bước chứng minh được sự hiệu quả trong Quản trị Nhà trường tại Đại học Bách khoa Hà Nội và là công cụ đắc lực của lãnh đạo đại học và cán bộ quản lý trong công tác quản lý.
Bên cạnh tham luận trình bày tại Hội thảo, các nhà khoa học: PGS. Trần Quang Đức, PGS. Nguyễn Linh Giang, ThS. Bùi Trọng Tùng - Trung tâm An toàn - An ninh thông tin, Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội - gửi tham luận về chủ đề: “Xây dựng văn hóa bảo vệ an toàn không gian mạng”.
Theo các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội, văn hóa bảo vệ an toàn không gian mạng là chủ đề nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới, định hướng, hiệu chỉnh thói quen, hành vi, thái độ, nhận thức của mỗi cá nhân về vấn đề bảo mật thông tin. Tại Việt Nam, xây dựng văn hóa bảo vệ an toàn không gian mạng là một cấu thành của Thế trận An ninh nhân dân, góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia.
Nội dung của bài tham luận tập trung phân tích đặc tính, các yếu tố ảnh hưởng, mô hình của văn hóa bảo vệ an toàn không gian mạng; cùng đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao văn hóa bảo vệ không gian mạng trong bối cảnh Việt Nam.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, 6 bài tham luận tiêu biểu được trình bày cùng hơn 40 báo cáo khoa học được tổng kết trong kỷ yếu Hội thảo cho thấy những nội dung được các nhà khoa học chuẩn bị công phu, có sức thuyết phục, mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn.
Bách khoa Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng với “Chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm”
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã chứng kiến Lễ ra mắt “Chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm” (Lab Sharing), một chương trình có sự kết hợp của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật với 5 nội dung:
1. Chia sẻ nguồn lực và hợp tác cùng có lợi trong nghiên cứu khoa học của các trường đại học trong Mạng lưới cũng như của NIC với mục đích phát huy thế mạnh đặc thù của các phòng thí nghiệm trong mỗi đơn vị nhằm phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các trường thành viên Mạng lưới.
2. Chia sẻ và phát huy nguồn lực cơ sở vật chất từ các phòng thí nghiệm của Mạng lưới các trường và NIC nhằm thực hiện các nghiên cứu liên ngành như Công nghiệp bán dẫn, Hydro xanh, Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Công nghệ môi trường, Truyền thông số, An ninh mạng, Y tế, v.v; nghiên cứu phục vụ nhu cầu cải tiến về công nghệ của các doanh nghiệp; thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường trong Mạng lưới; các nghiên cứu đặt hàng từ địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, v.v.
3. Nhằm khai thác hiệu quả chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm, bên cạnh việc chia sẻ nguồn lực phòng thí nghiệm hiện có, NIC sẽ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng và hợp tác với hệ thống các phòng thí nghiệm chia sẻ này.
4. Để dễ dàng triển khai các hoạt động chia sẻ phòng phòng thí nghiệm, Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật và NIC cùng phối hợp xây dựng nền tảng số “chia sẻ phòng thí nghiệm – LabShare” và sử dụng logo chung của Chương trình.
5. Cùng hỗ trợ và kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước để phát huy và phát triển hệ sinh thái phòng thí nghiệm chia sẻ.
Chương trình hứa hẹn việc phát huy nguồn lực cơ sở vật chất từ các phòng thí nghiệm của các trường đại học công nghệ kỹ thuật cũng như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và trong tương lai sẽ có thêm sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tăng tính gắn kết, nâng cao chất lượng nghiên cứu, sản xuất bằng sức mạnh tập thể, để từ đó tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm nghiên cứu phục vụ lợi ích chung cho xã hội.
“Hy vọng đây là một sáng kiến tập hợp nguồn lực để nghiên cứu tốt hơn, chuyển giao kết quả tốt hơn. Một khởi đầu tốt đẹp, kỳ vọng những kết quả tốt đẹp” - PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ sự kỳ vọng rất cao với “Chương trình chia sẻ phòng thí nghiệm”.
Trước đó, ngày 7/9, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các trường thuộc Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ tham quan, trải nghiệm tại Công ty TNHH Năng lượng mặt trời Boviet tại Tỉnh Bắc Giang và nghe giới thiệu về tình hình tự động hóa dây chuyền, chuyển đổi số trong xưởng sản xuất tấm Pin năng lượng mặt trời.